"Cần thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số"

Quang Minh Thứ năm, ngày 06/06/2024 08:10 AM (GMT+7)
"Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số", ông Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, TBT báo Nhân Dân khẳng định.
Bình luận 0

Chiều 5/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia "Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay".

Hội thảo thu hút 62 bài tham luận của các đại biểu đến từ cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo các tờ báo Trung ương, địa phương.

"Cần thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số"- Ảnh 1.

Hội thảo khoa học Quốc gia "Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay" thu hút nhiều đại biểu.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất cho rằng, môi trường truyền thông mới, đặc biệt là việc chuyển đổi số báo chí đòi hỏi phải có cơ chế mới trong việc bồi dưỡng và đào tạo nhà báo. Các phương tiện truyền thông mới có nhiều tính năng, vừa có chữ viết, âm thanh, vừa có hình ảnh, là sự tổng hợp của tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống.

Đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, hiện công tác hoạt động đào tạo báo chí - truyền thông diễn ra dưới nhiều hình thức, từ đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng đến đào tạo nội bộ ngay trong các cơ quan báo chí - truyền thông.

Trên cả nước hiện có 9 cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông chủ lực là các trường đại học, học viện công lập… Ngoài ra, còn có các cơ sở dân lập, trường liên kết quốc tế đào tạo ngành truyền thông, quan hệ công chúng, quảng cáo - những lĩnh vực gần với đào tạo báo chí.

Đào tạo chính quy báo chí - truyền thông ở Việt Nam gồm nhiều cấp học, trình độ khác nhau từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ đến cao nhất là tiến sĩ. Bên cạnh đó còn có các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ báo chí - truyền thông, nghiệp vụ quản lý báo chí - truyền thông…

Thời gian qua, các trường đào tạo báo chí - truyền thông có sự đổi mới về tư duy đào tạo, chú trọng thiết kế nội dung, chương trình bám sát yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, nhu cầu của thực tiễn xã hội, chú trọng đến việc lồng ghép các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cần có của người làm báo chí - truyền thông hiện đại.

Cùng với đó, khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được sắp xếp khoa học, hợp lý, bài bản, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đáp ứng yêu cầu cụ thể của chuyên ngành đào tạo.

Việc thực hành, thực tế nghề nghiệp cho người học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ngày càng được chú trọng, nhằm bổ sung cập nhật kiến thức mới, kỹ năng thực hành báo chí, xuất bản, truyền thông hiện đại.

"Cần thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số"- Ảnh 2.

Các đại biểu chia sẻ nhiều thông tin quý báu về công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Ảnh: PV

Qua đó góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông thế hệ mới, có phẩm chất chính trị vững vàng, thành thạo về kỹ năng, tinh thông về nghiệp vụ, thích ứng ngày càng tốt hơn và nhanh hơn với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số.

Cụ thể như việc thay đổi mô hình quản trị tòa soạn; tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý hệ thống; quy trình sản xuất, phát triển nội dung và phương thức tác nghiệp báo chí - truyền thông đa nền tảng; vấn đề tiếp thị công chúng; phương thức quản lý dữ liệu, văn hóa báo chí - truyền thông.

Do vậy, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số.

"Cần thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số"- Ảnh 3.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Và thực tế, thực tế trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đã sớm tích hợp, đưa các nội dung của chuyển đổi số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình khung, chương trình chi tiết của từng chuyên ngành, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Nhà trường cũng đã chú trọng đổi mới tư duy, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành; trang bị các kiến thức, kỹ năng lao động cần thiết cho người học trong môi trường số, đưa các mô hình tòa soạn số, trường quay ảo, công nghệ truyền thông thế hệ mới...

Tuy nhiên, bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, việc kết hợp giữa đào tạo trong nhà trường và bồi dưỡng nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng, có thể giúp nhà báo được đào tạo lại, thích ứng với những công nghệ làm báo mới.

"Cần thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số"- Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị.

Theo ông, trong bất cứ môi trường nào, việc bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho nhà báo số đã trở thành con đường phát triển tất yếu, cần chiến lược đào tạo bài bản và lâu dài.

Mục đích cuối cùng là đào tạo ra những người làm báo gắn thực tiễn với đời sống báo chí và họ không phải chỉ là "đánh trận trên giấy", mà cần có vốn kiến thức sâu rộng, kỹ năng tác nghiệp "đa năng".

Ông cho rằng, ngoài việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, các cơ sở đào tạo cũng cần dành thời gian nhất định để nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên trong trường đại học, định vị hướng phát triển cho ngành báo chí, khuyến khích các giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.

Tại thảo luận bàn tròn, lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã chia sẻ, bày tỏ chia sẻ nhiều thông tin quý báu về công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng về lý luận, thực tiễn về vấn đề đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí nói riêng, xây dựng nền báo chí truyền thông "chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem