Mấy chữ "thi sĩ lãng tử" là của nhà thơ tự gọi mình. Nên tôi mới gọi nhà thơ là gã. Gã còn có biệt danh Huệ "đen" như bạn bè thường gọi vui vì nước da cha sinh mẹ đẻ. Gã có chung với tôi ngôi trường cấp ba Phan Đình Phùng (thị xã Hà Tĩnh) nhưng học trước mấy lớp. Hai anh em cũng mãi sau này mới gặp nhau, biết nhau. Từ đó tôi biết gã có làm thơ. Năm 2015 khi biên soạn tập thơ "Chung một mái trường" kỷ niệm 75 năm thành lập trường Phan Đình Phùng, tôi có chọn của gã ba bài. Trong đó có bài gã viết về thầy giáo cũ:
"Tôi khẽ đọc thầy nghe Những câu thơ tím bầm sau một thời câm lặng" (tr. 263)
Gã đã in ba tập thơ: "Lặng lẽ một dòng sông" (2008), "Khúc độc ca" (2012) và "Hoang mạc trắng" (2014). Bây giờ gã lọc lựa từ ba tập thơ đó lấy ra 146 bài làm thành tập "Vẫn còn" như một sự kết thơ cho đời mình. Trong tập còn có những bài viết về thơ Nguyễn Lâm Huệ của các nhà thơ, nhà văn Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Trung Trung Đỉnh và một số người khác.
Tôi đọc ở một bài gã viết cho bạn:
"Thơ tao viết bằng máu trào thịt cắt Nên nhiều khi hai đứa lặng khóc thầm" (tr. 237)
Và ở một bài gã viết về chính mình:
Những giấc mơ bầm dập với tháng năm Lúc trắng lúc xanh, lúc vàng lúc đỏ Bao mê loạn một thời trai trẻ Đến bây giờ còn lại giấc mơ đen
Những câu thơ gã tự định danh thơ mình cho thấy một hồn thơ đau đớn ở gã. Đọc thơ Lâm Huệ là nghe tiếng khóc, tiếng hét nén lại bên trong làm xô đẩy, rung chuyển câu chữ, ngôn từ, hình ảnh. Người thơ như bị một kiếp nạn gì khủng khiếp lắm mà chỉ thơ may ra mới có thể an ủi, nhưng khi đã viết ra thơ rồi thì nỗi đau lại càng âm ỉ, dữ dội.
Gã coi mình là gã thi sĩ lãng tử phiêu dạt cõi nhân gian. Trong cõi ấy gã gọi dậy những hồn xưa bóng cũ, đem người nay nhập với người xưa, thả tâm trạng mình trong những khung cảnh nhiều khi quái đản, ma mị, xoay những câu từ lảo đảo, ngả nghiêng, đến lúc mệt nhoài thì để câu thơ trôi đi. "Gió đĩ thõa động cỡn lên từng đợt / Trăng lõa lồ thân xác giữa trời khuya / Dế văng mạng cuối góc sân chửi tục / Cóc nghiến răng ken két nước ao tù" (tr. 27)
Cái đau trong thơ Lâm Huệ là của một người phẫn chí, đau đời. Khi gã kiểm kê lại gia tài một đời đã sống: Tương lai xanh như màu da, niềm tin vàng như màu mắt. Tuyệt vọng ư? Có thể. Hận uất ư? Có thể. Tiếng thơ gã có khi là tiếng thét cho vỡ bùng những bực tức, xót xa trước những sự ti tiện, đểu cáng, xấu xa hàng ngày phơi bày trước con mắt thơ. Ngay cả những cảnh sắc địa dư quen thuộc, thân thuộc thì mỗi lần trở về, gặp lại, cũng khía vào lòng người thơ vết thương đau của sự đổi thay, biến hình hiện tại đè lấp quá khứ, chôn vùi kỷ niệm. Đến mức gã trách cả bậc tiền nhân vĩ đại hơn hai trăm năm trước, người cùng châu quận, đã không đưa được vào thơ những chuyện đau lòng của làng mạc xóm thôn quanh mình: "Quê nhà bao chuyện não lòng / Cụ không viết nổi một dòng xót thương / Bôn ba ngày tháng dặm trường / Mang chuyện đĩ điếm bốn phương quay về / Trổ tài khua bút, múa thơ / Lưu danh hậu thế chuyện xưa xứ người" (tr. 152). Một cái nhìn có vẻ bất kính với người xưa, nhưng cũng là một nỗi đau chia sẻ "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" ngày nay. Như giữa ngày xuân với những cảnh tượng trái ngược nhau đến quay quắt khiến gã "khạc ra đời" những vần thơ chát chúa. Động từ "khạc nhổ" còn được gã hơn một lần dùng đến, và cũng trong một bài thơ xuân.
VẪN CÒN
Tác giả: Nguyễn Lâm Huệ
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2018
Số trang: 316
Số lượng: 600
Giá bán: 140.000đ
Nhưng bên cạnh hay bên dưới âm điệu thét là điệu than khi nhà thơ muốn níu kéo những gì tốt đẹp đang tàn phai, mất mát. Điệu than tiếc, sầu thương. Và gã buồn, một cái buồn dằng dặc, miên man như từ trời đổ xuống, từ đất đùn lên, từ trong bản thể trào ra. Buồn vì nhân tình thế thái. Buồn vì thời gian đời người trôi "nhất khứ bất phục phản". Buồn vì những mộng ước không thành. Buồn vì gã đã được sinh ra làm người và làm thơ. Buồn vì nỗi buồn ngày càng ít đi, ít được chia sẻ. Gã tổng kết lại đời mình: "Một kiếp du ca tàn cuộc lữ / Về ngồi ngẫm lại tháng năm trôi / Trời hành mang nghiệp lang thang sĩ / Bầu rượu túi thơ đã cạn rồi" (tr. 16). Buồn thật buồn mà vẫn phảng phất khí chất ngất ngưởng, kiêu bạc. Buồn nhưng vẫn cố giữ lòng trung thực như điều quý nhất trên đời, dù niềm tin có vàng như màu mắt và tương lai xanh như màu da.
Trời hành! – gã tự nhận số phận mình chứ không phải trách trời. Trời cho lão ra đời năm Quý Tỵ (1953), kiếp rắn. Khi đi trọn một vòng hoa giáp gã tự họa mình trong hình hài rắn:
"Một đời lướt dọc lại bò ngang Lột xác bao phen vẫn mơ màng Lim dim mắt rắn buồn thế sự Uốn mình thè lưỡi giữa nhân gian Vòng tròn khép kín khoanh về tổ Gặm nát tâm tư buổi đông tàn Sáu mươi năm chẵn, mơ lột xác Vẫn còn khắc khoải ngóng xuân sang" (tr. 52)
Một bức chân dung thơ như thực như hư. Con rắn vườn địa đàng đã xui nàng Eve ăn trái cấm giúp con người biết tri thức, biết nhận ra mình trần trụi lõa thể, từ đó biết sống đời người và biết tình yêu, hạnh phúc, đau khổ. Rắn cũng từ đó chịu kiếp nạn trườn bò chui nhủi trên mặt đất lầm lụi, có nọc độc, và được lột xác. Tôi nghĩ gã lãng tử thi sĩ Nguyễn Lâm Huệ không dưng vì tuổi mình mà họa mình đau đớn, quằn quại đến vậy. Thơ với gã có khi phải chích độc cho người để người biết đau biết sợ, biết nhìn đời lo âu và tỉnh táo. Để rồi thơ lại gieo hy vọng cho người lột xác, không phải xác hình hài, mà xác tinh thần sau bao thăng trầm mất mát thấy trong cõi Sắc - Không vẫn còn anh và em hiện hình trong nhau.
Mở đầu tập thơ Nguyễn Lâm Huệ có mấy lời tâm sự: "Lần này tôi tập hợp một số bài thơ trong những tập thơ của tôi làm nên cuốn sách cuối cùng này như muốn gởi gắm những tâm tư tình cảm, những thăng giáng giữa dòng đời của một gã thi sĩ lãng tử suốt một đời rong ruổi ngược xuôi nghêu ngao cất lên tiếng hát của lòng mình giữa chốn nhân gian bé mọn" (tr. 7). Linh cảm như đã mách bảo anh đặt tên cho tập thơ này là "Vẫn còn". Bởi vì hơn một năm sau ngày tập thơ ra mắt, anh đã từ biệt cõi nhân gian. Thơ Nguyễn Lâm Huệ còn đây, nhưng người đã đi xa. Tưởng nhớ anh tôi muốn đọc cùng bạn bài thơ được nhà thơ lấy làm tên chung cho cả tập.
"Vẫn còn Một chút heo may Lẫn trong màu nắng Chan đầy mắt em Vẫn còn Một thoáng dịu êm Em xanh màu gió Trốn tìm trong tôi * Chiều vàng Chiếc lá nhẹ rơi Chơi vơi tím biếc Một trời… Sắc – Không" (tr. 180)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.