Nhân vật chính của tác phẩm là nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700). Ông quê Quảng Bình, là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725). Trong cuộc đời binh nghiệp của mình ông đã có nhiều công lao trong việc bình định các xứ, mở mang lãnh thổ nước Việt. Đặc biệt ông được coi là vị tướng mở cõi Nam Bộ với việc xác lập chủ quyền của người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định năm 1698. Sau công trạng này ông lại được chúa phái cầm quân đi đánh Chân Lạp gây hấn (1699). Dẹp xong quân địch, ông kéo quân về đóng Cù Lao Sao (thuộc An Giang hiện nay). Tại đây ông bị bệnh nên cho quân rút về Cù Lao Phố (thuộc Đồng Nai hiện nay). Trên đường về đến Rạch Gầm (thuộc Tiền Giang hiện nay) thì mất, hưởng dương 50 tuổi. Dân gian dựa theo tước hiệu của ông mà gọi ông là Ông Chưởng và lấy tên đó đặt cho một vùng đất đai, kinh rạch từng in dấu chân ông.
DÒNG BIÊN VIỄN
Tác giả: Hồ Thị Ngọc Hoài
Nxb Tổng Hợp TPHCM & Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, 2022
Số trang: 219 (khổ 14x21cm)
Số lượng: 500
Sách không bán
Tiểu sử cuộc đời danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh là vậy. Nhưng Hồ Thị Ngọc Hoài không chủ tâm viết tiểu thuyết lịch sử về ông. Nhà văn lấy ông làm nhân vật văn học của mình. Vì vậy chị đã có hai sự lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là thời điểm cuối đời của vị danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, khi ông lui quân về Cù Lao Sao và bị bệnh rồi mất. Chọn thời điểm đó nhà văn sẽ để cho nhân vật nhìn lại cả cuộc đời mình trong tâm tưởng, hồi ức. Tức là nhân vật nhớ lại hành trình sự nghiệp của mình thay vì tác giả kể lại. Và đó chính là lựa chọn thứ hai của nhà văn về cách viết: theo dòng hồi tưởng của nhân vật. Tên gọi tiểu thuyết "Dòng biên viễn" là vì thế. Ông Chưởng của Hồ Thị Ngọc Hoài sống những ngày cuối đời ở miền biên viễn vẫn lo toan việc binh nghiệp phục vụ nhà Chúa. Nhưng tâm trí ông là một dòng biên viễn ngược quá khứ, sống lại cuộc đời mình trong hoài niệm và trăn trở. Không gian thực của truyện vì thế hẹp, chỉ quanh quanh trong chiếc thuyền chính của ông Chưởng và xóm làng nơi quân đóng trại. Thời gian thực của truyện cũng ngắn, chỉ là khoảng ngắn ngày trước sau tết Đoan Ngọ. Hành động của truyện ít ỏi, chỉ chủ yếu là ông Chưởng ngồi ở lầu thuyền nhớ lại những chuyện đã qua. Đấy chắc là dụng ý của tác giả. Tất cả để dồn cho khoảng không - thời gian trong tâm tưởng nhân vật.
Hồ Thị Ngọc Hoài đặt ông Chưởng ở ngôi thứ ba để tả những cảm xúc và suy nghĩ của ông. Người kể chuyện đứng ngoài quan sát ghi lại chuyển động tâm lý của nhân vật. Xen vào đó có những hình bóng trong mơ của người nữ, mỹ nữ trò chuyện, đối thoại với ông Chưởng. Có cuộc trò chuyện trong mơ của hai cha con. Đó cũng là một cách tác giả mở thêm không gian trần thuật để nhân vật bộc bạch mình.
Ông Chưởng hiện lên qua hồi ức bản thân là một con người ngay từ thời trẻ đã khác biệt với mọi người trong gia đình. Là con nhà tướng, có cha và anh đã chinh chiến bao năm vì cơ nghiệp nhà chúa, nhưng rồi cha bị oan trái phải vào ngục, anh vì công vụ cũng bị truất làm thứ dân, chàng trai Nguyễn Hữu Cảnh như đã không muốn theo nghiệp cha anh. "Có tí chức cai đội sau lần đầu tiên và cũng là lần cuối ra trận cùng cha cũng bỏ mặc không màng, như là kẻ không tu chí "tu thân tề gia" tốt, như kẻ không màng chi chuyện "trị quốc" với "bình thiên hạ". Chữ nghĩa sách vở thánh hiền cũng không chăm không giỏi như cha và anh trai nói gì hơn ai?" (tr. 13) Nhưng phận làm trai vẫn đã cuốn ông vào con đường làm tướng làm quan cầm quân giúp chúa dẹp loạn mở mang bờ cõi. Tuy nhiên, Hồ Thị Ngọc Hoài đã chỉ nhìn ông Chưởng ở khía cạnh một con người lo nước lo dân. Bao nhiêu công trạng sự nghiệp cũng cốt để an dân. Cho nên, chi tiết tiểu sử ông Chưởng chỉ ra trận có một lần năm 1672 và đó là trận cuối được nhắc lại mấy lần trong truyện. Tác giả cũng để nhân vật đã có những suy nghĩ băn khoăn trước việc nhà Chúa nghi kỵ, đề phòng các người phương Tây đến nước mình, không thấy ở họ sự mở mang đời sống cho dân mình.
Xen giữa mạch tâm tư của vị chưởng binh nhà văn có những cảnh để cho nhân vật trò chuyện với người phó tướng và hai người lính hầu, tiếp xúc với những người dân thường trong những lo toan thường nhật của cuộc sống, với những người lính thường trong chuyện sống chết, hôn nhân. Ông Chưởng hiện ra ở đó chân thật, gần gũi, người xưa mấy trăm năm mà như hiện diện hôm nay. Người đọc thấy rõ tác giả rất thương nhân vật. "Ta cũng thế, chỉ biết theo gươm đao võ nghệ, dù được tiếng thương dân quý người nhưng vẫn là kẻ khua gươm. Lúc trẻ nhỏ nghe theo người lớn, khi biết ngẫm ra những sự của người đời, của mình thì già, sức trí giảm, cũng không làm được gì khác nữa. Lo sợ chiến tranh loạn li ta cũng chỉ dạy con cái giỏi võ nghệ gươm đao, không nghĩ được khác, chưa dám con cần học làm những điều khác hơn. Nay càng đi càng sống ta càng thấy đời có bao mới mẻ… Ta cũng thấy ta chậm lỡ trước bao thay đổi." (tr. 160) Những lời tâm sự của ông Chưởng trong mơ với hình bóng mỹ nữ là một nỗi lòng tác giả muốn cho nhân vật ôm mang để gửi gắm tới người đọc.
Chọn cách viết theo dòng tâm tưởng nhân vật nên Hồ Thị Ngọc Hoài đã có một giọng văn trôi theo mạch cảm nghĩ của ông Chưởng. Câu văn nhẹ nhàng, khơi gợi, lắng đọng. Đọc văn truyện như được trò chuyện cùng nhân vật. Người xưa và người nay không cách biệt vì nhà văn không dựng những khung cảnh quan trường, những lễ nghi phép tắc triều chính mà tác giả buộc phải dùng những từ ngữ, cách nói quan cách. Ngược lại, tác giả lại để cho chủ tướng và phó tướng xưng hô với nhau là "anh - em" trong câu chuyện của họ. Tất cả là dòng cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật được thuật ở ngôi thứ ba. Chất thơ bàng bạc trong từng câu văn. Dòng mạch đó cuốn cả dòng văn theo khi tác giả không nói về cái chết mà về sự vắng bóng của ông Chưởng trong đoàn thuyền binh đang xuôi về bến cũ. "Không ai thấy bóng chủ tướng vào ra đi lại trên thuyền. Thiếu một ánh mắt nhìn ngắm gửi tình theo mây trời bến bãi nước non. Bờ bãi thêm hoang vu, nước mây thêm hoang dã. Đoàn binh lặng lẽ, lặng lẽ dần." (tr. 219). Ông Chưởng đã vĩnh viễn hoà vào đất trời miền biên viễn mà vâng mệnh Chúa ông đã mang về cho nước Việt. Nhưng "có những bí mật theo dòng biên viễn trôi mãi". Những bí mật đó sử có thể không chép nhưng văn có thể tái tạo. Và cuốn tiểu thuyết này của Hồ Thị Ngọc Hoài là một thí dụ.
Tác giả người Nghệ An hiện sống tại TP Hồ Chí Minh. Chị đã giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn 2006-2007 của báo Văn Nghệ với truyện "Thung Lam" và đã xuất bản một tập truyện ngắn ("Đi đến đó", 2014), một tập thơ ("Lễ hội này", 2014). Bằng tiểu thuyết "Dòng biên viễn" Hồ Thị Ngọc Hoài đã thâm nhập vùng đất Nam Bộ nhiều hứa hẹn văn chương. Tôi nghĩ chị sẽ còn đi tiếp mạch viết này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.