Đội cồng chiêng... chỉ có nữ trên quê lúa

Chu Hồng Châu Thứ năm, ngày 16/04/2015 08:12 AM (GMT+7)
Trên vùng quê lúa Thái Bình với những cánh đồng lúa bao la đã vang vọng những âm thanh cồng chiêng nơi núi rừng Tây Nguyên của đội cồng chiêng giáo xứ Hoàng Xá (huyện Vũ Thư). Điều đặc biệt hơn thành viên là đội cồng chiêng này toàn là nữ.
Bình luận 0

Thuận vợ thuận chồng

Năm 2011, đội cồng chiêng nữ giáo xứ Hoàng Xá (huyện Vũ Thư, Thái Bình) được thành lập dựa trên ý tưởng của những người có tâm huyết với âm nhạc truyền thống trong giáo xứ như Nghệ nhân kèn Hoàng Hải Đường và học trò của ông là anh Phạm Văn Trịnh.

Với thâm niên hàng chục năm đi dạy kèn khắp cả nước, Nghệ nhân Hoàng Hải Đường đã tìm hiểu và phổ biến nghệ thuật cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên cho ban nhạc giáo xứ Hoàng Xá. Sau khi thành lập đội cồng chiêng nam vào năm 2000, vì nhiều lý do nên hoạt động của đội bị gián đoạn. Tới năm 2011, được sự động viên của các vị chức sắc trong giáo xứ, anh Phạm Văn Trịnh đã quyết tâm gây dựng lại đội cồng chiêng nữ độc đáo này.

img
Một buổi tập của đội cồng chiêng nữ Hoàng Xá. Chu Hồng Châu

Những ngày đầu thành lập, được sự ủng hộ cao của các chị Vũ Thị Hoài, Vũ Thị Vi, anh Trịnh đã cùng các chị đi tới từng nhà động viên chị em trong giáo xứ tham gia vào đội. "Khó khăn vất vả nhất là lúc này, tôi và các chị em phải vận động những ông chồng, những người cha đồng ý cho vợ hay con gái mình tham gia tập luyện. Bởi khi họ đi tập đồng nghĩa với việc phải bỏ phiên chợ, tạm gác việc tề gia nội trợ, việc đồng áng... điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của từng gia đình. Sau nhiều lần động viên các anh, các chú cũng cảm thông, chia sẻ nên ban đầu đã có 20 chị em tham gia tập luyện"- chị Vũ Thị Hoài (48 tuổi- Đội trưởng đội cồng chiêng nữ Hoàng Xá) chia sẻ.

Phần nhân sự coi như tạm ổn, anh Phạm Văn Trịnh- một trong những người nhiệt tình nhất trong việc tạo dựng nên đội cồng chiêng nữ danh tiếng trên quê lúa đã lao tâm khổ tứ sắp xếp, chỉnh sửa lại những chiếc cồng chiêng cũ để luyện tập. Sau đó, anh Trịnh cùng các anh Phạm Văn Triều (chồng chị Hoài), Vũ Hữu Đức lặn lội vào tận các tỉnh Tây Nguyên đặt mua 3 giàn chiêng (21 chiếc) và học hỏi cách sử dụng. Kinh phí mua sắm hoàn toàn do các thành viên trong đội tự nguyện đóng góp. Cùng với số lượng cồng chiêng cũ còn lại, lúc này số thành viên trong đội cũng dần tăng lên.

Công việc dạy nhạc lý, cách sử dụng cồng chiêng lại được ông Trịnh gánh vác. Năm nay 43 tuổi và đã có gần 30 năm chơi kèn và dạy nhạc nên kiến thức âm nhạc của anh rất vững vàng. Anh Trịnh cho biết: "Cái khó đầu tiên không phải là cách dạy mọi người chơi ra sao, mà vất vả ở khâu soạn nhạc vì nhạc cồng chiêng của bà con các dân tộc khác hẳn với nhạc lý hiện đại, ông thầy người dân tộc chỉ dạy truyền tay. Vì vậy tôi phải chơi thử từng chiếc chiêng, phân loại âm và đánh dấu, sau đó viết tổng phổ một bản nhạc, sắp xếp ai đánh trước, ai đánh sau cho đúng bài bản. Mất hơn nửa tháng đầu học nhạc lý và chơi thử tuy còn chuệch choạc, nhưng sau đó chị em đã miệt mài tập luyện, mọi thứ trở nên suôn sẻ hơn"- anh Trịnh tiết lộ.

Âm vang trên quê lúa

Quan điểm

Chị Vũ Thị Hoài-đội trưởng đội cồng chiêng nữ Hoàng Xá
  Vì là phụ nữ nên xong việc chung các chị em lại xắn tay vào giúp đỡ nhau giải quyết việc riêng, thăm hỏi động viên nhau. Tất cả để tạo nên không khí như một gia đình nhằm duy trì và phát triển nét độc đáo, đặc thù của đội cồng chiêng nữ Hoàng Xá". 
Hiện tại, nhạc lý của các chị em trong đội đã khá vững vàng, chơi thành thạo, nhuần nhuyễn nhiều bản nhạc cách mạng như: “Tiếng chày trên sóc Bombo”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”... và những bản nhạc hành khúc phục vụ những ngày kỷ niệm lớn trong năm, những bản nhạc thánh ca cũng như những bài ca ngợi công cha nghĩa mẹ...

Tuy nhiên, các thành viên trong đội vẫn hăng say tập luyện mỗi tối thứ 7 hàng tuần tại nhà chị đội trưởng Vũ Thị Hoài. Nhìn cách chơi thuần thục với các loại chiêng to nhỏ của các chị Nguyễn Thị Xoan, Trần Thị Loan, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị Nữ, Nguyễn Thị Phim... mới thấy sự nghiêm túc, nhiệt huyết của những người phụ nữ trên vùng quê lúa này.

Các thành viên trong đội luôn đoàn kết và sẵn sàng đóng góp để mua sắm nhạc cụ, trang phục để luôn tạo nên nét độc đáo cho mỗi tiết mục biểu diễn. Chị em đã tự bỏ kinh phí trên 80 triệu đồng đặt mua chiếng, trống... Ngoài ra, mỗi thành viên đặt may 4 bộ váy áo khác nhau theo mẫu của phụ nữ các dân tộc để phục vụ biểu diễn với giá 1,5 triệu đồng/bộ.

Ngoài cồng chiêng và trống, để hoàn thiện hơn cũng như tạo dựng nên những bản nhạc đa âm sắc mang âm hưởng đại ngàn, anh Phạm Văn Trịnh và ông Vũ Đức Sinh đã dày công nghiên cứu và luyện tập cho thành viên trong đội cách chơi đàn T-rưng, một nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Do vậy các bản nhạc trở nên réo rắt hơn, sinh động hơn, được đông đảo bà con cũng như các nhà nghiên cứu, khảo sát văn hóa dân gian đánh giá cao trong những lần đội biểu diễn phục vụ những ngày lễ lớn của tỉnh, của huyện.

"Chúng tôi phải luôn vận động người khác tập luyện thay thế mỗi khi có thành viên đi lấy chồng nơi khác hoặc đi làm ăn xa. Các cháu nhỏ thì còn học hành nên việc đào tạo thế hệ kế cận là không đơn giản nhưng chúng tôi quyết tâm duy trì và phát triển bản sắc riêng độc đáo của đội cồng chiêng nữ quê nhà"- anh Trịnh tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem