Đây là một tập thơ lục bát diễn nôm Kinh Thánh của đạo Thiên Chúa ra tiếng Việt được viết xong năm 1670, cách nay 351 năm. Bạn có giật mình ngạc nhiên không? Như vậy tuổi đời của nó còn vượt cả "Đoạn trường tân thanh", "Cung oán ngâm khúc". Mà độ dài chỉ của quyển đầu "Sấm truyền ca" cũng đã kỷ lục: 3606 câu lục bát.
Trong lúc các nhà truyền đạo Thiên Chúa đang tìm cách dùng mẫu tự Latin ghi âm tiếng Việt để thuận tiện cho công việc giảng đạo của mình thì có những linh mục người Việt đã tìm cách diễn nôm kinh sách nhà Chúa cho giáo dân dễ nghe dễ thuộc dễ hiểu. "Sấm truyền ca" chính là trong ý đồ đó.
Theo lời giới thiệu trong sách, Lữ Y Đoan (Louis Doan, 1613 - 1678) sinh tại Kẻ Chăm (Quảng Nam), linh mục địa phận Đàng Trong. Ông được các thừa sai đương thời đánh giá là "người thông thái nhất trong các linh mục của chúng ta nơi miền đất này, và có thể nói khắp miền Đàng Trong" (tr. 12). Trong thời gian làm thầy giảng lo việc dạy giáo lý, ông đã soạn năm quyển đầu của "Cựu Ước" thành truyện thơ lục bát "Sấm truyền ca", hoàn thành năm 1670.
SẤM TRUYỀN CA
Tác giả: Lữ Y Đoan
Nhà xuất bản Hồng Đức, 2020
Số trang: 231 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 45.000
"Sấm truyền ca đã Việt hóa các tên người và tên đất trong Kinh Thánh (mượn âm ngụ ý) và đã trình bày nội dung các sách Ngũ Thư với phong cách hết sức Việt Nam. Giáo dân rất thích nhưng có lẽ các giáo sĩ phương Tây ngại rằng nó không sát văn bản Kinh Thánh nên không ủng hộ, tác phẩm chỉ được chép tay chứ không được in ra. Nguyên bản chữ Nôm hiện chưa tìm thấy." (tr. 12)
Đến năm 1820 bộ sách được giáo dân Simon Phan Văn Cận ở Cái Mơn (Bến Tre) phiên âm sang chữ quốc ngữ. Đến giữa thế kỷ XX có hai bản sao "Sấm truyền ca" tồn tại, nhưng không đầy đủ. Trong năm quyển của tác phẩm chỉ còn lại hai quyển là Genesia (Tạo đoan kinh) và Exodus (Lập quốc kinh), mà quyển hai cũng chỉ còn 21 chương.
Học giả Hoàng Xuân Việt (1930 – 2014) cùng Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã giới thiệu "Sấm truyền ca" trong sách "Về các tác giả Công giáo thế kỷ XVII – XIX" do Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp TPHCM ấn hành (1993). Năm 2000 Giáo sư Nguyễn Văn Trung và các cộng sự sau khi đối chiếu và hiệu đính các văn bản đã cho xuất bản tập 1: Tạo đoan kinh tại Canada. Bản in "Sấm truyền ca" lần này ở trong nước của Tủ sách Nước Mặn (Giáo phận Quy Nhơn) là căn cứ theo ấn bản Canada 2000.
Toàn bộ "Sấm truyền ca" viết theo 5 quyển đầu trong Kinh Thánh, còn Tạo đoan kinh viết theo quyển thứ nhất gọi là sách Sáng Thế (Genesia). Đây là nội dung nói về việc Chúa sáng tạo ra vũ trụ và con người, cũng như sự cứu chuộc của Chúa đối với loài người. Điều chúng ta quan tâm ở đây là công lao của linh mục Lữ Y Đoan trong việc dùng tiếng Việt để truyền đạt một nội dung tôn giáo rất phức tạp, xa lạ đó và "mặc cho sách Sáng Thế ký một câu chuyện đầy màu sắc Việt Nam." (tr. 15).
Ngay đoạn vào đề giới thiệu Kinh Thánh, vị linh mục từ thế kỷ XVII đã viết hai câu khiến ta giật mình vì đã nói trước hơn cả trăm năm điều một vị công hầu thế kỷ XVIII sẽ nói:
Xưa nay trong kiếp vô thường
Thấy điều vân cẩu mà thương nhân phàm (tr. 22)
(So sánh: Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương - Nguyễn Gia Thiều)
Kinh Thánh nói: Sau khi tạo ra vũ trụ và vạn vật, đến ngày thứ Sáu, Chúa tạo ra con người. Lữ Y Đoan viết:
Nước dâng tưới thấm đất đai
Tay trời nhồi đất nắn ngay xác người
Thông cho sức sống tuyệt vời
Nên một con người trí tuệ cao xa (tr. 28)
Ông dùng "Trời" trong tâm thức người Việt thay "Chúa" cho người bình thường dễ hiểu và mô tả việc trời nhồi đất nặn người như một công việc giản dị thường ngày của chúng dân nhồi đất làm cái nồi cái bát.
Trời đã nặn A-dong (Adam) thì cũng tạo ra E-và (Eva) khi người nam đang ngủ:
Ngày kia người ngả giấc nồng
Tay trời rút lấy xương sườn A-dong
Tạo nên một gái má hồng
A-dong thức dậy thấy lòng nôn nao (tr. 30)
Câu thơ sau hơn ba trăm rưỡi năm đọc bây giờ vẫn khiến ta thích thú, mỉm cười. Và chắc giáo dân ngày ấy nếu được đọc hẳn cũng thấy kinh thánh dễ vào người.
Và đây, mọi rắc rối bắt đầu từ người nữ nghe lời dụ dỗ của con rắn ăn trái cấm vườn địa đàng được vị linh mục nhà thơ tái hiện qua đoạn đối đáp sinh động:
Hỏi: sao các trái cấm ăn
Đáp: ăn được hết, chỉ ngăn song tường
Nếu ăn mang họa tử vong
Rằng: không phải vậy! Trời phòng ai ăn
Sẽ nên minh triết như thần
Rõ điều thiện ác, sánh bằng trời cao
Nghe qua, thấy trái tươi màu
Nữ nhân bèn hái, ăn vào khá ngon
Lại đem mời gã đàn ông
Đột nhiên tự thẹn trần truồng cả hai (tr. 32)
Eva bảo rắn là trời chỉ cấm ăn quả loại cây "song tường" (trái cây biết lành biết dữ) thôi. Nhưng nghe lời rắn xui nữ nhân đã quên lời ngăn của trời mà ăn quả cấm để rồi bị đuổi cùng nam nhân ra khỏi vườn địa đàng, "Cửa vườn đóng chặt từ đây/ Cây trường sinh chẳng còn ai đến gần". Kinh Thánh qua lời thơ tiếng Việt khiến người đọc nôn nao cảm xúc không chỉ trong đạo mà cả trong đời. Đấy là nhờ tài sử dụng tiếng Việt của tác giả, nhưng còn là nhờ ông đã phổ vào chuyện đạo cả tâm thức, suy nghĩ của người Việt, có khi như khác lạ với tinh thần thánh kinh. Như ở lời kết ông viết:
Tích xưa cho thấy vấn đề
Sự đời, sự đạo đi kề bên nhau
Đời thì danh lợi xôn xao
Đạo thì trầm lặng để cầu ý ngay
Thế gian phải có một ngày
Hầu coi thắng lợi về tay ông Trời (tr. 219)
Ở đây, các cha ở Giáo phận Quy Nhơn làm sách này đã phải ghi một chú thích: "Người xưa nhìn vào Kinh Thánh, theo quan niệm mưu sự tại nhân và thành sự tại thiên, nên đã hạ bút kết luận quyển Tạo đoan kinh (Genesia) một câu như thế."
Tôi chỉ dẫn ra mấy đoạn thơ ở ngay phần mở đầu Sáng Thế Ký liên quan đến những sự tích Kinh Thánh mà ai cũng quen thuộc để bạn đọc làm quen với lời thơ của linh mục Lữ Y Đoan cách nay hơn ba thế kỷ. Trong 3606 câu lục bát của "Sấm truyền ca" (quyển 1: Tạo đoan kinh) còn có nhiều câu thú vị, bất ngờ như vậy. Đọc nó ta càng thêm quý thêm yêu tiếng Việt và biết ơn công lao của bao lớp người đã gìn giữ, bồi đắp, phát triển cho nó ngày càng đẹp đẽ, trong sáng, đủ sức chuyển tải và truyền đạt được mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của người Việt chúng ta.
Cuối sách có phần phụ lục rất cần thiết cho các nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt cũng như những ai quan tâm đến văn hóa nước nhà, đó là bảng "Một số từ đã cập nhật" theo cách đọc ngày nay, và bảng "Ghi chú về tên người tên đất" qua sự phiên âm từ tiếng Tây sang tiếng Việt trong các bản "Sấm truyền ca" hiện hành.
Rộng ra, nói như Giám mục Giáo phận Quy Nhơn Nguyễn Văn Khôi trong lời giới thiệu cuốn sách, "Sấm truyền ca" ngay từ sớm đã là một sự kiện "hội nhập văn hóa" - một hiện tượng vốn có nguồn gốc Công giáo, - của người Việt trong quá trình đưa Tin Mừng du nhập vào nền văn hóa dân tộc. Do đó, "tác phẩm Sấm truyền ca của linh mục Lữ Y Đoan đã ra đời, không những như một tác phẩm mang tính tôn giáo, mà còn như một đóng góp rất sớm của người Công giáo Việt Nam vào nền văn học nước nhà." (tr. 9).
Truyện thơ có tuổi đời hơn ba thế kỷ rưỡi này như vậy là một tư liệu quý về văn học và ngôn ngữ nước nhà. Hy vọng toàn bộ "Sấm truyền ca" bản Nôm sưu tầm được đầy đủ để giới nghiên cứu có căn cứ đánh giá đúng giá trị lịch sử văn hóa của nó. Giống như khi phát hiện ra tác phẩm "Truyện thầy Lazaro Phiền" (1887) của Nguyễn Trọng Quản, một người Công giáo, giới nghiên cứu đã phải thay đổi một dấu mốc lịch sử văn học, coi đó là tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng quốc ngữ của nước ta.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.