Đội banh Cây Sộp

Chủ nhật, ngày 20/06/2010 16:31 PM (GMT+7)
(NTNN) - Dân trong làng bóng nghiệp dư kêu đội bằng một cái tên rất nông thôn: “Đội banh Cây Sộp”. Tên gọi này gần như khu biệt xuất thân cầu thủ, hầu hết là cầu thủ ấp Cây Sộp của một xã vùng sâu thuộc quận 12 TP. HCM.
Bình luận 0
img
Chấn thương vẫn... vui

Đội bóng nông dân TP.HCM tham dự Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc 2010- báo Nông thôn Ngày nay - Cúp VFA cũng với thành phần chính là “Đội banh Cây Sộp”. Dù không lọt vào vòng Chung kết (bị loại do bốc thăm), nhưng đội bóng ND TP.HCM đã thực gây ấn tượng lớn.

Bỏ bia qua bóng…

Những năm 90, ở quận 12 có quán nhậu bình dân Cây Sộp rất nổi tiếng. Nhờ bán ăn ngon, giá cả lại bình dân, đặc biệt là vợ chồng chủ quán “chịu chơi”, không ngại chuyện thiếu chịu nên quán lúc nào cũng đông khách. Toàn khách “ruột” nên ông Võ Văn Diệp - chủ quán dù mỗi ngày chỉ uống với mỗi bàn một ly gọi là rượu mời cũng say lúy túy.

Đùng một cái, vợ chồng ông Diệp sang quán, đầu tư làm sân cỏ nhân tạo. Nhiều người lúc này nói vợ chồng ông “điên”, “điếc không sợ súng” vì nhiều sân bóng nằm ngay trong trung tâm thành phố vừa mở ra đang trong tình trạng sống dở chết vì… ế. Ở ấp Cây Sộp thời điểm này toàn dân lao động, công việc tay chân thở không muốn ra hơi lấy đâu sức chơi bóng.

Hơn nữa, bỏ ra mấy chục ngàn đồng cho 1 giờ thuê sân không phải là số tiền nhỏ. Lúc đầu, sân Cây Sộp mở cửa thất thường vì khách khi có khi không. Nhờ “kinh nghiệm” làm quán nhậu, vợ chồng ông Diệp dùng các chiêu hạ giá, khuyến mãi, chăm sóc sân kỹ lưỡng nên giữ được nhiều mối quen. Nếu cầu thủ trong ấp thi đấu với đội khách, bà Hồng đứng ra lo luôn khoản cơm nước cho “gà nhà”.

img
Cổ động viên nhí của đội Cây Sộp

Tiếng lành đồn xa, các đội bóng phong trào, các đội hạng nhì, hạng nhất chọn sân của ông Diệp làm nơi so giày giao hữu. Thậm chí các đội như Khách sạn Khải Hoàn, Đá Mỹ Nghệ... cũng từng lấy sân Cây Sộp làm “sân nhà” cho các giải toàn quốc mà họ tham gia… “Vợ chồng tôi làm sân bóng đầu tiên năm 1999.

Ban đầu tính làm vừa vừa chủ yếu để ông xã… rèn luyện sức khỏe, em cháu trong xóm cũng có chỗ vui chơi lành mạnh. Rồi như cái nghiệp, có bao nhiêu vốn liếng vợ chồng tôi đều dồn hết để làm sân. Tính tới nay, tôi đã có 4 sân mini và 2 sân lớn, trang bị hiện đại có thể đá giải lớn ngon lành. Tổng số tiền đầu tư đến giờ cũng đã tròm trèm 7 tỷ đồng” - bà Hồng nói.

Sức lan tỏa

Ông Lê Văn Rớt - Trưởng bộ môn bóng đá quận 12 cho biết, nông dân Cây Sộp mê bóng đá hàng chục năm nay, từ thời muốn vào được ấp Cây Sộp vào mùa mưa phải… bơi vì đường ngập. Những năm 80, đội bóng Cây Sộp đá đâu thắng đó, thường đại diện luôn cho xã, rồi quận để thi đấu giải toàn thành phố.

Đại diện TP. HCM đấu các giải lớn (mặc dù có một số cầu thủ của Hóc Môn, Gò Vấp) đội bóng TP. HCM vẫn bị gọi chết tên là “đội banh Cây Sộp”. “Là một trong những người mở sân bóng đầu tiên ở quận 12, vợ chồng chị Hồng anh Diệp cho đội bóng ấp nhà được tập luyện miễn phí mỗi khi chuẩn bị giải. Phong trào chơi bóng từ Cây Sộp cứ lan tỏa dần. Tính đến nay, địa bàn quận 12 có gần 100 sân bóng”- ông Rớt nói.

Thời gian gần đây, hàng trăm sân cỏ nhân tạo đã mọc lên trên địa bàn các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, lượng sân cũng không ngừng tăng lên. Tại TP.HCM, nhiều người lâu nay chưa từng làm qua thể thao đang ráo riết săn lùng những… dự án treo để liên hệ thuê đất, làm sân.

Chỉ cần một khoảng đất rộng cỡ 1.000m2 là có thể hình thành sân bóng. Theo lời bà Hồng chủ sân Cây Sộp, sân cỏ nhân tạo chỉ nặng vốn đầu tư ban đầu. Chi phí bảo dưỡng sau đó thấp hơn rất nhiều so với sân cỏ thật, nhất là khoản nước tưới. “Đá sân cỏ nhân tạo quần áo đỡ dơ, té cũng đỡ đau hơn nên rất phù hợp với dân chơi nghiệp dư”- bà Hồng nói.

img
 

Giá thuê sân cỏ nhân tạo ở các quận trung tâm TP.HCM từ 300 - 500.000 đồng/giờ, sau 6 giờ chiều cộng thêm 100.000 đồng/giờ. Sân bóng ở ngoại thành như huyện Củ Chi, Hóc Môn giá thuê từ 100 - 120.000 đồng/giờ, sau 6 giờ chiều giá từ 150.000 đồng/giờ trở lên.

Tại các sân Cây Sộp, giá thuê ban ngày là 100.000 đồng/giờ, ban đêm là 150.000 đồng/giờ. Đặc biệt, sân Cây Sộp có giảm giá cho học sinh , sinh viên. Nếu là các giải phong trào của nông dân và đoàn thanh niên, chủ sân Cây Sộp cho chơi… miễn phí!

Các sân Đạt Đức, Phú Nhuận, Tân Thăng, Cây Sộp, Đa Phước, Vạn Chinh, Linh Xuân, Thuận Kiều, Tao Đàn hay sân Kỳ Hòa mở ra tạo việc làm cho hàng trăm nhân viên, với rất nhiều dịch vụ kèm theo. Sân Cây Sộp còn có cả đội y tế, sẵn sàng cấp cứu những ca va chạm.

Bên lề trận đấu

Lực lượng y tế… thất nghiệp:

Trong các trận đấu vòng loại của bảng 5 tổ chức tại Tiền Giang tuần qua, không có một pha va chạm nào đáng kể. Trận cuối bảng 5, một cầu thủ Tiền Giang chấn thương mắt cá chân sau cú vào bóng không hợp lệ của cầu thủ TP.HCM.

Tên "độc":

Đội bóng đá nông dân TP. HCM tham gia bảng 5 được gọi là đội Cây Sộp với HLV tên cũng "độc" là Lê Văn Rớt (Cây Sộp là tên một ấp ở quận 12 trước đây, nhiều lần vô địch quận 12, vô địch TP.HCM).

Đội nào cũng có "Tí":

Ở lượt trận cuối cùng, ở hàng ghế ban huấn luyện cả hai đội Tiền Giang và TP. HCM liên tục hò hét chỉ đạo cầu thủ tên "Tí", đội TP. HCM là cầu thủ Tí "chuột", Tiền Giang là Tí "nhỏ"

"Đá xấu tui đuổi về luôn!":

Là tuyên bố của HLV Trần Minh Trung đối với các học trò của mình. HLV Trung cấm cầu thủ chơi xấu với đối phương. Ở trận đấu với TP. HCM, Trà Vinh bị dẫn bàn nên các cầu thủ Trà Vinh nôn nóng, vào bóng khá rát và liên tục bị HLV của mình nhắc nhở…

"Tui phải về cho… heo ăn!":

Sau pha rút thăm được vào vòng trong, đội Tiền Giang rủ nhau đi liên hoan. Tiền đạo Dương Tấn Sơn xin phép vắng mặt 30 phút để về nhà chăm sóc bầy heo rồi mới chạy ra ăn mừng với đồng đội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem