Giảm nghèo bền vững ở Phú Thọ, chú trọng từ hỗ trợ vốn đến đào tạo nghề

Hoan Nguyễn Thứ năm, ngày 12/10/2023 15:10 PM (GMT+7)
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Bình luận 0

Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách xã hội

Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách, từ đó thoát nghèo. Có thể kể đến nhiều tấm gương hộ gia đình khó khăn từng bước phát triển kinh tế nhờ được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bằng phương thức cho vay trực tiếp, có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội, đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đã triển khai thành công 20 chương trình tín dụng chính sách. Theo đó, có gần 21.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn khôi phục sản xuất.

Điển hình như vợ chồng ông Trần Văn Quýnh ở khu 5, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Gần 40 năm gắn bó với nghề trồng cây cảnh, vợ chồng ông Quýnh trải qua biết bao thăng trầm cùng nghề. 

Với vợ chồng ông, nguồn vốn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển nghề, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Đa dạng sinh kế cho người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu - Ảnh 1.

Được vay vốn ưu đãi, hộ ông Trần Văn Quýnh (ở giữa) đã đầu tư mở rộng, đa dạng loại cây trồng mới, mang lại thu nhập cao. Ảnh: Thúy Hằng

Năm 2022, ông Quýnh được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Ninh tạo điều kiện cho vay 90 triệu đồng. Trong đó, 70 triệu đồng là nguồn vốn vay giải quyết việc làm, 20 triệu đồng vốn nước sạch và vệ sinh môi trường để đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Nhờ đó, ông Quýnh đã tiếp tục đầu tư mua thêm nhiều giống cây có giá trị về ươm trồng, chăm sóc. Cây cảnh của gia đình ông Quýnh hiện nay được xuất bán đi thị trường Hà Nội, Hưng Yên… Trừ chi phí, năm 2022 gia đình ông Quýnh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Còn anh Nguyễn Văn Đạo (khu Phú Yên, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, năm 2020, được Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê cho vay vốn hộ cận nghèo với số tiền 100 triệu đồng, gia đình anh đã đầu tư mua 4 con bò sinh sản.

Đa dạng sinh kế cho người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu - Ảnh 2.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đạo thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ được vay vốn, mở rộng quy mô nuôi bò sinh sản. Ảnh: Thúy Hằng

Cùng với sự nhiệt tình hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi của Hội Nông dân, mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình anh Đạo liên tục có lãi. 

Đến nay, đàn bò của gia đình anh Đạo đã phát triển lên 8 con, mỗi năm trừ chi phí mang về thu nhập gần 100 triệu đồng. Từ hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, anh Đạo vươn lên phát triển mô hình nuôi bò sinh sản hiệu quả; cuộc sống gia được cải thiện rõ rệt.

Chú trọng đào tạo nghề để giảm nghèo bền vững

Bên cạnh hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn tăng cường đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Hộ ông Nguyễn Văn Tính (xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) là một trong những hộ gia đình phát triển kinh tế hiệu quả với mô hình chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học. Thế nhưng trước đây, gia đình ông Tính là một trong những hộ nghèo của xã, kinh tế chỉ trông chờ vào vài sào ruộng.

"Năm 2020, gia đình tôi được vay vốn tín dụng và được chính quyền hướng dẫn tham gia mô hình chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học. Nhờ đó, ngoài việc được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, gia đình còn được liên kết để tiêu thụ đầu ra của sản phẩm. Hiện gia đình tôi thường xuyên duy trì nuôi hơn 10 con lợn/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng" - ông Tính vui vẻ nói.

Đa dạng sinh kế cho người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu - Ảnh 3.

Được phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật về sử dụng đệm lót chăn nuôi, hộ ông Nguyễn Văn Tính đã phát triển đàn lợn hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thúy Hằng

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn Phạm Tú cho biết, Thanh Sơn là huyện miền núi, huyện Thanh Sơn phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt trên 60%.

Thời gian tới, để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, huyện Thanh Sơn sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện giảm nghèo bền vững. Trong đó tập trung hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các đối tượng thụ hưởng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo cấp xã, khu dân cư...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem