Đọc sách cùng bạn: "Câu thơ nhỏ dáng hao gầy"

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 03/07/2020 08:51 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc tập thơ "Người rao mặt nạ" của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng.
Bình luận 0

Đây là tuyển thơ chọn 1975-2020 của Nguyễn Văn Hùng sau 10 tập thơ đã xuất bản kể từ tập đầu tiên "Tự thú" ra năm 1989. Bốn mươi lăm năm thơ dồn lại trong 178 bài vẽ nên chân dung một người thơ xứ Nghệ lặng lẽ thâm trầm bền bỉ với thơ, đau đáu cùng thơ.

"Câu thơ nhỏ dáng hao gầy" - Ảnh 1.

Thơ cho anh sống cuộc đời nhiều yêu thương day dứt. Từ niềm vui lần đầu tiên ở phố mới đêm đầu sau chiến tranh đến nỗi buồn hiện nay các cao ốc mọc lên trùng điệp chen lấn che khuất cả thiên nhiên. Từ nỗi niềm của người con đối với cha mẹ, người cháu đối với ông bà, người trò đối với người thầy, người thơ đối với đồng nghiệp, đến nỗi niềm của người chồng đối với vợ, người cha đối với con. Thơ anh viết về gia đình thật sâu sắc, lắng đọng. Anh có hai bài thơ xúc động về mái tóc. Một là nói đứa con nhỏ hai tuổi bắt chước người lớn nhổ tóc bạc cho bà thì cũng đòi nhổ tóc cho ông bố đầu còn xanh. Con cứ loay hoay tìm tóc bạc trên đầu bố nào có đâu. Nhưng nghĩ đến khi đầu mình bạc cả thì ông bố nhà thơ sẽ "Quờ tay lên tóc bố lại đi tìm" là tìm lại bóng dáng con thuở nhỏ, là tình bố yêu con, vì "Cái khi ấy biết đâu con thì xa ngái quá" (tr. 15). Một là lời người cha khẽ nhắc các con về mái tóc của mẹ, cũng là lòng người chồng thương vợ. Bài thơ viết năm 2001 này tôi muốn dẫn cả ra đây để bạn cùng thấm thía.

"Tóc của mẹ độ này rụng nhiều quá

Các con ra vườn có thể dẫm lên

Những sợi đen dày vì cả nhà ta mà còi cọc

Rồi rơi như là sự im lặng không tên.

Sau nhiều tháng năm dõi xa mê mải

Sáng nay, cầm chiếc lược, bố sững bên thềm

Tóc của mẹ độ này rụng nhiều quá

Các con ra vườn rất dễ dẫm lên" (tr. 73)

Thơ Nguyễn Văn Hùng giản dị mà sâu sắc là vậy. Đọc anh lắm lúc giật mình vì những điều anh cảm xúc, nghĩ suy tưởng rất thường tình nhưng không phải ai cũng biết cảm và nghĩ như vậy. Chẳng hạn trong đám ma ông nội, đứa cháu đứng lặng lẽ như ở bên kia tiếng khóc, mọi người có thể cho thế là đứa cháu tệ bạc, nhưng nhà thơ "xin làm người đó tiễn đưa ông" (19). Hoặc trong lễ hỏi con gái anh viết một câu thơ bàng hoàng "Con sang nhà người khác bố phải tập tin người" (tr. 97). Tại sao lại thế? Đấy là vì bố mong con làm dâu được đối xử tốt không như một đời làm dâu cực nhọc của bà ngoại con. Hoặc trong cầu thang máy nhà thơ thấy đứa bé cứ áp tai vào cánh cửa rung rung thì nhắc cháu nguy hiểm, nhưng khi nghe đứa bé nói cháu làm thế vì có cảm giác như được bay lên thì người lớn nhà thơ ngậm ngùi "Cái cảm giác bay lên đã bỏ ta từ rất xưa rồi" (tr. 229).

NGƯỜI RAO MẶT NẠ

Tác giả: Nguyễn Văn Hùng
Nhà xuất bản Nghệ An, 2020
Số trang: 271
Số lượng: 300
Giá bán: 120.000đ

Cuộc sống trong thơ Nguyễn Văn Hùng ngẫm sâu lại thấy đau xót. Anh có hai sự liên tưởng Người - Chó nói cái bi kịch làm người. Ở bài "Nhại" (tr. 118) viết tưởng nhớ một nhà báo có tài nhại giọng người giọng chim giọng chó, anh kết: "Lắm kẻ tập làm người đã bị lãng quên / Có kẻ tập làm chó như ông đời còn nhắc mãi / Chúng tôi tranh nhau làm người, làm chó thì rất ngại / Từ độ ông xa trống một khoảng hội hè". Ở bài "Tự bạch" (tr. 193) từ tuổi Tuất một vòng hoa giáp của mình anh ngẫm về đức trung thành thấy mình chẳng bằng con chó, "Dù tôi nói tiếng người khá sõi / Đôi lần còn giả giọng gâu, gâu...". Nói thế không phải anh chửi đời mà là anh cay đắng cho cái kiếp làm người truân chuyên và khổ ải. Tự sỉ vả mình cũng là một cách nhà thơ bày tỏ thái độ với một loại người hiện nay.

Thơ cho anh về với thiên nhiên để "Chợt nhận ra mình cằn cỗi bên cây" (tr. 31), để thấy cây cối lớn xanh giúp "Chắn che bao bặm bụi đời mình" (tr. 49, cái từ "bụi bặm" được đảo chữ đọc lại thấy có nghĩa mới), để nhắc lại một sử liệu về ông vua Lý từng ban chiếu cấm chặt cây mùa xuân (tr. 124). Con người đang ngày càng xa lánh thiên nhiên, trốn mình vào tiện nghi vật chất. Hơn thế, con người đang tàn bạo độc ác với thiên nhiên. Nhà thơ xót xa sau cơn bão ra phố thấy người người đua nhau chặt cây. Nhà thơ thấy mình có lỗi với con dế ở đầm sen khi cứ nhốt mình trong phòng văn để dế không có người san sẻ tâm tình đêm trăng sáng. Nhà thơ muốn học hoa sen sự trong trắng vì "Câu chữ bó tay / Trước làn hương mỏng" (tr. 171). Nhà thơ áp tuổi năm mươi "Kính trọng những người trồng cây nào đó / Họ lưu tuổi tên mình giữa diệp lục vô biên" (tr. 102). Anh cũng ước mình được như những người ấy. Được như thi hào Nga S. Esenin khi nằm xuống có hàng cây đứng chịu tang (tr. 110). Được bóng cây thay người đến "lặng im dỗ người" (tr. 139) khi người đã xa rời thế sự.

Thơ cho anh được sống cùng thơ. Nguyễn Văn Hùng thương thơ, xót mình, nhưng anh không thể sống thiếu thơ. Năm 1990 sau khi ra tập thơ đầu tay anh đã viết bài "Những câu thơ trong đêm bố viết" làm lời tâm sự với con về nỗi niềm thơ và người làm thơ. Thơ bày bán không ai mua, có tặng người cũng chẳng mấy ai đọc. Năm 2015 anh lại viết hẳn một bài về chuyện thơ tặng bây giờ (tr. 159). Anh nói thơ không có tội tình gì, hãy thương lấy các nhà thơ. Vì thế mỗi lần tặng ai thơ anh đều ghi thêm một lời năn nỉ là hãy đọc giùm. Điều này là thật. Ngay tập thơ này tặng tôi anh cũng ghi thêm sau lời đề tặng là "Mong được đọc, anh nhé". Đến năm 2019 anh vẫn đau đớn cho thơ: "Tôi ký tặng tập thơ cả đời mình mắc nợ / Người đặt cạnh ghế ngồi, rồi đứng dậy tay không" (tr. 225). Người thơ đổi cả tim mòn lực kiệt để lấy cái điều nhẹ hẫng trên tay trong sự hờ hững vô tâm của người đời là vậy. Nhưng dẫu thế nhà thơ không thể không viết: "Viết rồi xé, xoá rồi viết tiếp / Thơ cho mình trước hết thật mình hơn" (tr. 35). Đó là những "câu thơ nhỏ dáng hao gầy" mà tôi trích làm tên cho bài viết này về thơ anh. Thơ đó làm nơi trú ngụ cho hồn quê kiểng giữa phố phường ngập bê tông, hoá chất, làm chiếc neo níu làng với phố (tr. 78). Lao động thơ với anh cũng cần phải "Nhễ nhại mồ hôi như những người làm đồng" (tr. 78).

Nghĩ về thơ, Nguyễn Văn Hùng có nhiều bài thơ viết về các nhà thơ cả nay và xưa, cả trong và ngoài nước. Ở đó anh khắc hoạ chân dung họ cũng đồng thời nói lên quan điểm của mình về thơ. Anh còng lưng gánh câu thơ trả đời với nhà thơ Phan Quốc Bình (tr. 13). Anh ngồi bên cỏ bắt đầu xanh trong im lặng một nghĩa trang cùng với nhà thơ Bùi Quang Thanh mà ước được như cỏ cây bên những ngôi mộ (tr. 59). Anh mong được như bạn thơ Lê Duy Văn ngày về còn thơ còn một mái nhà (tr. 88). Anh muốn xuống ga cùng với nhà thơ Thạch Quỳ bỏ lại phía sau những nghễnh ngãng trên trời dưới đất các cuộc bàn thảo về thơ. Anh gọi lục bát về chít một vành khăn tang đưa tiễn nhà thơ Phan Hồng Khánh (tr. 108). Anh soi mình vào mảnh gương thu trong thơ Yên Đổ Nguyễn Khuyến để thấy mình trong lại (tr. 109). Anh mộng gặp Nguyễn Du hỏi chuyện làm sách để bán (tr. 144). Những bài thơ về các nhà thơ như vậy vừa nói chuyện thơ và cả chuyện đời. Đó cũng là một cách đọc thơ của nhà thơ.

"Người rao mặt nạ", một tuyển thơ bốn mươi lăm năm nói được rất nhiều cho nhà thơ Nguyễn Văn Hùng. Giờ đây anh đã có thể tự tin tự nhiên một mình náo động một mình anh.

"Cái náo động của kẻ cầm bút cô độc

Có lẽ cũng cần cho một ít ai vừa vượt tuổi sáu mươi

Khi đã ném đi rất nhiều thứ bỏ?!" (tr. 235)

Đó là những dòng thơ anh viết đầu năm 2020.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Đà Lạt 2.7.2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem