Ở bài thơ lấy làm tên chung cho cả tập nhà thơ viết:
Tôi đã qua sáu mươi mùa thu sang
Không thể biết làm sao yêu được
Chiều nay ngồi thơm lên ngọn gió
Và gọi thầm thương nhớ những thu
Nguyễn Đức Quang chẳng hiểu sao ám ảnh hoài niệm Thu mùa từ rất sớm trong thơ. Tập thơ đầu tay của anh ra năm 1994 có tên là "Ngõ thu". Đến tập thứ ba là "Theo đuổi mùa thu" (2016). Đến 2021 tập thơ ta đang nói đây là "Đã một lần thu". Xen giữa đó là một tập thơ thiếu nhi "Quả mùa thu" (2006). Thu cuốn hồn thơ thi nhân thì bao đời nay vẫn vậy.
ĐÃ MỘT LẦN THU
Tác giả: Nguyễn Đức Quang
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021
Số trang: 78 (khổ 14,5x20,5cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 45.000
Nhưng với Đức Quang anh có duyên gì? Mà tuổi sáu mươi anh vẫn thấy mình "Hẹn thu" trong một niềm bâng khuâng đời người: "Thu sau ta đi tìm ai nữa/ Để mùa thu đâu của riêng mình". Vẫn thấy mình "Nợ thu": "Chỉ biết mình đã có một lần thu/ Rồi ở tận đâu đâu mùa thu đang đón đợi". Vẫn thấy tiếc thu khi phải "giáp hạt thu" thời Covid: "Thu năm nay đành mất một mùa/ Nắng ngoài sân mà như hờ hững".
Mỗi thế nhân có một mùa thu thiên nhiên của riêng mình và có một thu cuộc đời của mình. Thu trong mắt Đức Quang ngay từ đầu là trong trẻo, tinh khôi, tươi sáng, và khi ngày tháng dần trôi về dĩ vãng thì anh nhìn thu càng thấy ra cái lẽ giản đơn của cõi sống. Đó là khi nhìn cái cây hoa mộc trong vườn nhà mình mới trồng được sáu năm nhưng chỉ đến khi về hưu anh mới thấy "Ta đã nhờ cây đi qua hiu quạnh".
Cảm thức thơ của Đức Quang giờ đây là sống lại những khoảnh khắc đầu tiên như khi mới hồn nhiên nhìn đời. Anh nhìn vạn vật như lần đầu mới thấy, mới nhận ra. Bài thơ mở đầu tập có tên "Buổi sáng đầu tiên". Sáng ấy một sáng thu anh thấy cảnh vật xanh trong hơn, những mặt người lạ hơn, khiến anh thấy mình như cũng thành thu. Anh tự hỏi vì đâu những khoảnh khắc này mình lại có được: Do trời cho? Hay do quá khứ đã tan dần theo năm tháng? Và câu trả lời của anh là do mình đã được tự do. Tự do mình là con người của mình, không còn bị vướng bận mọi công việc chức tước. Xong một đời công chức anh về hưu. Người được tự do nên cảm xúc cũng tự do. Mọi thứ trước mắt anh hiện ra như là lần đầu tiên. Bởi vì mình được buông bỏ bao nhiêu thứ dây nhợ thắt buộc mình làm mình ngăn cách với thiên nhiên và cuộc sống.
Được buông bỏ nên anh được bạn cùng hạt mưa thả lỏng với vòm trời, với hàng cây. Nhận ra "Mọi thích thú cũng từ mưa mà có". Được nhận bao nhiêu màu nắng ân tình: "Ngày tiếp ngày. Nắng đến rồi đi/ Sao hôm nay cứ ngân lên gọi Nắng/ Nắng quá đẹp hay bởi mình xao xuyến/ Lòng rưng rưng thanh thản với lòng". Được về bên góc phố nhìn "Mái rêu nhắc một điều xưa cũ/ Tìm bình yên giữa mọi lẽ đời". Được một buổi sáng ngồi bên hồ mà chợt thấy "Hồ Tây gần mà cũng như xa". Được một buổi chiều thảnh thơi đi cắt tóc tự nhiên thấy mình lạ, thấy mình muốn làm thơ, bởi chỉ đến tuổi này cắt tóc xong nhìn gương bỗng thấy "Không chỉ mái đầu mà là gương mặt khác/ Vô tư hơn và thảnh thơi hơn".
Thơ Nguyễn Đức Quang nói nhỏ nhẹ những điều tâm tình. Anh không cầu kỳ hoa mỹ rắc rối những điều to tát. Những câu chữ bình thường, giản dị, nhưng đọc xong thì thấy ngấm tự nhiên.
Nắng thu nhạt hay mình sống nhạt
Có liều vaccine ngắn vô cảm lây lan
Tự như mình, đấy là chỉ thị:
Đừng trở thành F0
Virus Del (trong) ta
Mùa thu này có thêm biến chủng.
Bài thơ này có tên "Xa mặt cách lòng". Nhà thơ mượn chuyện con virus biến chủng để nói chuyện người.
"Trong ý niệm, thế thôi". Cả khi nghĩ về thơ và nhà thơ, anh cũng chỉ nói những điều bình thường chắt lọc. Nhà thơ thấy công việc làm thơ là thu gom chữ giống như người thu gom bìa các tông trên phố. "Từng mảnh bìa các tông như từng câu chữ/ Cho ấm tình người xích gần nhau lại/ Với trang thơ".
Tập thơ khép lại bằng bài "Mưa thu" mà tôi muốn dẫn trọn ra đây để bạn cảm thấu tâm hồn thơ Nguyễn Đức Quang xao xác với thu đến mức nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.