Đối thoại giữa các Bộ trưởng APEC và các CEO tập đoàn nông nghiệp

Khương Lực Thứ năm, ngày 24/08/2017 22:24 PM (GMT+7)
Chiều ngày 24.8, buổi đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng APEC và các CEO về sử dụng có trách nhiệm nguồn lực thúc đẩy sản xuất và kinh doanh nông nghiệp bền vững đã diễn ra tại Cần Thơ.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn tham dự và thảo luận cùng 25 đoàn với gần 150 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Hai chủ đề chính được các đại biểu thảo luận là: Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để đảm bảo sản xuất lương thực bền vững và lợi nhuận cao cho các đối tác trên toàn chuỗi; và đầu tư sản xuất lương thực và chế biến lương thực bền vững: Vai trò của khu vực công và tư.

img

Toàn cảnh cuộc đối thoại.

Ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu lương thực tăng

 Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các tài nguyên như đất, nước, biển và rừng đang trở nên ngày càng quý hiếm do tác động của tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng, xu hướng đô thị hóa diễn ra ở mọi nơi, gia tăng nhanh chóng cả về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan và cả những bất ổn khác đang thách thức tăng trưởng và phát triển của khu vực và toàn cầu khác”.

Theo Bộ trưởng, trong những năm qua, khu vực tư nhân đã chủ động tham gia một cách tích cực vào việc nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tự nhiên và con người nhằm đảm bảo sản lượng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh những nỗ lực đó là chưa đủ: chất lượng đất nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện, nguồn nước ngày càng khan hiếm, sản phẩm sản xuất ra hoặc sản phẩm khai thác vẫn bị thất thoát và lãng phí. Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, có trách nhiệm và tái tạo nguồn lợi đang được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết.

Ông Nathan Betele, Giám đốc phụ trách khu vực vùng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến khả năng sản xuất thực phẩm, có 11 cây trồng chính sẽ bị suy giảm năng suất,  đặc biệt một số suy giảm 50%. Trong khi đó, chúng ta cũng phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng với 2 tỉ người trên thế giới và vấn đề thất thoát, lãng phí lương thực, làm mất đi khoảng 11% GDP. Chính vì thế, theo ông  Nathan Betele, các nền kinh tế cần phải thay đổi, đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, khoa học, nhất là công nghệ mới, tiết kiệm nước, tăng năng suất cây trồng. “Chúng ta không chỉ đáp ứng nhu cầu thế giới về lương thực mà còn phải đạt mục tiêu chấm dứt nạn đói trên toàn cầu” – ông Nathan Betele nhấn mạnh.

Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng giám đốc Lavifood cho biết, ông đang điều hành một công ty chế biến để xuất khẩu ra quả ra thế giới. Trong chuỗi hoạt động của công ty, công nghệ được đưa lê vị trí hành đầu. Doanh nghiệp của ông đã đầu tư nhà máy chế biến hơn 70 triệu USD, tiêu chuẩn tiết kiệm nước, năng lượng. Công ty cũng mạnh dạn hỗ trợ nông dân giống tốt, công nghệ mới để nâng nao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập của nông dân, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

 Dù thành công là vậy, nhưng các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn khi doanh nghiệp phải kết nối với hàng nghìn, hàng triệu nông dân trong chuỗi giá trị của mình. Việc nâng cao năng lực của nông dân cũng là vấn đề được nhiều diễn giả đề cập đến. Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Australia chia sẻ, nước này đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới để hỗ trợ doanh nghệp, nông dân sử dụng tài nguyên bền vững, có trách nhiệm. Tuy nhiên, theo bà Anne Ruston, điều quan trọng nhất là tất cả các nghiên cứu đều mang lại ích cho nông dân tham gia như quản lý đất, nước tốt hơn, đảm bảo nông nghiệp bền vững, cải thiện hoạt động của nông dân.

img

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn khẳng định:  Việt Nam nhận thức sâu sắc 2 vấn đề: là quốc gia đang chịu ảnh hưởng BĐKH; thứ hai đất nước nông nghiệp truyền thống đang trong quá trình chuyển đổi gặp rất nhiều thách thức trong bối cảnh thị trường, nền kinh tế mở hoàn toàn.

Cùng quan điểm, bà Aruna Rachakonda – Tổng giám đốc Dekalb Việt Nam (Monsanto) cho rằng, để đạt được an ninh lương thực và phát triển bền vững cần hai nhân tố chính: Đổi mới công nghệ nông nghiệp và đổi mới chính sách nông nghiệp. “Nông dân luôn cần được đặt ở trọng tâm của mọi chiến lược và chương trình an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Điều hiển nhiên là nếu công nghệ không thể tới tay của nông dân thì công nghệ sẽ không thể tạo ra bất kỳ một tác động nào cả. Đó là lý do tại sao chúng ta cần chương trình hợp tác liên ngành và đa quốc gia nhằm tăng tốc độ đổi mới và ứng dụng công nghệ của nông dân tại các nền kinh tế APEC cũng như trên toàn thế giới. Chỉ khi đó, các thách thức về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu mới có thể được giải quyết kịp thời với tốc độ biến đổi không ngừng như hiện tại và trong tương lai” - bà Aruna Rachakonda.

img

Thứ trưởng BoojNNPTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại buổi đối thoại.

Thúc đẩy hợp tác công – tư theo chuỗi giá trị

Để sử dụng tài nguyên có hiệu quả, việc huy động hợp tác công – tư được nhắc đến như một giải pháp giúp phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Jean-Pierre Dawance, Giám đốc kỹ thuật - Nestle Việt Nam bày tỏ lo ngại khi “ít nông dân quan tâm làm việc ở các nông trường, trang trại, con cái của họ muốn đi Hà Nội, TP. HCM làm việc”. Vì thế, cách đây 5-6 năm, doanh nghiệp này đã chia sẻ tri thức tưới tiêu, bón phân, những thực hành nông nghiệp tốt nhất cho nhưng nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên. Nhờ các biện pháp cắt tỉa, tưới tiêu tiết kiệm, thay cây cà phê già cỗi bằng những cây mới, sau vài năm sản lượng cà phê đã tăng lên 40%. “Như vậy, chúng tôi đã tăng thu nhập cho nông dân 40% trong khi tiết kiệm 40% lượng nước tưới, giảm phát thải hơn 50%” - ông Jean-Pierre Dawance chia sẻ. Đây là một trong những mô hình thành công nhờ hợp tác công – tư, hiện mô hình này đang được mở rộng ra các mặt hàng khác như chè, hồ tiêu...

Phát biểu về định hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn khẳng định:  Việt Nam nhận thức sâu sắc 2 vấn đề: là quốc gia đang chịu ảnh hưởng BĐKH; thứ hai đất nước nông nghiệp truyền thống đang trong quá trình chuyển đổi gặp rất nhiều thách thức trong bối cảnh thị trường, nền kinh tế mở hoàn toàn. Do đó, Việt Nam khẳng định chỉ có sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ theo mô hình nông nghiệp xanh. Theo Thứ trưởng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành 2 chương trình hành động quan trọng về thích ứng với BĐKH và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện được những mục tiêu lớn trên, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi coi các doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là nhân tố quyết định thành công của liên kết chuỗi. Việt Nam có 14 triệu hộ nông dân làm nông nghiệp, có trên 70 triệu mảnh ruộng. Giai đoạn dựa vào hộ, không có liên kết giờ đã đến ngưỡng của sự phát triển, giờ quyết tâm đi vào phát triển bền vững”. Thứ trưởng cũng mong muốn thúc đẩy liên kết, hợp tác quốc tế để các bên hài hòa cơ chế, thể chế, nhất là vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, gỡ bỏ rào cản để tăng thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

An ninh lương thực và biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu trong các nền kinh tế APEC do những thách thức ngày càng gia tăng trong chuỗi sản xuất lương thực trên thế giới.  Chính vì thế, cuộc đối thoại lần này giữa các Bộ trưởng APEC và các CEO khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực cũng như những cam kết chung về việc tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung như an ninh lương thực, tình trạng khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem