Đời thuyền viên quốc tế và vật vã giấc mơ vượt biển

Thứ sáu, ngày 17/12/2010 18:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Thuyền viên làm việc thường không có giờ giấc, khi nào cai tàu cho ngủ mới được ngủ, vì vậy mà nhiều lần chặt cá, ngủ gật, tôi chặt cả vào tay mình...", một thuyền viên kể lại trong hãi hùng.
Bình luận 0

Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến nhiều thanh niên ở vùng biển ngang huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phải gác bút tìm đường đi xuất khẩu lao động, làm thuê cho các chủ tàu cá trên biển. Trong số ấy, nhiều người đã thực sự đổi đời nhưng cũng có không ít người phải chịu cảnh đói rét, đòn roi...

Giữ lao động bằng “nhà giam”

img
Nguyễn Xuân Tình vẫn còn sợ hãi khi kể về những lần găm mình trên boong tàu câu mực.

Về xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tìm các thuyền viên vừa xuất ngoại trở về không khó. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút, ông Kiều Sinh Bàn, thuộc lực lượng an ninh xóm Đồng Tiến đã dẫn chúng tôi đi một vòng qua nhà của 8 người trong xóm vừa về nước.

Mới đây (13-12), chiếc tàu cá Insung 1 của Hàn Quốc bị chìm ở vùng biển Nam Cực, có 11 thuyền viên Việt Nam gặp nạn, trong đó 7 người may mắn được cứu sống. Nhân sự kiện này, NTNN đã tìm gặp những thuyền viên từng làm việc trên tàu cá Hàn Quốc, Đài Loan để biết thêm những nẻo đường cơ cực mà họ đã trải qua...

Đến nhà Thiều Văn Phụng (SN 1990) nghe anh kể chuyện, không ai cầm được nước mắt. Qua Công ty Triện Mỹ ở thị trấn Kỳ Anh, Phụng làm thủ tục đi xuất khẩu lao động với Công ty Xuất khẩu lao động Vinamoto ở Hà Nội.

3 giờ sáng ngày 6-6-2010, Phụng tạm biệt gia đình đi xuất ngoại với hy vọng đổi đời. Bước chân xuống đất Đài Loan, Phụng được một người đàn ông ra đón, đưa vào một căn nhà xây kín mít, tối om, rồi đóng sầm cửa lại. Trong ngôi nhà đó có hơn 40 người Việt, có người đã ở đây hơn 40 ngày.

Nhắc lại 15 ngày sống bầy đàn ấy cho đến bây giờ, Phụng vẫn còn nổi da gà. Ngôi nhà này được xây ở một khu biệt lập với dân cư, trong một khuôn viên rộng và hoang vắng. Họ chia ra 2 khu tách biệt gồm có khu nhà dành cho lính canh và khu “nhà giam” lao động.

“Nhà giam” được thiết kế nhiều buồng tách biệt cho lao động người Việt, lao động Trung Quốc và Indonesia ở, có nhà vệ sinh khép kín. Còn ăn uống thì hôm được miếng thịt, hôm không, chủ yếu là ăn cá khô. Nếu đói muốn ăn, uống thêm thì bấm chuông, đưa tiền cho lính canh họ bán cho.

Nội quy trong “nhà giam” rất nghiêm ngặt, từ 0 - 9 giờ sáng không được bấm chuông mua gì, nếu ai vi phạm sẽ bị đánh. Sau 15 ngày chờ đợi trong “nhà giam”, ngày được ra ngoài đi làm, Phụng đã say ánh sáng đến sùi bọt mép...

Ba ngày đêm được ngủ 4 tiếng

img
Anh Thiều Sinh Hiếu chỉ ngón tay anh bị thương do ngủ gật chặt nhầm.

“Không nhớ rõ ngày cụ thể nhưng hôm đó vào khoảng cuối tháng 6-2010, em được họ dẫn ra một hải cảng lớn ở Đài Loan lên tàu Chinchun cùng 45 thuyền viên, trong đó có 6 người Việt đi biển Nhật Bản đánh cá” – đó là tất cả những thông tin Thiều Văn Phụng biết được trong chuyến hành trình 6 tháng lênh đênh trên biển.

Sau 7 ngày tàu đến vùng biển Nhật Bản, Phụng được phân công thả và kéo lưới. Những ngày đầu tiên chưa quen việc nên Phụng chỉ phải trực tàu và vá lưới.

Được khoảng 5 ngày, Phụng chuyển sang làm công việc thả và kéo lưới. Phụng bảo, đứng trên mũi tàu, gió và sóng đánh tả tơi nhưng chưa khổ bằng mất ngủ. Mỗi ngày thuyền viên như em chỉ được ngủ 1 tiếng, thậm chí có đợt 3 ngày đêm làm việc ròng rã nhưng chỉ được ngủ đúng 4 tiếng. Nếu đã báo thức mà còn cố ngủ hay những lúc còng mình kéo lưới quá lâu thấy mỏi có đứng thẳng lên một tý là bị đánh thâm đòn.

Làm việc quá mệt nhọc như thế nhưng ăn uống rất kham khổ, bữa ăn của các thuyền viên chỉ có 2 món, thời gian đầu còn có thịt đông lạnh, sau chỉ có mấy khúc cá và bát canh. Mặc dù cá nhiều, nhưng chủ không cho ăn. Cơm lúc sống lúc nhão nhoẹt vẫn phải cố nuốt, nếu không phải nhịn đói làm thâu ngày thâu đêm.

Cái ăn đã khổ, chịu khát còn khổ hơn, 5 ngày họ mới phát nước uống một lần. Phụng chảy nước mắt kể: “Có hôm em vừa nhận được một chai nước, trong lúc kéo lưới vô tình bị đổ thế là cả tuần đó không có nước ngọt đành phải uống nước biển”.

Còn đối với lao động Nguyễn Xuân Tình (SN 1976) đi làm thuê cho tàu Đông in 5 của Hàn Quốc đi câu mực ở vùng biển Ailen vừa về đầu năm 2010 kể lại: Cuộc sống của thuyền viên rất nguy hiểm mà ăn không được no, đồ mặc cũng rất sơ sài, nhiều lúc tím tái mặt mày phải làm việc cật lực cho toát mồ hôi ra.

Các chủ tàu cũng bóc lột tận cùng sức lao động của các thuyền viên, đặc biệt là thời gian, vì vậy mỗi ngày làm việc của thuyền viên đều từ 18 - 24 tiếng đồng hồ, thậm chí có tàu bắt thuyền viên làm 30 tiếng mới cho ngủ 2 giờ.

So với nhiều thuyền viên khác, anh Thiều Sinh Hiếu (SN 1969) ở xã Kỳ Khang may mắn hơn khi chỉ phải làm công việc mổ cá trên tàu 203 Jonguon Sanup của Hàn Quốc đi đánh cá ở vùng biển Nam Mỹ. Sau chuyến đi biển này, anh Hiếu dành dụm được 40 triệu đồng về quê xây nhà. Tuy nhiên, anh Hiếu bảo, bây giờ nghĩ đến đi tiếp anh vẫn thấy sợ.

Anh kể: “Thuyền viên làm việc thường không có giờ giấc, khi nào cai tàu cho ngủ mới được ngủ, vì vậy mà nhiều lần chặt cá, ngủ gật, tôi chặt cả vào tay mình. Còn vô vàn những cái khổ của đời thuyền viên nhưng cái khổ lớn nhất mà tui không chịu được là nhớ nhà, nhớ vợ con...”.

---------------------

Còn nữa

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem