Đọc sách cùng bạn: Một lối phê bình đối thoại

Phạm Xuân Nguyên Thứ bảy, ngày 05/08/2023 17:03 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn tiểu luận phê bình "Hiểm địa văn chương" của tác giả Phùng Gia Thế.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Một lối phê bình đối thoại - Ảnh 1.

Cuốn tiểu luận phê bình "Hiểm địa văn chương" của tác giả Phùng Gia Thế. (Ảnh: ST)

Tên sách là tên một bài viết trong tập. Bài "Hiểm địa của văn chương" viết về một loại thơ gọi là "tục thi" của một nhà thơ tên là Đỗ Anh Vũ. Tục thi là thơ viết về một đề tài tục thường bị coi như cấm kỵ, nói ra thẳng tên sự vật còn khó, phải nói tránh, huống nữa là làm thơ về nó. Hiểm địa chính là vì thế. Nhưng "tôi là con người và không có gì thuộc về con người xa lạ với tôi", câu châm ngôn Hy Lạp cổ đại đã nói thế, và quả đúng là thế. 

HIỂM ĐỊA VĂN CHƯƠNG

Tác giả: Phùng Gia Thế

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023

Số trang: 329 (khổ 15,5x23,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 208.000đ

Phùng Gia Thế đã khảo cứu tục thi của Đỗ Anh Vũ một cách khoa học. Ở bài viết đó, anh chưa đưa ra sự lý giải ý nghĩa tư tưởng mỹ học của tục thi Đỗ Anh Vũ. Nhưng để bạn đọc rộng đường biết và hiểu thêm về loại thơ này anh có thêm trong tập bài viết về một nhà thơ đã nổi tiếng về thơ và cả thơ tục trước Vũ rất nhiều – "Nguyễn Đức Sơn càn khôn tịch mịch" (tr. 100-119). Bài này tác giả đặt ngay trước bài viết về Đỗ Anh Vũ có ý như là dẫn dụ cho trường hợp sau. Phùng Gia Thế thừa nhận thơ Nguyễn Đức Sơn tục song không thuần tục. Và anh đánh giá: "Thơ về "cái sự bài tiết" thì Nguyễn Đức Sơn có lẽ là đầu bảng. Chưa thấy ai diễn tả cái hiện sinh cảm xúc này cực thực như ông. Với Nguyễn Đức Sơn, đây không phải câu chuyện bài tiết thông thường, mà là sự quậy phá tung trời không giới hạn trong thơ" (tr. 114)

Hiểm địa của văn chương là vậy. Từ tên bài ra tên sách tác giả bỏ đi chữ "của". Đó là từ một trường hợp riêng nói rộng ra cái chung, văn chương là một hiểm địa, người trong địa hạt này cũng đầy vất vả, khó khăn, và cả hiểm nguy. Nhất là với người phê bình, nghiên cứu văn chương. Họ phải có sự thẩm văn, đành rồi. Nhưng họ còn phải biết cách đọc văn chương theo khoa học văn học, nghĩa là phải có lý thuyết văn học làm công cụ thực hành phân tích văn bản. Phùng Gia Thế mạnh về mặt này. Trước sách này anh đã có một chuyên luận mang tên "Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam đương đại" (2016). 

Các bài viết trong "Hiểm địa văn chương" anh tiếp tục ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại trên thế giới để đọc văn học trong nước từ các tác giả/tác phẩm cụ thể đến bao quát chung đời sống văn học. Anh nói tới quan niệm "cái chết của tác giả" (tr. 5-21), quan niệm trò chơi trong nghệ thuật (tr. 79-86), xu hướng "cácnavan hoá" ngôn ngữ (tr. 22-52), xu hướng dị biệt, ngoại biên trong văn chương (tr. 53-78). Ở những bài đó, tác giả trình bày lý thuyết trước rồi phân tích, chứng minh các hiện tượng sau. Có thể thấy nhiệt tình lý thuyết của người viết dù không phải lúc nào hai phần cũng cân xứng, hô ứng nhau. Dễ hiểu vì đây chỉ là những bài viết chủ yếu cho báo chí, không phải công trình riêng. Nhưng chính ở những bài như thế lại đòi hỏi tác giả phải biết vận dụng lý thuyết một cách hữu cơ và khéo léo hơn. Tôi nghĩ, từ sự ham thích lý thuyết hậu hiện đại, nếu Phùng Gia Thế tập trung vào một tác giả có thể coi có dấu hiệu rõ nhất của xu hướng này trong văn học Việt Nam thì đó sẽ là một một chuyên luận hay và bổ ích cho độc giả văn chương nói chung, và độc giả nhà trường nói riêng.

Đọc "Hiểm địa văn chương" người đọc thấy ra sự đọc nhiều, đọc nhanh, viết nhanh của Phùng Gia Thế. Anh đọc sách truyện, sách thơ và sách phê bình. Một phần chính là do công việc giảng dạy đại học của anh. Một phần nữa không kém quan trọng là anh có hứng thú văn chương. Không hứng thú thì không chịu đọc và có đọc cũng không hứng thú, chứ chưa nói đọc xong còn hứng viết và viết một cách rất hứng nữa. Lại lấy trường hợp bài viết thứ hai của anh về Đỗ Anh Vũ (tr. 164-178). Lần này anh bàn về việc Vũ chuyển soạn văn xuôi sang thơ, cụ thể là chuyển truyện ngắn thành thơ lục bát. Đây là một hiện tượng mới mẻ (dù không phải lần đầu mới có) thời gian gần đây đang được dư luận văn chương quan tâm bàn tán. Đỗ Anh Vũ đã ra hẳn một cuốn sách nhan đề "Từ truyện ngắn đến truyện thơ" (2023) trong đó in 25 truyện thơ chuyển soạn từ 25 truyện ngắn của 18 tác giả trong và ngoài nước, như Tô Hoài, Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, O. Henry… "Chuyển soạn" là tên Vũ gọi việc làm của mình. Nguyễn Hoài Nam thì gọi đó là "cuộc du hành của các văn bản nghệ thuật". Còn Phùng Gia Thế coi đấy là "một hướng thiên di". Anh bắt nhanh năm đặc điểm sự chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ: 1) "lạ hoá văn bản gốc", 2) "khéo chọn những truyện ngắn nổi tiếng đã và đang được giảng dạy, phân tích trong nhà trường phổ thông hay đại học", 3) "chuyển soạn rất nhanh, thời sự, tức thời", 4) "ngôn ngữ hiện đại, dí dỏm" và 4)" sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát". Nhưng cái hay của bài viết này là Phùng Gia Thế đã có phần Vĩ thanh thực hành ngay thao tác nhại chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ để biến những "chuyện" trên Facebook qua sự tương tác với các bạn văn thành truyện mini gọi là "Một phút cà khịa". Đó cũng có thể coi như một cách vận dụng "lý thuyết trò chơi" vào phê bình của anh vậy.

Phùng Gia Thế là PGS, TS. Ngữ Văn, hiện là Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2 (Xuân Hoà). Bạn đọc có thể hiểu thêm quan niệm văn học và cách làm phê bình của anh qua hai bài anh trả lời phỏng vấn đặt ở cuối sách. Cả hai bài đều do tạp chí "Văn Nghệ Quân Đội" thực hiện vào các năm 2016 và 2020. Các bài viết trong "Hiểm địa văn chương" tiếp tục mạch cuốn tiểu luận – phê bình trước của anh "Văn học Việt Nam sau 1986 – phê bình đối thoại" (2016). Có thể lấy lời anh trong bài phỏng vấn đầu để rõ thế nào là phê bình đối thoại: "Tôi đặt tên sách có cụm từ "phê bình đối thoại" là muốn nhấn mạnh vào tính chất, đúng hơn là khát vọng về sự triển hiện của một kiểu tư duy phê bình. Mặc dù không phải lúc nào cũng kỳ cùng triệt để, song các bài viết trong cuốn sách đều có ý hướng vượt thoát khỏi lối phê bình "đồng cảm", "tri âm", đặc biệt là phê bình "thù tạc", "vuốt ve" đang rất phổ biến trên sách báo hiện nay." (tr. 265) Phùng Gia Thế đã đi được đến đâu trên con đường anh chọn, bạn hãy đọc vào sách sẽ thấy.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 5/8/2023


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem