Đọc sách cùng bạn: Thời sinh viên sôi nổi

Phạm Xuân Nguyên Thứ năm, ngày 06/07/2023 11:49 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn sách "Trăm năm cũng từ đây" của tác giả Nguyễn Huy Hoàng.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Thời sinh viên sôi nổi - Ảnh 1.

Cuốn sách "Trăm năm cũng từ đây" của tác giả Nguyễn Huy Hoàng. (Ảnh: ST)

Đây là tập hồi ức kỷ niệm về Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trường đại học này thành lập năm 1956, đến năm 1995 thì cùng với Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội hợp thành Đại học Quốc gia Hà Nội, và được chia tách thành hai trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn và trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập cùng với trường (1956) và tồn tại cho đến khi trường không còn tên gọi cũ.

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng là sinh viên K17 của Khoa. Tốt nghiệp ông được giữ lại Khoa làm cán bộ giảng dạy văn học Nga – Xô Viết mười lăm năm, sau đó đi làm Tiến sĩ văn học tại Liên Xô và do hoàn cảnh cá nhân đã định cư ở bên đó mấy chục năm nay. Ông là nhà nghiên cứu, cũng là dịch giả và nhà thơ. Trong mạch nguồn cảm xúc luôn dâng trào trong ông về đất nước, quê hương, có những nhớ thương sâu đậm về Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội một thời.

TRĂM NĂM CŨNG TỪ ĐÂY

Tác giả: Nguyễn Huy Hoàng

Nhà xuất bản Văn Học, 2022

Số trang: 325 (khổ 13x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 188.000đ

Lấy câu Kiều "Rằng trăm năm cũng từ đây" làm tên sách, tác giả muốn ghi ơn các thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè từ mái trường đại học, từ giảng đường khoa Văn đã đào tạo mình từ một anh trò quê xứ Nghệ thành một giảng viên đại học, một nhà nghiên cứu văn học Nga, một con người thấm đẫm chất nhân văn trong từng trang sách học và trong những quan hệ con người. Bạn đọc từng là sinh viên của Khoa Ngữ Văn thời còn Đại học Tổng hợp Hà Nội sẽ gặp lại đây hình bóng các thầy cô mình với những câu chuyện vui buồn trên bục giảng và ngoài giảng đường được Nguyễn Huy Hoàng nhớ lại sinh động từ ký ức riêng của mình cộng với hồi ức chung tập thể. Tôi cũng là sinh viên K20 của Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nên càng bồi hồi xúc động như gặp lại mình của tháng ngày tuổi trẻ giảng đường năm nào qua những trang văn của Nguyễn Huy Hoàng.

Tác giả nhắc đến mật danh E1 T104 của trường hồi còn chiến tranh thì khi tôi vào học mật danh ấy vẫn dùng và chúng tôi những sinh viên mới nhập trường đã cảm thấy thích thú khi vào đại học mà như nhập ngũ có hòm thư con số.

Tác giả nhắc đến thầy Hoàng Xuân Nhị Chủ nhiệm Khoa đầu tiên, một trí thức dám rời bỏ Paris hoa lệ về kháng chiến ở Nam Bộ rồi ra Thủ đô, tôi lại nhớ những giờ dạy của thầy về tập thơ "Nhật ký trong tù". Thầy yêu thơ Bác thật và thầy cũng tin thật rằng "Cách mạng đỏ làm khoa học đỏ". Sau này tôi mới biết thầy ở tư cách một nhà văn Pháp ngữ vì khi ở Paris thầy đã viết một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Pháp nhan đề "Heou-Tâm" (1942). Trong buổi tiễn đưa chúng tôi nhập ngũ (1978) thầy đã trao cho mỗi sinh viên ra lính một tấm huy hiệu kỷ niệm 20 năm thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tác giả nhắc đến thầy Đỗ Đức Hiểu "một người thầy dâng hiến cho đời lặng lẽ" thì tôi cũng chung cảm nhận đó và nhớ mãi dáng hình thầy gầy gò mảnh khảnh trên bục giảng và những trang viết của thầy dịch thuật và nghiên cứu sâu sắc, có nhiều gợi mở về học thuật. Nhớ thầy Đỗ Đức Hiểu cả ở những ngậm ngùi luyến tiếc của thầy trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của mình.

Tác giả nhắc đến thầy Nguyễn Tài Cẩn, một trong những nhà ngôn ngữ học hàng đầu nước ta, và vợ là cô Nona Stankievich người Nga, thì tôi cũng nhớ hình bóng hai thầy cô thỉnh thoảng bắt gặp trong sân trường. Và tuy không học lớp Ngữ, nhưng lớp Văn của chúng tôi vẫn có chuyên đề của thầy Cẩn dạy về "Đoản ngữ". Tôi nhớ thầy cứ đọc một đoạn dài cho sinh viên chép rồi dừng lại thầy giảng. Mà cái giọng Nghệ của thầy đọc tiếng Pháp sao tôi nghe hay đến lạ.

Tác giả nhắc đến thầy Đinh Gia Khánh "Kiến thức của anh chị làm sao bằng tôi được" rất đúng khẩu khí và tinh thần của thầy. Tôi nhớ bữa đầu thầy lên lớp dạy chuyên đề về truyện cổ tích "Tấm Cám" thầy đã khiến bọn sinh viên mới toe chúng tôi sửng sốt đến thế nào khi nói các anh chị đừng tưởng người nước ngoài họ giỏi, tôi còn giỏi hơn họ.

Tác giả nhắc đến thầy Nguyễn Kim Đính với hai tiếng "Thầy tôi" thân thương, quý trọng, vì đó là người trực tiếp hướng dẫn nghề nghiệp văn học Nga – Xô Viết cho ông. Và thầy Đính cũng là người hướng dẫn khoá luận đầu tiên của tôi về tác phẩm tự truyện của Maxim Gorky. Nếu không rẽ ngang việc học đi lính biết đâu tôi lại cũng như tác giả được theo thầy làm về văn học Nga.

Tác giả nhắc đến thầy Nguyễn Văn Khoả sống một mình tại căn phòng ở số nhà 15 Trần Hưng Đạo làm tôi nhớ mình đã có lần đến đó gặp thầy về việc học của lớp. Nhớ những giờ giảng say sưa cuốn hút của thầy về thần thoại Hy Lạp giữa trưa nắng nóng người thầy đẫm mồ hôi, còn các trò sinh viên bụng sôi vì đói mà vẫn hút lấy từng lời của thầy. Tôi đồng ý với tác giả là sẽ khó có ai giảng hay và viết hay về thần thoại Hy Lạp được như thầy Khoả.

Tác giả nhắc đến thầy Hà Minh Đức hóm hỉnh, tinh tế, và căn hộ của thầy một thuở ở 31 Hàng Ngang mà sinh viên nào đến đó lần đầu leo cầu thang đều tưởng như mình đang ở trong không khí những trang văn của Dostoevsky. Tôi cũng đã mấy lần leo cầu thang ấy. Và những kỷ niệm về thầy khi ở cương vị Viện trưởng Viện Văn Học nơi tôi làm việc tôi sẽ còn nhớ.

Tác giả nhắc đến thầy Nguyễn Trường Lịch say mê Lev Tolstoy mà mãi sau này mới được đặt chân đến trang viên của văn hào vĩ đại Nga, tôi lại nhớ ngày tôi tạm dừng việc học nhập ngũ, thầy Lịch đã dặn tôi nên mang theo bộ từ điển Nga – Việt hai "tôm" tức hai tập.

Còn nhiều những thầy cô khác Nguyễn Huy Hoàng chưa viết riêng thành bài nhưng đã nhắc đến nhiều trong các bài khác. Ông cũng đã có hẳn một bài viết về Trần Côn - một "kỳ nhân", một giai thoại của Khoa Ngữ Văn ĐHTHHN mà sinh viên nào cùng thời đều rất nhớ. Không chỉ kể về thầy cô đồng nghiệp, Nguyễn huy Hoàng còn kể về ký túc xá Mễ Trì "miền thánh địa của sinh viên". Mễ Trì hồi ấy chưa nhộn nhạo như bây giờ, chỉ có sinh viên hai khoa Văn – Sử ở, với ban quản trị có chú Bạn, chú Tế, chú Khu luôn đốc thúc, nhắc nhở, theo dõi, trừng phạt các sinh viên, đến thành ra câu ca truyền miệng "Ký túc có Bạn là thù /Có Thiện là ác, có Khu là hiền". Tôi ở nội trú tại Mễ Trì ba năm nên cũng có biết bao kỷ niệm từ lúc mới nhập học còn nằm dát giường ở hội trường, rồi ở khu nhà giấy dầu và sau chuyển lên tầng 4 nhà C3.

Trong sách "Trăm năm cũng từ đây" Nguyễn Huy Hoàng còn viết về con đường nhập trường đại học và quãng đời sinh viên cũng như giảng viên của mình. Đọc những bài đó bạn đọc sẽ được biết vì sao ông vào Khoa muộn so với các bạn cùng thi đỗ K17, ông đã phải đi làm cửu vạn bốc vác như thế nào để kiếm sống theo đuổi con đường khoa học. Những trang viết gợi lại một thời xa xót và đúng như hai câu thơ đã được ông lấy làm tên hai bài viết: "Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui/ Những ngày vui sao lại thấy bùi ngùi".

Chuyện sinh viên thầy trò Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, còn dài dài và ai cũng có những hồi ức kỷ niệm của mình. Mà sinh viên khoa nào, trường nào cũng vậy, đều có biết bao chuyện đáng nhớ. Được viết ra, ghi lại, ký ức một người sẽ hoà vào ký ức nhiều người. Và chắc hẳn ai đã có một thời sinh viên và đã trải đường đời đều chung cảm xúc này của cựu sinh viên - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng.

Đã đi suốt quãng thời gian vời vợi

Bao nhớ thương, nói sao hết nỗi niềm

Giá có được phép màu như thần thoại

Cho quay về những ngày tháng sinh viên.

Ôi ước chi được vậy, tôi vào Khoa vào Trường đã sắp nửa thế kỷ rồi!

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 6/7/2023


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem