Khát khao tình yêu của “Những người gánh sông trăng”
Khát khao tình yêu của “Những người gánh sông trăng”
Thiên Việt
Thứ hai, ngày 16/12/2024 16:06 PM (GMT+7)
Những người phụ nữ, dù tuổi đã cao, nhưng tâm hồn vẫn luôn tươi trẻ. Bên cạnh sự tươi trẻ ấy, tâm hồn họ còn mang đậm suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời. Điều này có thể cảm nhận được qua tập thơ của "Những người gánh sông trăng’’ – một tập thơ của những nhà thơ nữ luôn mang đậm tình đời, tình người.
Có rất nhiều nhà thơ, nhà văn nữ tài năng xuất hiện – có thể là rất trẻ hoặc ở tuổi đã chín muồi, hoặc từ một lĩnh vực khác, sau đó chuyển sang đến cầm bút và viết. Phải nói thêm, với tâm hồn rộng mở, tinh tế, nhạy cảm, lãng mạn thấm đậm nhân ái, khát khao tình yêu thì làm thơ và viết văn đang và đã là thế mạnh của phái đẹp.
Chúng ta đang có trong tay tập thơ của những người phụ nữ mang tên "Những người gánh sông trăng" – một cái tên rất ấn tượng và quyến rũ. Đó là những nhà thơ đã nổi tiếng và đang nổi tiếng: Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Kim Nhũ, Phạm Thu Yến và Trần Thị Trường.
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến được bạn đọc biết đến qua nhiều bài thơ đắng đót như "Tình chị duyên em’’, "Trầu cay"… Trong tập thơ này, tâm hồn chị vẫn khát khao tìm kiếm. Thật là một "trời tình biển ái". Một môn đồ của thần tình yêu, một người phụ nữ luôn khao khát tình yêu, sinh ra để yêu và đam mê tới những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Hãy nghe chị viết về cuộc tìm kiếm ấy:
"Suốt cuộc đời tôi tìm kiếm tình yêu
Như người ta tìm vàng đãi cát
Chân tôi bước khắp ngả đường sa mạc
Hết ngày dài lại đêm thâu…"
(Không có số được vàng)
Tình yêu là vàng trên sa mạc, tìm bao giờ cho thấy – nhưng vẫn đi tìm. Đó là khát khao và cũng là tính cách của phụ nữ. Tìm trên sa mạc không có thì đến hội để tìm:
"Lạc nhau từ điệu dân ca
Phải dò đến hội để mà tìm nhau"
(Tìm người ở giữa hội Lim)
Hội thì đông lắm, toàn là người và người. Vậy người ấy ở đâu?
"Người đông thấy những chỏm đầu
Nào nhìn ra cánh áo nâu mà tìm"
(Tìm người ở giữa hội Lim)
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là người nổi tiếng từ nhiều năm nay với bài thơ "Hương thầm". Thơ của chị tinh tế, giàu cảm xúc, dung dị, đằm thắm và toát lên vẻ đẹp nữ tính đặc biệt của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu. Tình cảm mạnh mẽ, sâu lắng nhưng giấu vào trong.
"Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
Anh vô tình anh chẳng biết đâu
Tôi đã đến với anh rồi đấy"
(Hương thầm)
Và càng không lời, tình yêu càng lâu bền. Đến nỗi sau này chia tay rồi, nhưng câu thơ xưa vẫn sống:
"Với tôi thuở ấy thiêng liêng
Câu thơ đập giữa nhịp tim bất ngờ
Nay còn ai được như xưa
Còn ai xứng với bài thơ tôi cầm
Mà sao lòng vẫn rưng rưng
Đọc câu thơ cũ âm thầm lệ rơi"
Yêu say mê, chia tay vẫn nhớ thương, nhưng đối diện đau khổ, mất mát thì ra sao? Hãy nghe nhà thơ Hồng Ngát tâm sự:
"Như con chim khảm khắc kêu hoài
Đốt cháy bỏng cả một thời trẻ dại
Người đàn bà nuôi con người đàn bà gặt hái
Người đàn bà lại yêu sau những đau khổ của mình"
(Người đàn bà đang yêu)
Tuy nhiên, không chỉ tình yêu đôi lứa với tâm hồn phụ nữ, nhưng tình cảm khác như tình mẹ cha, con cái, quê hương, đồng nghiệp cũng vô giá với họ. Hãy nghe nhà thơ Kim Nhũ nói về mẹ:
"Khói lam ngóng mẹ đầu làng
Hai vai kĩu kịt mẹ mang chiều về
Cả đời mẹ gánh con đi
Còng lưng bạc tóc xuân thì bỏ quên"
(Mẹ, lời ru)
Thật là không thể quên. Khói lam và bóng mẹ kĩu kịt được khắc hoạ như một bức tranh tình mẹ.
Và một tình cảm không thể không nói, đó là người cha thân yêu đã hi sinh cả đời cho gia đình, đùm bọc mẹ con:
"Chỉ một lần và chỉ một mà thôi
Nước mắt cha lăn dài trên gò má
Là khi mẹ vội về nơi xứ lạ
Chẳng một lời từ biệt ở trên môi"
(Nước mắt của cha)
Và người thứ năm chúng ta bước vào yêu thơ là nhà thơ Phạm Thu Yến. Chị là một nhà giáo dạy Văn, nên có thể thơ chị luôn nặng một nỗi niềm nhân thế. Một trái tim đa cảm, luôn rung động trước nhân tình:
"Biết làm sao em vẫn dễ vui buồn
Rưng rưng mãi trước một bài hát cũ
Một câu thơ hai trái tim nức nở
Khát khao nhiều trước mỗi bình minh"
(Với anh)
Nếu không rung động trước vẻ đẹp cuộc đời, trước nghệ thuật thì đâu phải là người nghiên cứu nghệ thuật. Và nhà thơ tự như:
"Nếu chỉ biết làm ăn, nuôi con, giặt giũ
Chắc chẳng còn đáng được anh yêu"
(Với anh).
Tập thơ và ký chân dung "Những người gánh sông trăng" có 5 bài ký chân dung mà nhà văn Trần Thị Trường viết về 5 nữ tác giả còn lại; và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát viết về chân dung nhà văn hoạ sĩ Trần Thị Trường. Đặc biệt, tập sách có 24 phụ bản là những bức tranh vẽ hoa hồng của họa sĩ Trần Thị Trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.