Đổi thay khi đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu

Mỹ Hằng Thứ bảy, ngày 10/10/2020 19:45 PM (GMT+7)
Lễ khánh thành đường cáp ngầm xuyên biển đưa điện lưới quốc gia tới xã đảo Nhơn Châu (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã diễn ra sáng nay (10/10). Kể từ khi đóng điện giữa tháng 8, cuộc sống của người dân đã thực sự có bước ngoặt. Lần đầu tiên 600 hộ dân trên đảo có điện sử dụng ổn định suốt ngày đêm sau nhiều năm chờ đợi.
Bình luận 0

Niềm ao ước lâu nay

Nằm cách Quy Nhơn 24km, cách điểm đất liền gần nhất 10km, Nhơn Châu là xã đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch của Bình Định. Nhưng lâu nay người dân trên đảo chỉ được dùng điện từ máy phát diesel, từ 9h - 15h ban ngày, 17h - 23h ban đêm. "Nhà nước đầu tư máy nổ phát điện cho dân nhưng từ lâu rồi, máy hư liên tục, trước đây chỉ 6 tiếng mỗi ngày, sang năm nay mới được 12 tiếng - ông Trần Văn Mọn, 72 tuổi, một người dân Nhơn Châu cho biết - Người dân chúng tôi ao ước có điện từ nhiều năm nay. Đa số nhân dân rất phấn khởi". Làn da nâu sạm nắng, gia đình ông Mọn sống trên đảo từ thời ông bà, bố mẹ, song đến giờ mới lần đầu tiên được đón dòng điện lưới quốc gia.

Đường cáp ngầm xuyên biển được thi công từ 17/7/2020, một tháng sau hoàn thành đấu nối với lưới điện quốc gia và lưới điện trên đảo Nhơn Châu. Người dân xã đảo chính thức có điện lưới quốc gia từ 21/8 và được cấp điện ổn định từ đó tới nay.

"Hai tháng qua nhiều hộ dân mua thêm tủ lạnh, tivi, quạt nước... Có điện rồi thì các nhà hàng, khách sạn mới mở rộng kinh doanh, nuôi hải sản được" - ông Mọn nói.

Trưởng Trạm Y tế xã Nhơn Châu, ông Lý Hòa Thuận kể rằng, trước đây sử dụng điện máy nổ, anh em trực ở trạm rất khó khăn. "Mùa mưa bão, khi biển động cách biệt đi lại với đất liền, năm nào cũng có những ca bệnh đặc biệt, nhưng hầu như phải cầm cự đến khi biển yên lại mới đưa vào đất liền điều trị. Khi có điện quốc gia, chúng tôi có thể sử dụng máy tính, có thể khám chữa bệnh điều trị trực tuyến từ xa, cái này ngành y tế đã nói rồi, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân sẽ được thực hiện tốt hơn" - ông Thuận bày tỏ.

Chứng kiến những thay đổi 2 tháng qua từ khi có điện lưới quốc gia, ông Thuận thấy rõ nhất là bộ mặt văn hóa đã đổi khác. Đường làng ngõ xóm sáng sủa hơn với hệ thống đèn đường được lắp đặt, người dân được nghe nhạc, xem tivi thường xuyên, thông tin truyền thông đến với người dân đều đặn hơn. Có điện, các tour du lịch đưa khách ra đảo rất đông, có ngày tới 500 - 700 khách, hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh kinh tế xã đảo.

Đổi thay khi đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu - Ảnh 1.

Lễ công bố hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu.

Rất vui khi có điện ổn định là bọn trẻ. Em Nguyễn Thị Linh, học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nhơn Châu kể, trước đây hay bị cúp điện, trời mùa đông lớp học của em rất tối, không nhìn rõ bảng. Từ khi có điện lưới quốc gia, lớp học lúc nào cũng sáng sủa, quạt mát đầy đủ.

Tuy nhiên, người dân cũng có những e ngại về giá điện sắp tới. Ông Lý Hòa Thuận cho biết, trước đây sử dụng điện máy phát, người dân được hỗ trợ và chỉ phải trả 1.000 đồng/kWh. Giờ tính giá điện bậc thang, bà con cũng băn khoăn lo lắng. "Phấn khởi khi có điện, nhưng bà con cũng sợ giá cao không đủ tiền trả. Họ sử dụng rất tiết kiệm, nhu cầu cần lắm mới dùng, đến tối cả nhà chỉ thắp mỗi một bóng - ông Thuận nói - Người dân mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thêm về giá cho xã đảo còn nhiều khó khăn".

Nhấn mạnh ý nghĩa của đường điện mới, ông Hồ Nhật Lệ - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nhơn Châu - tin rằng có điện ổn định, người dân có thể phát triển kinh tế, nhất là thu hút du lịch. Dịch vụ công cũng đã được triển khai đảm bảo hơn. Trước đây xã phải sử dụng dịch vụ Internet 4G, lúc có lúc không, giờ đây có wifi thường xuyên, xã có thể sử dụng cổng dịch vụ công của thành phố. Ông Hồ Nhật Lệ cho biết, chính quyền xã sẽ ghi nhận những ý kiến của bà con về giá để phản ánh tới các ngành liên quan, đảm bảo đời sống ổn định lâu dài cho bà con.

Việc đưa điện lưới ra Nhơn Châu đã mang lại thay đổi từ những điều nho nhỏ như vậy trong đời sống nhân dân, mà còn mang ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo chủ quyền biển đảo đất nước.

Thần tốc đưa điện vượt biển

Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho đảo Nhơn Châu thuộc chương trình "Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sử dụng vốn ODA không hoàn lại do EU tài trợ.

"Đối với chúng tôi, năng lượng là một trong những lĩnh vực hợp tác chính với Việt Nam - Đại sứ EU tại Việt Nam Georgio Aliberti chia sẻ trong chuyến đi thực địa tới Quy Nhơn thăm điểm đấu nối cáp ngầm ra đảo - Trong những năm qua, chúng tôi đã tài trợ 250 triệu euro cho lĩnh vực này, và trên 100 triệu euro đã được dành cho điện khí hóa nông thôn". Đại sứ Aliberti ghi nhận việc điện từ máy phát diesel trên đảo đã được thay dần bằng điện lưới, trong đó tỷ trọng điện gió và điện mặt trời đang gia tăng. Ông hy vọng các hoạt động khác trên đảo cũng phát triển theo hướng bền vững môi trường. 

Trong khuôn khổ dự án, hơn 12km đường dây trung áp trên đất liền, 10km cáp ngầm trung áp xuyên biển kèm cáp quang, lưới điện trên đảo Nhơn Châu  và hệ thống cáp quang thông tin hơn 12km đã được xây dựng, với tổng mức đầu tư hơn 351 tỷ đồng, trong đó 256 tỷ đồng từ ODA của EU và một phần vốn của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung.

Đổi thay khi đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu - Ảnh 2.

Đặt hệ thống cáp ngầm dẫn ra đảo Nhơn Châu.

Việc thi công đường cáp ngầm dưới biển là một trong những công việc phức tạp nhất của dự án. Ông Nguyễn Hùng Việt - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện nông thôn Miền Trung cho biết: Việc rải cáp dưới đáy biển được thực hiện bằng tàu chuyên dụng. Sợi cáp 10km được chất lên tàu, trên đó có bố trí các thiết bị rải cáp dưới đáy biển. Kỹ sư điều khiển từ trên tàu, dưới nước có  camera các hướng để căn chỉnh sợi cáp. Sợi cáp được đặt ở độ sâu 30m từ mặt biển, thêm 2m vùi sâu dưới cáp và đá để giữ ổn định.  "Khó khăn nhất là thời tiết biển không ổn định - ông Việt nói - Đi ra quãng giữa biển rất phức tạp, buổi chiều hay có giông. Tàu hoạt động phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thời tiết cực đoan là chịu".

Tuy nhiên việc thi công đã vượt tiến độ, ông Việt chia sẻ, đặc biệt tiến độ thi công lắp đặt cáp ngầm biển vượt trước 12 ngày. Với đường dây trung áp trên đất liền, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Phú Yên, Bình Định cho việc giải phóng mặt bằng, người dân chấp nhận giá đền bù cho những đoạn cáp đi qua vườn và đất trồng của họ. "Người dân hiểu mục tiêu của dự án là đưa điện ra đảo, đây là dự án quan trọng của quốc gia nên họ rất ủng hộ" - ông Việt nói. Sự quyết tâm của tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, với sự đồng thuận của người dân, đã khiến một dự án mang tầm vóc quốc gia được thực hiện với tiến độ "thần tốc", hoàn thành toàn bộ trong vòng 1 năm kể từ ngày phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Với việc hoàn thành cấp điện từ hệ thống điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển cho đảo Nhơn Châu, đã có 100% số huyện, 99,86% số xã và 99,4% số hộ nông thôn, miền núi, hải đảo thuộc phạm vi quản lý của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung được sử dụng điện lưới quốc gia.

Trên cả nước, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ tại lễ khánh thành, đã có 99,51% số hộ dân nông thôn có điện lưới và Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những nước thành công trong việc cấp điện cho người dân nông thôn. "Tuy nhiên vẫn còn một nhiệm vụ nặng nề: 850.000 hộ chưa được cấp điện, phần lớn là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo" - Thứ trưởng nói.

Đại sứ EU tại Việt Nam Georgio Aliberti:

EU ưu tiên hỗ trợ điện khí hóa nông thôn

Vì sao điện khí hóa nông thôn được EU dành ưu tiên cao và chiếm phần lớn trong tổng hỗ trợ ngân sách cho Việt Nam?

- Đối với chúng tôi đó là một ưu tiên bởi nó giúp cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình nông thôn, và qua đó giúp giảm nghèo và người dân có thể tự chủ hơn. Đối với chúng tôi điều đó rất quan trọng. Hỗ trợ này cũng gắn với các chương trình, hoạt động giúp xóa đói giảm nghèo của chúng tôi.

Chúng tôi biết là Chính phủ Việt Nam đã làm được rất nhiều nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng đáng tin cậy tới các hộ gia đình, nhưng phần khó khăn nhất chính là hỗ trợ tới những hộ cuối cùng, chiếm khoảng 1-2%. Chúng tôi ưu tiên điện khí hóa nông thôn cũng nhằm mục địch hiện thực hóa điều này.

EU đã hỗ trợ gì cho Chính phủ Việt Nam về điện khí hóa nông thôn?

- Đối với chúng tôi, năng lượng là một trong những lĩnh vực hợp tác chính. Trong những năm qua, chúng tôi đã tài trợ 250 triệu euro cho lĩnh vực này và trên 100 triệu euro đã được dành cho điện khí hóa nông thôn.

Ông nhìn nhận như thế nào về quá trình và kết quả của điện khí hóa nông thôn trong những năm qua?

- Việt Nam đã làm tốt và các bạn đã đầu tư rất nhiều và có những mục tiêu tham vọng nhằm đạt tới mức độ bao phủ 100% hộ dân. Hiện nay Việt Nam đã đạt gần tới mục tiêu này và chúng tôi rất vui mừng khi có đóng góp vào kết quả này. Hiện này đã đạt tới con số 99% và chỉ còn một bộ phần rất nhỏ. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã làm tốt, rất tích cực và quan tâm tới việc hoàn thành phần trăm cuối cùng đó.

Chính phủ cần phải điều chỉnh gì để đạt được mục tiêu trong ngắn hạn với một nguồn ngân sách hợp lý?

- Tôi nghĩ vấn đề chung ở đây là đảm bảo được nguồn vốn. Đây là một lĩnh vực đầu tư tốn kém. Vấn đề này có thể được xử lý thông qua việc tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân để họ tham gia vào. Ngoài ra có thể huy động các nguồn vốn quốc tế.

Một giải pháp nữa có thể là cấp điện qua lưới quy mô nhỏ, cấp điện ngoài lưới và nó gắn với năng lượng tái tạo. Đây có thể là một sáng kiến để đạt tới mục tiêu 100%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem