Đọc sách cùng bạn: Nước Nam có sử nước Nam

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 05/05/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn tìm hiểu lịch sử nước nhà qua  cuốn sách “Đại Nam dật sự và Sử ta so với sử Tàu” của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố.
Bình luận 0

Học giả Nguyễn Văn Tố (1889 – 1947), hiệu Ứng Hòe, sinh trưởng ở Hà Nội, là một gương mặt trí thức nho học và tân học tiêu biểu đầu thế kỷ XX, một trong “tứ kiệt” học giả vang danh một thời “Quỳnh – Vĩnh – Tố – Tốn” (Phạm Quỳnh – Nguyễn Văn Vĩnh – Nguyễn Văn Tố - Phạm Duy Tốn). Thông thạo cả Hán văn và Pháp văn, ông vào làm ở Trường Viễn Đông Bác Cổ, chuyên nghiên cứu văn hóa văn học và lịch sử Việt Nam. Trước 1945, ông làm hội viên rồi hội trưởng Hội Trí Tri (1934 – 1946), hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938 – 1945). Ông là một cây bút đắc lực viết cho các tạp chí Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị.  Sau 1945, ông làm bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Quốc vụ khanh, Chủ tịch Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1947, trong cuộc càn quét của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc, ông đã bị quân thù giết hại. Hiện nay ở Hà Nội có đường phố Nguyễn Văn Tố thuộc quận Hoàn Kiếm.

Cuốn sách ta đang nói đây là tập hợp từ những bài viết của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố. “Đại Nam dật sử” gồm những bài ông viết đăng trên 73 số Tri Tân (7/1943 – 10/1945). “Sử ta so với sử Tàu” gồm các bài đăng trên 11 số Thanh Nghị (4/1944 – 3/1945). Thời kỳ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố viết những bài trích lục khảo cứu lịch sử này là lúc vận mệnh nước nhà đang vô cùng nguy khốn dưới ách ngoại xâm và có nguy cơ bị xóa sổ lịch sử và văn hóa. Hai tạp chí Tri Tân và Thanh Nghị được các nhà nho và các nhà trí thức tân học lập ra để truyền bá tri thức và khơi gợi, nuôi dưỡng lòng yêu nước thương nòi của đồng bào trong nước. Bằng sở học của mình, Ứng Hòe đi sâu vào lịch sử, tìm trong sử liệu những chứng tích để đưa ra truyền bá đến độc giả tinh thần tự hào dân tộc. Những bài viết của ông ở đây là những sử liệu được ông dày công đọc trong các cuốn sử Ta sử Tàu bằng Hán văn rồi đối chiếu, phân tích, dẫn giải để khẳng định quá trình dựng nước lâu dài của dân tộc ta. Ông còn so sánh, phê phán với cả những bài tiếng Pháp của học giả Pháp để làm sáng tỏ ra sử ta. Phần nhiều các cuốn sử ấy thời ông chưa được dịch ra quốc ngữ, mà ngay cả thời nay các bản dịch cũng chưa phải nhiều. Thế mới thấy được công phu khảo cứu cẩn thận, kỹ lưỡng của Ứng Hòe là lớn thế nào!

img

Trong tiếng Hán “dật sự” (軼事) nghĩa là “sự thất lạc, sách không thấy chép, chỉ nghe thấy di truyền lại” (theo “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu). Vì thế “Đại Nam dật sự” là cách Ứng Hòe lục sách cổ sử ra dịch thuật kê cứu rồi viết ra cho mọi người đọc biết rõ ràng, phân minh sử nước mình. Sách được viết theo lối tuyến tính, trình bày nước ta suốt thời Bắc thuộc đến đời Lý. Mỗi bài là một câu truyện về các nhân vật lịch sử để như tác giả nói “hiến độc giả một ít tài liệu chưa ai chép đủ”.

Mở đầu ông chép truyện Lữ Gia ở đời nước Nam Việt của Triệu Đà để chứng người ta bao giờ cũng giữ vững và giơ cao lá cờ độc lập và bác cái ý của một sử gia Pháp nói “Người nước Nam không biết nghĩa ái quốc”. Ông bàn đến chuyện “Người Nam làm quan Tàu” gần hai nghìn năm trước mà khen Lý Tiến, Lý Cầm và chê Khương Công Phụ. Vì hai ông họ Lý làm quan to bên Tàu còn biết “xin với vua quan nước Tàu cho nhân tài nước ta được tuyển cử ngang với nhân tài nước Tàu” (tr. 28) và đã có kết quả. Còn ông họ Khương thì “đã là người Nam mà lại có học, đỗ tiến sĩ đời Đường là đời văn thịnh, thế mà chỉ bôn ba lối lợi đường danh, quên cả quê cha đất tổ, thật không đáng kính phục tí nào!” (tr. 33). Ông khẳng định có nhà Tiền Lý trong lịch sử nước Nam ở thế kỷ thứ sáu với bốn người họ Lý, bắt đầu từ Lý Nam Đế (tức Lý Bí hay Lý Bôn), kế tiếp nhau giữ quyền tự chủ từ 541 đến 602. Và ông đề nghị “Nên có ngày kỷ niệm vua Tiền Lý” vì đó là một bậc “anh hùng cứu nước” nhưng chưa có ngày kỷ niệm chung của cả nước, chưa có ngày hội lớn “để cho quốc dân nhớ lại cái công ơn của một vị anh quân đã đưa đường dẫn lối cho dân ta thoát vòng lao lung” (tr. 78) thời Bắc thuộc. Ông khảo các quan Tàu sang cai trị nước Nam và “Chính sách người Tàu đối với nước Nam”. Đây là ông dùng phương pháp sử luận Tây phương để xét sử Đông phương. Sau khi nêu lên sáu cách nước lớn có thể dùng khi cai trị nước nhỏ (ông gọi là “nước dưới quyền”): bá chủ, lợi dụng, thực dân, đồng hóa, hợp tác, khai phóng, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố khẳng định: “Nước Tàu lúc đầu sang ta không phải có nhiệt tâm khai hóa như người A Rập đi truyền giáo sang Âu châu vào thế kỷ thứ 17, cũng không phải chỉ tìm vàng như Tây Ban Nha sang tân thế giới vào thế kỷ thứ 16, lại cũng không phải vì trong nước thiếu chỗ ở phải di dân ra nước ngoài như người Anh ở thế kỷ thứ 17” (tr. 44-45). Ông dẫn một đoạn trong "Đại Việt sử ký tiền biên" rồi kết luận, “người Tàu lúc đầu sang ta đã gồm cả ba cách bá chủ, lợi dụng và thực dân” và “phần nhiều chỉ lợi cho họ, ít lợi cho ta” (tr. 45). Ông cho biết vua Lê Long Đĩnh tuy hiếu sát, hoang dâm đến nỗi khi ngự triều phải nằm nên dân gian mới gọi là “Lê Ngọa triều” nhưng cũng có những việc làm tốt như cho sứ sang nhà Tống xin chín kinh sách Nho giáo và bộ kinh Đại Tạng của Phật giáo và xin thông thương buôn bán (tr. 240). Tôi chỉ kể ra mấy việc mấy người như thế để thấy trong “Đại Nam dật sử” Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã cho ta biết nhiều điều về sử ta mà bây giờ ta thấy quen thuộc, nhưng hồi ông viết ra thì còn ít biết.

ĐẠI NAM DẬT SỰ VÀ

SỬ TA SO VỚI SỬ TÀU

Tác giả: Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố

Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019

Số trang: 445

Số lượng: 1.500 cuốn

Giá bán: 135.000đ

Cuốn “Sử ta so với sử Tàu” thì đúng như tên gọi, tác giả so sánh sử liệu hai nước để khảo về ba việc: 1) “Tên hiệu nước Nam”, 2) “Tượng quận có phải đất nước ta không?” và 3) “Những cuộc khởi nghĩa trong đời Bắc thuộc”. Ở phần 1 Ứng Hòe cho ta biết quốc hiệu nước ta qua các thời Giao Chỉ, Văn Lang, Xích Quỷ, Nam Giao, Việt Thường, Âu Lạc, Nam Việt, Lĩnh Nam, Vạn Xuân, An Nam, Đại Cồ Việt, Đại Ngu, Việt Nam, Đại Nam. Đọc vào đó ta sẽ thích thú biết được tên nước ta có những từ đâu, có ý nghĩa gì. Ví như tên gọi Giao Chỉ được “chép ở sử Tàu trước nhất vào đời Thần Nông (3217 – 3077 trước Thiên Chúa” (tr. 388). Ví như tên gọi nước Văn Lang “nghĩa là những con giai vẽ mình, cũng như người Tàu gọi ta là Giao Chỉ, vì ngày xưa có nhiều người có hai ngón chân cái giao nhau” (tr. 397). Ví như tìm cỗi gốc hai chữ An Nam là có từ năm 264 (tr.410), còn thực tên gọi An Nam là từ năm 679 (tr. 425). Ví như nước ta bắt đầu có niên hiệu từ 544, “năm ấy ông Lý Bí lên ngôi hoàng đế ở thành Long Biên, sắp đặt bách quan, đổi tên nước là Vạn Xuân, dựng nhà Tiền Lý (541-602), đặt niên hiệu là Thiên Đức” (tr. 408). Và ta cũng hiểu vì sao năm 1945 khi viết “dật sự” Ứng Hòe dùng tên nước là Đại Nam chứ không phải Việt Nam vì khi ấy vẫn còn nhà Nguyễn và quốc hiệu Đại Nam có từ đời Minh Mạng vẫn thông dụng. Sau 1945 chính quyền mới mới dùng lại tên nước Việt Nam có từ thời Gia Long.

Ở phần 3 Ứng Hòe không đồng ý với cách nói nước Nam “nội thuộc” nước Tàu theo cách dùng của Tư Mã Thiên ở Sử ký. Lý do là nước ta không phải nằm trong nước Tàu mà là bị nước Tàu đô hộ vậy phải dùng chữ “Bắc thuộc” mới đúng (tr. 442). Chỉ một chi tiết ấy đã tỏ rõ tinh thần yêu nước của tác giả. Đến khi nói việc nước Tàu đô hộ nước Nam hơn một nghìn năm kéo người Tàu di dân sang cả nước Nam ông lại nói lại cái ý đã nói ở “Đại Nam dật sử” mà tôi có dẫn trên: “Vậy thì cái chính sách của Tàu ngày xưa cũng đã khôn khéo lắm, rõ ràng là có mưu kế thực dân, chứ chưa chắc là chân tâm khai hóa” (tr. 443). Nhưng tiếp liền ông vẫn khẳng định ý chí độc lập bao đời của người Nam: “Dù mưu cách thực dân thế nào mặc lòng, hơn một nghìn năm ấy dân ta ví như “con rùa đội bia, con cóc dưới vũng”, thế mà người Nam vẫn hoàn người Nam. Chẳng thế sao lại sinh ra những cuộc khởi nghĩa?” (tr. 443).

Tinh thần ý chí đó Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố còn thể hiện trong việc phê phán sử Tàu đã “chép không đúng” về nha tướng Dương Diên Nghệ của triều đại họ Khúc (880 – 930) Theo sử ta thì chính là Dương Diên Nghệ nổi lên đánh Lý Khắc Chính khiến viên tướng giữ thành này bị thua chạy về Nam Hán, lúc bấy giờ chúa Nam Hán mới chịu cho Dương Diên Nghệ chức tiết độ sứ. Không phải như cuốn sử Tàu "An Nam chí nguyên" cho là sau khi chúa Nam Hán bắt được Thừa Mỹ (con Khúc Thừa Hạo) mới phong cho Dương Diên Nghệ chức tước và quyền vị. Đó là sự thật lịch sử: Dương Diên Nghệ giành được chức do đánh thắng tướng Nam Hán chứ không phải được thí chức vì vua Nam Hán bắt được vua nước Nam! “Và tính từ năm Thừa Mỹ bị bắt là năm 923, Dương Diên Nghệ đã khởi binh phục thù, cho đến năm 937 bị Kiều Công Tiễn giết, cộng thành mười lăm năm. Cho có kể từ năm xưng là tiết độ sứ là năm 931, cũng được bảy năm, thế mà "An Nam chí nguyên" chép xưng tiết độ sứ được ba năm. Vậy mới biết là không nên tin hết cả ở sách Tàu” (tr. 418).

Hai cuốn sách “Đại Nam dật sự và Sử ta so với sử Tàu” của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã truyền đến người đọc lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Đọc bản in mới những bài viết từ hơn bảy lăm năm trước càng thấy quý cái công lao bậc học giả tiền nhân. Bằng sự khảo cứu khoa học của mình, ông khẳng định nước Nam có sử nước Nam và người Nam phải đọc sử nước Nam. Bạn hãy đọc đi để thấm hơn sử ta và hãy nhớ những lời nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) ở tuổi hai mươi đã ghi trong nhật ký: “Người không biết lịch sử nước mình là con trâu đi cày ruộng, cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được”.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem