Đối tượng cầm kéo tấn công cán bộ công an ở Gò Vấp có thể bị xử lý thế nào?

Chinh Hoàng Thứ ba, ngày 18/07/2023 12:19 PM (GMT+7)
Đối tượng Nguyễn Đức An (người cầm kéo tấn công cán bộ công an phường 15, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) khai, do nghe tiếng nói sai khiến, trong trạng thái mất kiểm soát nên đối tượng đã hành động như vậy. An trước đó có 3 tiền án tiền sự... Vậy tình huống pháp lý đối với đối tượng này ra sao?
Bình luận 0

Cầm kéo tấn công cán bộ công an do bị ảo giác bởi ma túy

Đối tượng Nguyễn Đức Anh (42 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) đã bị Công an quận Gò Vấp tạm giữ để làm rõ hành vi cầm kéo tấn công cán bộ công an trực ban phường 15 - đại úy Đặng Ngọc Huy.

Đối tượng cầm kéo tấn công cán bộ công an ở Gò Vấp có thể bị xử lý những trường hợp nào? - Ảnh 1.

Nguyễn Đức Anh cầm kéo cán bộ công an trực ban phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM hôm 15/7. Ảnh: Cắt clip

Đối tượng An khai với công an: "Do tiếng nói trong đầu sai khiến nên tôi mang kéo đi tấn công cán bộ công an".

Công an quận Gò Vấp cho hay, đối tượng An đã có 3 tiền án, tiền sự về tàng trữ trái phép chất ma túy, cướp giật tài sản và cố ý gây thương tích. Ngoài ra, An từng có tiền sử nghiện ma túy nặng và phải đi cai nghiện nhiều lần nhưng không thành công và bị nhiễm HIV.

Từ lời khai của An, theo cơ quan công an, nguyên nhân của hành vi côn đồ trên có thể do ảo giác ma túy. Công an quận Gò Vấp đang củng cố hồ sơ, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Tình huống pháp lý đối với đối tượng cầm kéo tấn công cán bộ công an

Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 53 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Hình ảnh đối tượng cầm kéo liên tục lao vào tấn công cán bộ công an trực ban phường 15 quận Gò Vấp, TP.HCM. Clip: M.H

Tái phạm nguy hiểm là đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm.

Vẫn theo luật sư Tuấn, quy định tại điều 9, BLHS 2015, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 7 năm đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

"Đối với trường hợp của người đàn ông xông vào trụ sở công an phường, dùng kéo tấn công cán bộ trực ban trước đó và đã có 3 tiền án, tiền sự thì phải xác định trước đó người đàn ông ấy đã phạm tội gì, có phạm vào tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng không hoặc có phạm tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng nhưng đã xoá án tích chưa trước khi áp dụng tình tiết tăng nặng "tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm", luật sư Tuấn phân tích.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem