Đọc sách cùng bạn: Hlu là ...

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 23/02/2021 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn một cuốn sách có cái tên là lạ gồm những bài viết của các cựu sinh viên viết về trường đại học của mình nhân kỷ niệm 40 năm thành lập. Cuốn sách này mang tên "HLU và tôi".
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Hlu là ...  - Ảnh 1.

Đọc nó trước hết là luận giải ba chữ cái HLU.

HLU là…viết tắt của cụm từ "Hanoi Law University", tức thị Đại học luật Hà Nội, cố nhiên. Bây giờ đây là một trường đại học tiếng tăm, hàng năm tuyển sinh đông sinh viên với đầu vào điểm số cao, cung cấp cho xã hội những người hành nghề luật và làm luật sư có uy tín. Ở thủ đô Hà Nội đi trên phố Nguyễn Chí Thanh sẽ thấy Trường Luật bề thế cơ ngơi, đông đúc nhộn nhịp sinh viên hàng ngày.

HLU là…Đại học Pháp Lý Hà Nội, bốn mươi năm trước. Một trường đại học được thành lập mà như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đến dự lễ khai giảng đầu tiên đã hỏi sinh viên là ở nước ta từ nay có cái gì là từ không đến có. Và thủ tướng đã ứa nước mắt khi nói đó là trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Trường ra đời trong khoảng thời gian khó khăn nhất của đất nước vừa ra khỏi một cuộc chiến tranh trường kỳ đã lại phải chống chọi với hai cuộc chiến tranh ở Tây Nam và phía Bắc (năm 1978 trong đợt chúng tôi nhập ngũ từ Đại học Tổng hợp Hà Nội có cả một giảng viên Khoa Pháp lý mới từ Liên Xô về, tôi nhớ tên anh hình như là Chiến). Và đất nước vẫn đang sống trong một nền kinh tế bao cấp bị bao vây cấm vận cực kỳ khó khăn khốn khổ. Khi đó đã ai dám nghĩ tới "tinh thần pháp luật" và một "nhà nước pháp quyền" như bây giờ. Ấy vậy, nơi Quán Gánh tỉnh Hà Sơn Bình, vùng quê của Nguyễn Trãi "làm thơ và đánh giặc", tháng 11/1979 một trường đại học dạy và học về Pháp Lý (nay gọi là Luật) đã được lập ra và dựng nên. Người đứng đầu Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho trường phải là "ba trong một": Đại học Pháp lý Hà Nội là trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá kiến thức pháp lý.

HLU VÀ TÔI

Nhiều tác giả

Nhà xuất bản Tư Pháp, 2019

Số trang: 488

Số lượng: 5000

Sách không bán

HLU là…Học Luật Ư. Đó là chuyện bốn mươi năm trước khi ngôi trường này ra đời với tên gọi khai sinh Đại học Pháp lý Hà Nội thì ngay cả những sinh viên vào học cũng ngỡ ngàng chưa biết mình sẽ học gì, ra trường sẽ làm gì. Có người còn tìm cách đổi trường vì nghe cái tên Pháp lý chẳng có gì thú vị, nhất là những ai khi thi đại học đã ghi nguyện vọng vào ngành Văn! Khi đó họ chưa biết mình là ai, chưa định liệu được cuộc đời mình về sau thế nào, chỉ biết cứ là học, và tồn tại, và sống. Họ đâu có biết rồi ra cuối thế kỷ XX xã hội nước nhà sẽ chuyển mình, đi tới văn minh là đề cao pháp luật, từ đó cái nghề họ học là một nghề danh giá. Họ đâu hay từ đầu thế kỷ XX khi Việt Nam gia nhập quỹ đạo phát triển hiện đại của thế giới, những người làm nghề luật sư đã được tôn là bậc Thầy thứ tư. Vốn trong xã hội phong kiến phương Đông xưa, chỉ có ba loại nghề mà người làm nghề được tôn kính gọi là Thầy. Thứ nhất là Thầy Cúng (bao gồm những người làm nghề bói toán, xem phong thủy) lo việc tâm linh cho con người. Thứ hai là Thầy Lang lo việc chăm sóc thể xác cho con người. Thứ ba là Thầy Đồ lo việc mở mang đầu óc cho con người. Ba ông Thầy này được trọng vọng, kính nể, nhất là Thầy Đồ, "mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy" là vậy. Suốt bao đời xã hội phương Đông với nền kinh tế nông nghiệp làng xã khép kín chỉ có ba ông Thầy đó. Kịp đến khi văn minh phương Tây tràn vào, đời sống đô thị hình thành và phát triển, có một loại nghề mới xuất hiện: nghề bào chữa, tranh cãi cho các bị cáo tại tòa án. Những người làm nghề đó được dân gian gọi là Thầy Cãi, một cái tên nôm na mà gần gũi, yêu mến, và kính trọng đặt bên Thầy Cúng, Thầy Lang, Thầy Đồ. Còn tên chữ của Thầy Cãi sẽ là Trạng sư ("trạng" trong chữ Hán nghĩa là "đơn kiện"), rồi là Luật sư. "Sư" cũng chính là Thầy, và trong tiếng Việt chỉ có những người làm luật và làm kiến trúc là danh xưng được gắn với chữ "sư", còn lại đều gọi là "sĩ". Tất cả những điều đó, bốn mươi năm trước, các lớp sinh viên đầu tiên của Đại học Pháp lý Hà Nội chưa thể biết. Họ chỉ biết hai việc: trong giờ học gắng hình thành thói quen tư duy với các phạm trù khái niệm của pháp lý, luật học, và ngoài giờ học cố tìm mọi cách chống lại thói quen bản năng của dạ dày. Đói đến mức nhà trường phải vay gạo của một trại giam gần đó cho sinh viên có cái ăn. Đói đến mức nhà trường phải cho sinh viên nghỉ Quốc Khánh đến bốn chục ngày vì hết gạo. Đói đến mức sinh viên có thể thách chủ quán ăn hết chục cái bánh chưng cốt để có cái mà ăn. Và sinh viên trường Pháp Lý thì cũng như sinh viên mọi trường khác có một mẫu số chung của thời sinh viên: hồn nhiên, nghịch ngợm, láu lỉnh, mà nay được kể lại nghe như chuyện vui cười, nhưng có cả những cay đắng ngậm ngùi.

HLU là…Hiểu Là Ừ. Sau những băn khoăn, ngộ nhận buổi đầu, các sinh viên khi đã chấp nhận/tự nguyện ngồi ghế trường Pháp Lý (trường Luật) đều có một quyết tâm là học đến nơi đến chốn. Cái khó, cái mới của một khoa học mới, lại lần đầu tiên được giảng dạy, truyền thụ, đã kích thích cái tò mò, cái say sưa tìm hiểu nơi người học. Từ đó, các lớp sinh viên ra trường đã thành những nòng cốt của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương và trung ương, nhiều người đã thành danh, nổi tiếng ở những cương vị cầm cán cân công lý ở các hoạt động pháp luật.

HLU là…Hỏi Luật Ư? Có đây, những người làm luật và những luật sư xuất thân từ Đại học Pháp lý ngày trước và Đại học Luật ngày nay. Ngay từ lúc đi học đã có người biết vận dụng những kiến thức vừa học giúp cho bạn đồng môn thoát được một hình phạt của tòa. Nhiều người xuất thân từ mái trường này đã sớm lập ra các văn phòng tư vấn pháp luật, các văn phòng luật sư giúp ích cho xã hội. Trong nhiều vụ án đình đám đã xuất hiện những luật sư can đảm và hiểu biết bảo vệ lợi ích chính đáng của những người bị hại. Hỏi ra, nhiều người trong đó là dân HLU.

HLU là… Hòa Lời Yêu. Yêu trường mình, lớp mình, yêu bạn học chung một đoạn đời sinh viên, yêu cái nghề mình đã học. Không phải ai học trường này ra cũng đi làm nghề luật. Nhưng hình như cái chất luật có in dấu trong mỗi người học, dù họ có làm nghề gì khác. Như làm thơ chẳng hạn. Một giảng viên của trường sau thành một nhà thơ có tiếng với "lời thề cỏ may". Bài thơ nghe như một lời buộc tội tình yêu mà lại như một lời biện hộ cho thân chủ. Đọc thấy thương thương cho cả nguyên đơn và bị đơn. Hay như trong các tác phẩm của một nữ nhà văn vốn là cựu sinh viên của trường thấy ẩn dưới những "bóng đè" của lịch sử và văn hóa là một sự chất vấn và luận tội những thế lực gây đau thương cho số phận dân tộc. Hay như ở một nhà văn khoác áo lính cũng từ trường ra, sở học đã cho anh vững tay lần theo "hồ sơ một tử tù" để giải mã số phận một con người. Các nhà văn nhà thơ xuất thân từ trường Pháp Lý – trường Luật, như thế, đã có lời riêng của mình trên văn đàn.

HLU là… Tôi. Tôi của những thầy cô gánh lấy trách nhiệm nặng nề buổi đầu lập trường bao khó khăn, vất vả, tất cả từ bàn tay không soạn giáo án, viết giáo trình, đứng lớp, lăn lộn cùng các học trò, để đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo những người làm luật của một đất nước đang rất cần luật. Tôi của các thế hệ sinh viên từ khóa đầu đến khóa hiện thời đã dày công học tập, nghiên cứu, để ra trường biết dùng luật xây dựng đất nước dân chủ, văn minh, giàu mạnh. Tôi của những giá trị hữu hình và vô hình bốn chục năm qua đã kết tinh thành HLU hôm nay mà cuốn sách này chỉ mới chuyển tải được một phần. Đọc sách tự nhiên cũng muốn gọi to một tiếng HLU – Hô Là Ứng! Đó là truyền thống tiếp nối của một mái trường đại học đang tuổi tráng niên.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem