Đọc sách cùng bạn: "Đứa trẻ biết già"

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 02/10/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc tập thơ “Em là nơi anh tị nạn” của nhà thơ Trương Đăng Dung.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Đứa trẻ biết già" - Ảnh 1.

Đây là tập thơ thứ hai của tác giả. Tập đầu của ông mang tên “Những kỷ niệm tưởng tượng” xuất bản năm 2011 và đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cùng năm, sau đó đã được dịch và xuẩt bản tại Hungary. Trong báo cáo tổng kết giải tôi đã viết về tập thơ đó như sau: 

Tập thơ "Những kỷ niệm tưởng tượng" của Trương Đăng Dung đặc biệt ở chỗ đây là tập thơ đầu tay của một nhà nghiên cứu lý luận thuộc dạng hàn lâm hiếm hoi trong ngành khoa học văn học ở nước ta. Trương Đăng Dung đã từng dịch "Truyện Kiều" ra tiếng Hungary khi còn là lưu học sinh và đã làm thơ từ lâu, ngay bài thơ lấy tên chung cho tập này là đã được viết ra từ gần ba mươi năm trước và in trên một tạp chí thơ ở Budapest. Thời gian qua, khi thơ anh xuất hiện nhiều hơn trên các báo chí, người đọc đã bắt đầu chú ý đến một giọng thơ mới và đẹp. Cho đến khi tập "Những kỷ niệm tưởng tượng" được xuất bản vào tháng 6/2011 thì lập tức  thơ Trương Đăng Dung gây ra được một hiệu ứng thơ mạnh với nhiều bài viết (18 bài trong khoảng nửa năm) của các nhà thơ, nhà phê bình đi sâu phân tích, khám phá trong cùng một giọng khẳng định và khen ngợi. Đó quả là một điều hiếm thấy trong đời sống thơ nước ta hiện nay.

"Những kỷ niệm tưởng tượng" là tiếng thơ trĩu nặng cảm xúc suy tư về tồn tại nhân thế trong dòng thời gian chảy trôi của kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Có thể coi “trôi” và “kiếp nhân sinh ngắn ngủi” là từ khóa của tập thơ này. Từ cái sống của mình và cái sống của nhân quần, nhà thơ nghiệm sinh về lẽ vô thường của cuộc đời, về những ảo ảnh đời người, về những đường chân trời chưa tới và những bức tường ngăn cách, chia rẽ, biệt lập trong cõi nhân gian, trong mỗi con người. Thơ-thời-gian, Thơ-tư-tưởng, đó là những tên gọi đã được nêu lên để định danh thơ Trương Đăng Dung ở ngay tập đầu này. Đó là một thứ thơ mang nỗi buồn sâu lắng của sự trầm tư triết học về tồn tại và bản thể, về hiện thế và hư vô. Những câu thơ, những bài thơ giàu chất suy tưởng trong mạch cảm xúc tầng sâu được thể hiện bằng từ ngữ có khả năng gợi mở, phát lộ ý niệm và tư tưởng. Có thể nói, "Những kỷ niệm tưởng tượng" đã trở thành “vật chứng trước thời gian” của Trương Đăng Dung, nghĩa là thơ đã hiện hữu hóa ý thức sống của nhà thơ, biến cái sống tự nhiên thành một cái sống được nhận thức, do đó đối với Trương Đăng Dung có thể nói như R. Descartes: "Tôi làm thơ, vậy tôi tồn tại". Giải thưởng trao cho "Những kỷ niệm tưởng tượng" là sự khẳng định một tập thơ hay, một giọng thơ mới lạ, một sáng tạo thơ đích thực và cũng khẳng định một hướng đi tốt đẹp của thơ.

EM LÀ NƠI ANH TỊ NẠN

Tác giả: Trương Đăng Dung

Nhà xuất bản Văn Học, 2020

Số trang: 102

Số lượng: 1000

Giá bán: 76.000

Tập thơ “Em là nơi anh tị nạn” vẫn tiếp tục mạch chiêm nghiệm suy tư về thời gian trên bình diện triết học, nhưng thấm vị đời hơn. Bắt đầu từ tên tập. Trước Trương Đăng Dung, có một nhà thơ cũng là nhà nghiên cứu văn chương nghệ thuật đã dùng cái từ "tị nạn" trong nhan đề tập thơ của mình. Đó là tập "Tị nạn chiều" (2016) của phó giáo sư, tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái. Vậy để hiểu "tị nạn" trong thơ ta phải hiểu nó có nghĩa chính là gì. Theo định nghĩa của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International): "Người tị nạn là người đã bỏ trốn khỏi đất nước của họ vì họ có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và bị ngược đãi ở đó. Những rủi ro đối với sự an toàn và cuộc sống của họ lớn đến mức họ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi và tìm kiếm sự an toàn bên ngoài đất nước của họ vì chính phủ của họ không thể hoặc sẽ không bảo vệ họ khỏi những nguy hiểm đó. Người tị nạn có quyền được quốc tế bảo vệ". Đấy là về chính trị. Còn khi một nhà thơ nói với vợ rằng "Thế giới này không còn chỗ bình yên, em là nơi anh tị nạn" thì ý nghĩa của cái từ này đã rộng hơn và sâu hơn nhiều. Nó nói nỗi hiện sinh của cả kiếp người và sự hiện hữu của một đời người.

"Anh muốn em là quá khứ để anh sống bình yên trong hiện tại, anh muốn em là hiện tại để anh hy vọng vào tương lai, anh muốn em là tương lai để ký ức anh tự do bừng sáng" (tr. 8).

Thế giới bất an đến chừng nào để chỉ còn ký ức là nơi "cất giữ cuộc đời ta an toàn nhất?". Và sao "gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người" chỉ dưới luồng sáng của kỷ niệm? Đấy có phải là vì hiện tại cuộc sống:

"Không có gì mới đâu, thi sĩ

mỗi ngày sống là một ngày thất vọng

từ Tây sang Đông

người sợ con người" (tr. 56)

như nhà thơ đã ngậm ngùi nói trước mộ bạn mình, nhà thơ Hungary Hollo Andras, sau hơn hai mươi năm trở lại xứ người.

Khi mà càng lên cao nhìn xuống nhà thơ thấy "những mặt người khốn khổ chen chúc dưới mặt trời, như thể đã đến thời người với người không muốn nhìn nhau nữa" (tr. 61). Ở bài thơ "Lên cao, lên cao" này, điệp khúc "không muốn nhìn nhau nữa" được nâng dần từ trời với sông, gió với cây, người với chim "như thể đã lâu rồi", để cuối cùng tích tụ lại và vỡ toang ra ở người với người trong cái thời như thể đã đến lúc này. Hai chữ "như thể" hoài nghi khẳng định một thực tại của đời sống hiện đại làm câu trả lời cho câu hỏi lặp lại bốn lần "Lên cao lên cao, tôi nhìn thấy gì từ phía trên thành phố?" dẫn dắt ý thơ. Ngờ vực và băn khoăn cứ thế được đẩy theo sự lên cao lên cao lên cao buông lửng cuối bài.

Như thế, Trương Đăng Dung ngày càng thấy ra sự phi lý và hữu hạn của đời người, và ông thấy bất an trong một cuộc sống bất ổn. Đó là một kiếp nạn bủa vây nhân sinh và mỗi một con người. Ông tìm nơi lánh nạn, chạy nạn cho cả xác thân và linh hồn mình. Từ những suy tư triết học, những suy tưởng tôn giáo, ông trở lại đời thường tìm nơi tị nạn cho mình ở những người thân. 

Khi bước vào một cuộc phẫu thuật, trước cơn đau của thể xác và cuộc vật lộn của tâm hồn, hai người ông bấu víu trước nhất là mẹ và vợ. 

Ông muốn được vẹn nguyên trở về bên mẹ như lúc lọt lòng. Một tứ thơ lạ khi viết về nỗi đau cơ thể.

"Thân xác con đau

tâm hồn con biết làm gì chia sẻ?

Con chỉ mong được về nhà với mẹ

cho tâm hồn và thể xác về theo" (tr. 17)

Ông cám ơn và xin lỗi vợ. Một ý thơ không mới nhưng thi ảnh và lời thơ đọng nhiều xúc động, day dứt.

"Anh biết thể chất phôi pha

cái vỏ gối bao lần em thay mới

từng đêm nghe tóc bạc xót xa,

giới hạn bủa vây ta

em nỗ lực trong từng giây phút sống

anh tha thẩn như một người mơ mộng

lang thang trong kiếp làm người" (tr. 19).

Khi đối diện tuổi già ông muốn tìm lại mình thuở mười tám tuổi "ngơ ngác bước đi trên những nẻo đường Budapest" (tr. 57) để nói với con trai những băn khoăn nghi hoặc của tuổi trẻ trước lịch sử lúc bước vào đời. Ông nhìn vợ mình bà nội sáu mươi ôm cháu nội ba tháng tuổi ngồi trên sân thượng "một bóng giữa trời chiều" để nghĩ về vòng quay cuộc đời. Ông mơ thấy bố "một người già lặng lẽ đứng nhìn con" khi người con hỏi "có gì mới hơn sau mỗi kiếp người?" (tr.  24). Câu trả lời hình như ông đã có: "Tôi không mang đến điều gì mới lạ, giữa quá khứ và tương lai tôi chỉ là đứa trẻ biết già" (tr. 72).

Điều ngỡ là đơn giản này lại không đơn giản chút nào xét ở sự "biết". Đó là một chiêm nghiệm triết học về thời gian và hiện hữu ở cõi người. Và đó cũng là cảm xúc thi ca. Nhà thơ sống làm một người bình thường. Nhưng là một người làm Thi Sĩ ông sống bằng tinh thần Tự Do. Loài thi sĩ lấy Tự Do làm nơi tị nạn của tâm hồn và phận người. Tự do của Dostoievsky là "tự do trong từng hành động" (tr. 48). Tự do của Nikos Kazantzakis là tự do "không hy vọng gì / không còn gì để sợ" (tr. 50). Tự do của Tô Thuỳ Yên là tự do "kiêu hãnh thẳng tiến về Định Mệnh" (tr. 53). Chính Tự Do mới làm nên Người và Thơ. Trong bài tiểu luận "Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại" viết năm 2016 đặt ở cuối tập thơ Trương Đăng Dung viết: "Thế kỷ XXI đã bắt đầu được 16 năm. Con người chuyển từ trạng thái bất khả kháng sang trạng thái không số phận, một hình thức mới của sự tha hoá, hệ quả của sự cưỡng đoạt số phận cá thể. Xin đừng hỏi thơ có thể làm được gì trong một thế giới mà con ngừoi đang tiếp tục bị lãng quên. Thơ có thể và cần phải nói được nhiều hơn về con người theo cách của thơ" (tr. 101-102).

Trương Đăng Dung làm thơ trong nỗi lo âu Người và sự xác quyết Thơ như vậy. Ông vẫn luôn đi tìm cách thơ của mình để làm ra Sách của mình. Đó là sách của Sự Thật! Như ông đã nâng cái chết của AylandKurdi, cậu bé Syria bị trôi xác vào đất liền trong cuộc tị nạn tìm đất sống, lên thành Sách phơi bày một sự thật thời hiện đại (tr. 42-44), đặt cạnh Sách của các sứ thần như Gióp, Giôna rao truyền sứ điệp về những điểu tiên tri cho loài người.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Đà Lạt rằm thu Canh Tý (1/10/2020)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem