Gọi đây là tập truyện cũng chưa hẳn đúng. Vì tên sách có hai chữ "ký ức". Mà ký ức là nhớ lại. Cuốn sách mỏng, chỉ có 7 truyện, hay là 7 ký ức. Người kể chuyện trong 7 cái viết này nhớ lại những người con gái, phụ nữ mình đã gặp, đã có cảm giác yêu và cảm giác được yêu, đã có sự gần gũi thoáng qua nhưng sâu nặng. Tất cả đã thành kỷ niệm, thành ký ức. Bây giờ kể lại vẫn nhiều xúc động rưng rưng.
Một người đàn ông đi qua suốt bảy truyện này. Anh gặp những người phụ nữ khi thì tình cờ, khi thì có hẹn trước qua Facebook. Anh thích những cơ thể phụ nữ béo tròn, đẫy đà, thích nhìn những vồng ngực, những dáng chân. Và vào cuộc yêu anh luôn đắm say, nồng nhiệt. Câu chữ của người viết tả cuộc yêu vì thế phơi bày hết mọi cảm giác háo hức vồ vập của người được yêu, đầy nhục thể, khêu gợi. "Anh lật cô nằm phủ trên anh. Nhìn sâu vào mắt vào môi cô ấy. Hai tay xiết chặt lấy cái eo trời cho của cô ấy. Đôi chân anh làm thành cái vòng kiềng kéo bụng cô ấy xuống hơ nóng ran vùng dưới của anh. Và lúc đó bộ ngực cô mới đẹp làm sao, nó hơi trễ xuống một cách mời gọi. Anh cong người lên để hút đầu ngực của cô. Anh thích những bộ ngực nặng nặng trong khuôn tay mình. Mỗi khi anh bị nhấn chìm là cô ngẩng cao cái cổ như cái ống nước tinh khiết đang bị nghẹn lại vì khoái lạc." (tr. 32-33). Người đàn ông sắp vào tuổi bảy mươi mà còn nhớ lại và mô tả được từng chi tiết sống động đến vậy của cuộc yêu thì thời hiện tại của quá khứ ấy còn mãnh liệt đến đâu. Trong sách này của Kỳ Lâm nhiều đoạn tả gợi thế.
KÝ ỨC TÌNH
Tác giả: Kỳ Lâm
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022
Số trang: 107 (khổ 13x19cm)
Số lượng: 500
Giá bán: 120.000đ
Không ai dám chắc đây là tác giả hư cấu hoá những trải nghiệm của mình. Nhưng cũng không ai dám bảo đấy là những chuyện thật. Rốt lại thì đọc xong cuốn sách người đọc sẽ hỏi chỉ là chuyện trai gái gặp nhau bất chợt thế thôi, tác giả viết để làm gì. Thì tác giả đã có câu trả lời trong cái truyện mang tên "Trở về ban đầu". Ban đầu theo nghĩa đen là tư thế yêu của con người đã được trời đất ban cho khác với con vật. "Con người chỉ hơn động vật là được yêu. Và khác loài vật là khi yêu được đối diện với nhau, nhìn vào mắt nhau để cảm nhận từ mắt môi đến từng cọ xát của mỗi ngọn tóc." (tr. 33-34). Nhưng trở về ban đầu còn là về lại trạng thái hai cá thể chưa biết gì nhau, còn trọn vẹn trước nhau, dù họ đã có những ràng buộc xã hội và pháp lý. "Ôi, trở lại ban đầu…" câu thốt lên cuối truyện không biết là của tác giả hay nhân vật, hay là của những người đọc chứng kiến cuộc yêu của họ. Tôi bỗng nhớ bài thơ Sonnet nổi tiếng của thi sĩ Pháp Félix Arvers viết về tình yêu đã được nhà văn Khái Hưng dịch ra lục bát tiếng Việt trong đó có hai câu: "Dẫu ta đi trọn đường trần / Chuyện riêng dễ dám một lần hé răng". Ký ức tình là những ngập ngừng hé răng đó.
Kỳ Lâm là bút danh của Huỳnh Dũng Nhân, một cây bút nổi danh trong làng báo. Kỳ Lâm nói lái thành Cầm Ly, ly rượu trong cuộc nhậu bạn bè, ly rượu tình trong cuộc đời. Bìa và minh hoạ trong sách là của chính tác giả. Như vậy, đọc "Ký ức tình" ta được gặp một con người thực. Tác giả không giấu con người thật của mình khi viết truyện mà ai từng quen biết anh sẽ dễ nhận ra. Anh còn chơi cả cái tên bút danh này với nhân vật trong truyện như muốn người đọc biết và tin đây là chuyện thật. Liệu những nhân vật - người thật được/bị anh kể ra, dù là hoá thân vào truyện, có đồng cảm với tác giả không. Nhưng với người đọc đây là những chuyện tình rất thật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.