Nỗ lực cho điện từ vùng sâu tới hải đảo
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trước năm 2011, kết cấu hạ tầng điện nông thôn nước ta rất sơ sài, cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong giai đoạn 2011 - 2015, EVN đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu lưới điện trung áp và hạ áp nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển các nghề sản xuất và dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Có điện lưới quốc gia, đời sống nông dân, nông thôn nhiều nơi đã đổi thay mạnh mẽ. Ảnh: T.L
Mục tiêu đặt ra trong quy hoạch điện VII điều chỉnh là điện thương phẩm, điện sản xuất tăng trưởng lần lượt là 10,4%-10,1%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và 8%/năm cho giai đoạn từ 2021-2030 phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm giai đoạn 2016-2030. Nghĩa là điện thương phẩm năm 2020 đạt 228-245 tỷ kWh, năm 2025 đạt 337-379 tỷ kWh và đạt 456-506 tỷ kWh vào năm 2030.
|
Có được sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, EVN đã tiếp cận và làm việc với các nhà tài trợ quốc tế, đồng thời xây dựng các cơ chế điều hành, tổ chức quản lý và tăng cường nhân lực để đảm nhận vai trò chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA cho chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam như: Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam (REI) có tổng vốn đầu tư hơn 3.294 tỷ đồng cấp điện cho 976 xã với hơn 550.000 hộ dân; Dự án “Điện khí hóa nông thôn miền Nam” có tổng vốn đầu tư 395 tỷ đồng cấp điện cho 138 xã với 155.000 hộ dân…
Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay quốc tế, EVN chịu trách nhiệm đưa điện lưới quốc gia tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia, với tổng số vốn đầu tư lên tới 5.356 tỷ đồng.
Ngoài việc thực hiện đầu tư lưới điện nông thôn, trong giai đoạn 2011-2015, EVN còn tiếp tục tiếp nhận, quản lý vận hành lưới điện nông thôn từ các tổ chức, HTX địa phương tại 1.368 xã với 21.738km đường dây hạ áp; tổ chức đào tạo tại chỗ và bổ sung cán bộ công nhân viên chuyên nghiệp xuống các xã hỗ trợ chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng.
Bộ mặt nông thôn thay đổi
Thành công lớn trong thực hiện điện khí hóa nông thôn là đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, bảo đảm trật tự an ninh quốc phòng, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nông dân. Góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế các địa phương và tăng thu nhập cho các hộ dân. Tạo tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được cải thiện, nhiều công trình được đầu tư, xây dựng mới, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, điện, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế xã, chợ khu vực.
Bên cạnh đó, người dân còn được hưởng lợi từ việc xóa khoảng cách giá điện phụ trội, tiết kiệm nhiều tỷ đồng mỗi năm. Để làm được việc này, EVN phải nỗ lực thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý bán điện nông thôn trong nhiều năm ròng.
EVN xác định: “Điện đi trước một bước” vẫn là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam. Theo quyết định của Bộ Công Thương phê duyệt các dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015 - 2020, trong số 22 dự án mà EVN được giao đảm trách, có 21 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo từ lưới điện quốc gia và 1 dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) từ hệ thống điện lai ghép gió, mặt trời, diesel và lưu trữ năng lượng.
Mục tiêu của các dự án nhằm tiếp tục cung cấp điện cho 57 xã, 12.140 thôn, bản và 1.288.900 hộ gia đình sinh sống tại các bản, làng cực kỳ khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo, góp phần đảm bảo đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn có điện cũng như được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ.
Theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, 22 dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 11.730,8 tỷ đồng, ngoài 85% vốn do ngân sách trung ương cấp, EVN sẽ phải tự lo 15% vốn đối ứng, tương đương 1.759,6 tỷ đồng. Đây là áp lực lớn về tài chính. Để giảm áp lực cho Chính phủ, EVN đang nỗ lực huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia công tác nghiên cứu, đầu tư về năng lượng, kể cả các giải pháp tại chỗ như thủy điện nhỏ, sinh khối, biogas, điện gió, điện mặt trời... để tránh lãnh phí nguồn lực và tính hiệu quả kinh tế của dự án. Ông Thành khẳng định: Với những nỗ lực trong việc đầu tư và cải tạo các công trình điện, chắc chắn đến năm 2020, mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện hoàn toàn có thể đạt được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.