Đội quân Thiết kỵ của Thành Cát Tư Hãn đáng sợ như thế nào?

Quỳnh Chi Thứ ba, ngày 16/02/2021 20:30 PM (GMT+7)
Đương thời, mỗi lần nghe thấy bốn từ “Thiết kỵ Mông Cổ”, cả đại lục Âu, Á, Phi đều không khỏi run sợ…
Bình luận 0

Họ được mệnh danh là bất khả chiến bại, vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu là chiến thắng vang dội đến đó. Điều gì đã tạo nên một đội quân dũng mãnh thiện chiến như vậy? Ở họ có điều gì khác biệt?…

Đảm bảo hậu cần

Sở dĩ thiết kỵ Mông Cổ có thể đánh đâu thắng đó là do thói quen ăn uống đặc biệt của người Mông Cổ. Quân đội Mông Cổ "xuất nhập chỉ uống sữa ngựa hoặc giết thịt dê làm thức ăn". Điều này quyết định việc khi hành quân đánh trận họ chỉ cần mang theo ngựa cái và các gia súc khác. Trên đường xuất chinh sẽ cung cấp cỏ và nước cho vật nuôi, quân đội Mông Cổ có thể tự cung cấp, như vậy giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho đội ngũ khi hành quân.

Đội quân Thiết kỵ của Thành Cát Tư Hãn đáng sợ như thế nào? - Ảnh 1.

Nếu nguồn cung cho gia súc không đủ, có thể tìm được nơi cỏ non nước trong để bù vào; nếu lương thực của binh sĩ thiếu hụt lại càng đơn giản, bởi sở trường của họ là cưỡi ngựa bắn tên, lúc nào cũng có thể giương cung bắn đại bàng, thỏ, sóc và muông thú… Không chỉ vậy còn một nguồn cung lớn khác khá đặc biệt chính là dũng mãnh công thành, mỗi khi công hạ một thành trì, việc đầu tiên họ sẽ không khách khí mà cướp, cướp đồ ăn, cướp vật tư, cướp phụ nữ. Nhờ vào việc săn bắt, cướp bóc họ chẳng cần băn khoăn nỗi lo thiếu hụt hậu cần.

Dũng mãnh thiện chiến

Đội quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn thống lĩnh chủ yếu là kỵ binh, họ là lực lượng nòng cốt của quân đội, hơn nữa "người Thát Đát lớn lên trên lưng ngựa, tự học cách chiến đấu từ mùa xuân đến mùa đông, ngày ngày săn bắn". Binh sĩ Mông Cổ có tư chất rất cao, bởi Mông Cổ là một quốc gia tôn sùng vũ lực, mọi người dân từ trẻ tới già đều là binh lính. Sự dũng cảm của người Mông Cổ được hình thành từ những bài huấn luyện từ nhỏ trên lưng ngựa, đến khi trưởng thành mỗi người đã trở thành một người lính thực thụ với sức chiến đấu dũng mãnh. Tinh thần phục tùng, kiêu dũng, ngoan cường chính là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của đội kỵ binh Mông Cổ.

Linh hoạt biến hóa đa dạng

Kỵ binh Mông Cổ có kỷ luật rất nghiêm ngặt, khi đánh trận vô cùng dũng mãnh, tốc chiến, linh hoạt. So với kỵ binh Châu Âu, áo giáp của kỵ binh Mông Cổ phần lớn được làm từ da, nhẹ nhàng lại bền dai, tiết kiệm thể lực cho binh sĩ. Các binh sĩ thường lựa chọn vũ khí theo sở thích cá nhân, họ mang theo nào cung tên, đao, giáo, thậm chí cả dây chão bắt ngựa… rất nhiều loại binh khí bên mình có thể giúp họ hoàn thành những nhiệm vụ khác nhau, khiến kẻ địch trở tay không kịp.

Không chỉ người Mông Cổ mà ngựa Mông Cổ cũng có sức bền đáng kinh ngạc. Chúng có thể chạy 120 km một ngày, hơn nữa cả chặng đường chỉ cần nghỉ đúng một lần để uống nước và ăn cỏ. Chính những con ngựa thảo nguyên này càng làm tăng thêm ưu thế cho đội thiết kỵ Mông Cổ.

Sách lược quân sự

Quân đội Mông Cổ khi đánh trận rất chú trọng sách lược. Họ được tổ chức cực kỳ nghiêm ngặt, khi điều động cũng rất nhanh chóng linh hoạt. Mười nghìn binh sĩ được phân thành 10 đội mỗi đội 1000 người, mỗi đội lại được phân thành 10 nhóm nhỏ mỗi nhóm 100 người. 10.000 binh sĩ này do thân tín hoặc họ hàng của Đại Hãn chỉ huy. Ở cấp độ lớn hơn, cứ hai vạn người làm thành một đội quân, ngoài ra còn có một vạn người có thể chất mạnh mẽ và kỹ năng tốt được đích thân Đại Hãn lựa chọn lập thành "đội quân hộ vệ" tinh nhuệ gọi là Khiếp tiết quân. Đội quân này trong thời bình được phân thành 4 ban hộ vệ, khi xảy ra chiến tranh sẽ theo Đại Hãn xuất chinh. Thành Cát Tư Hãn đã chinh chiến cả cuộc đời mình, hầu hết các trận chiến đều là công thành, thường dùng chiến thuật tấn công táo bạo, đột kích bất ngờ, đánh cấp tốc, bởi ông luôn chủ trương dùng binh thần tốc, tiến công mạo hiểm, tiến nhanh đánh mạnh, tốc chiến tốc thắng.

Thông tin tình báo

Các cá nhân tướng lĩnh được quyền tự chủ cực lớn trong khi tác chiến, thông tin liên lạc luôn được thông suốt trong quân đội. Phía trước đại quân luôn có đội ngũ trinh sát gửi về thông tin về tình hình quân địch bất cứ lúc nào. Người Mông Cổ đặc biệt thích kết giao với thương nhân và chiêu mộ họ làm công việc tình báo. Thành Cát Tư Hãn từng thành lập một tổ chức tham mưu kiện toàn có hiệu quả cực cao. Tổ chức này có cả người Hán, người Khiết Đan, người Ả Rập… nhiệm vụ của họ là thu thập thông tin tình báo từ các nước để vạch ra kế hoạch tác chiến. Thành Cát Tư Hãn rất coi trọng việc đánh bại kẻ thù về mặt chiến lược, trước mỗi cuộc chiến ông luôn cử người thu thập thông tin tình báo chi tiết và dựa vào đó lên kế hoạch cẩn thận chu toàn, giành chiến thắng bất ngờ trước kẻ địch.

Kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn có một đội quân tiên phong hoàn chỉnh với hệ thống tác chiến tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Từ cung cấp hậu cần đến khả năng cơ động linh hoạt, rồi đến chiến lược quân sự thậm chí là thông tin tình báo, tất cả tập hợp thành một hệ thống quân sự hoàn chỉnh, đạt đến trình độ cao nhất của kỵ binh thời đó, bởi vậy chẳng phải khoa trương khi nói đó là đội quân bất khả chiến bại, nhất là khi đội quân toàn diện đó được lãnh đạo bởi một nhân tài quân sự kiệt xuất – Thành Cát Tư Hãn. Trên khắp đại lục Á, Phi, cái tên "Thiết kỵ Mông Cổ" sẽ còn vang mãi khiến người ta khiếp sợ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem