Từ bao đời thơ nhạc đã kết duyên nhau. Vì âm nhạc là nhạc điệu, giai điệu. Mà thơ thì đã vốn có vần điệu, nhịp điệu khiến có thể ngâm nga như hát. Có hẳn cả một sự gọi là hát thơ. Vì vậy các nhạc sĩ sáng tác ca khúc đọc thơ mà bật ra nhạc cũng là một lẽ đương nhiên. Nhưng không phải bài thơ nào cũng dễ gợi nhạc, gọi nhạc. Phải tự trong thơ có nhạc tính theo một tần số âm thanh và cảm xúc nào đó thì mới tạo nên sự đồng điệu trong tâm hồn của người nhạc và người thơ. Khi đó ta có những bài hát phổ thơ xúc động lòng người.
Nguyễn Ngọc Hạnh là một nhà thơ may mắn hạnh phúc tạo được mối tơ duyên thơ nhạc cho mình. "Khúc ru trầm" là tập nhạc gồm 70 ca khúc của 38 nhạc sĩ phổ thơ anh trong mười mấy năm qua. Các nhạc sĩ cả ở trong Nam ngoài Bắc, cả ở trong nước ngoài nước không hẹn mà nên đều tìm thấy hứng khởi cảm xúc khi đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh để rồi cùng chắp cánh cho những vần thơ của anh.
KHÚC RU TRẦM
77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh
Nhà xuất bản: Hội Nhà văn
Số trang: 183 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 500
Giá bán: 200.000đ
Thơ phổ nhạc hay nhạc phổ thơ? Trong một bài hát điệu nhạc bay theo lời thơ thì cả hai người – nhà thơ và nhạc sĩ – đều là tác giả. Lâu nay ở ta những bài hát phổ thơ hay bị vô tình hoặc cố ý khi ghi trên bản nhạc và giới thiệu trong các cuộc trình diễn bị thiếu mất tên nhà thơ. Như thế là không đúng và không hay. Tôi nhớ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong một chương trình dành cho mình trên truyền hình khi được hỏi về việc nhạc phổ thơ ông đã nói phần của nhà thơ và nhạc sĩ ở đây là 50/50. Tôi rất đồng tình ý kiến này của ông – người nhạc sĩ đã có nhiều bài hát phổ thơ nổi tiếng. Cho nên tập sách "Khúc ru trầm" là của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh và 38 nhạc sĩ đã phổ thơ ông.
Nhìn mục lục có thể thấy nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh nhiều bài nhất là Trọng Đài (9 bài), rồi tới Quỳnh Hợp (7 bài), Trung Kim (5 bài), Nguyễn Trần Đức Anh, Trọng Lưu, Huỳnh Văn Tấn (cùng 4 bài), Dương Văn Lợt, Nguyễn Đình Thậm (cùng 3 bài), Nguyễn Cường, Đinh Gia Hoà, Phạm Đăng Khương, Quỳnh Lệ (cùng 2 bài), còn lại các nhạc sĩ khác mỗi người phổ một bài. Có bài thơ được 4 nhạc sĩ cùng phổ với những cách xử lý âm nhạc khác nhau. Tổng hợp lại cho đến khi sách này in ra thì thơ Nguyễn Ngọc Hành đã hoá thân thành 77 bài ca. Một con số đáng tự hào và vui sướng cho một nhà thơ. Trước anh theo chỗ tôi biết chỉ có nhà thơ Tạ Hữu Yên (1927 – 2013) là có nhiều bài thơ được phổ nhạc nhất – theo một con số thống kê là hơn 160 bài.
Tại sao thơ của nhà thơ quê Đà Nẵng này lại lôi cuốn được nhiều nhạc sĩ như vậy? Câu trả lời là ở giọng điệu thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh. Một giọng điệu trầm lặng, buồn thương được cất lên ở những bài thơ theo khuôn khổ vận luật truyền thống, với những câu thơ nhiều thanh bằng thanh không. Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chơi vơi ở những cung bậc tình cảm thân thuộc quyến luyến lòng người.
Bóng mẹ gầy lặn
lội bờ sông
Đêm giá lạnh
ẵm bồng ru tiếng khóc
Nỗi niềm trôi xuôi
theo con đò dọc
Trôi cả thời thiếu nữ mẹ tôi
Không gọi đò, con gọi mẹ ơi!
Trên bến sông này
ngày xưa mẹ tắm
Nước tận đầu nguồn
Chảy ra biển lớn
mang theo phù sa
từ sữa mẹ ngọt ngào...
Đây là một đoạn trong bài thơ "Qua đò nhớ mẹ" đã được hai nhạc sĩ Trọng Lưu và Nguyễn Ngọc Tiến phổ. Những câu thơ đọc lên đã nghe da diết thiết tha. Khi được hát lên càng thiết tha da diết.
Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha trong bài viết "Hồn thơ dâng sóng nhạc" in ở đầu tập sách đã phân tích kỹ sử dụng công của các nhạc sĩ khi phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Và ông đánh giá: "Tuyển tập "Khúc ca trầm" với 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chính là một đánh giá đích thực về phẩm chất thơ của người thơ này mà có thể rất nhiều bài viết về thơ anh vẫn chưa nói hết. Nó khẳng định một chặng đường thơ mà Nguyễn Ngọc Hạnh đã khiêm nhường dâng hiến cho đời." Tôi thích hai chữ "khiêm nhường" dành cho Nguyễn Ngọc Hạnh ở đây. Nguyễn Ngọc Hạnh con người và thơ là thế. Và các nhạc sĩ phổ thơ ông đã hiểu ông. Thơ anh trầm nhưng nhạc đã đưa thơ anh vang xa.
Một mình ngồi với biển chiều nay
Biển vẫn là em, sao bơ vơ quá
Biển cùng em, một thời sóng cả
Bây giờ còn lại chỉ hoàng hôn?
Còn lại tôi vụn nát cánh buồm
Trôi về phía bến bờ vô định
Biển vẫn muôn đời không yên tĩnh
Lặng yên rồi, sóng gió lại trào dâng...
Những lời thơ này trong bài "Biển lặng" của Nguyễn Ngọc Hạnh đã thành ca từ trong hai bài hát của nhạc sĩ Trọng Đài và Quỳnh Hợp.
Tối 5/5/2022 tại Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền hình Thị xã Điện Bàn Nguyễn Ngọc Hạnh sẽ có một đêm nhạc "Khúc ru trầm" dâng tặng quê hương. Những lời thơ bay theo điệu nhạc trong tiếng hát của các ca sĩ sẽ càng làm bay bổng lắng đọng hơn nỗi niềm của một người con, một nhà thơ, đối với quê và người xứ sở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.