Nữ sinh bị cô giáo cắt tóc giữa lớp, chuyên gia nói "không phải thấy ngứa mắt là cầm kéo cắt"

Tào Nga Thứ năm, ngày 23/03/2023 08:40 AM (GMT+7)
Vụ nữ sinh Vĩnh Phúc bị cô giáo cầm kéo cắt tóc mới đây đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Các chuyên gia cũng như nhà giáo dục đã đưa ra quan điểm sau vụ việc này.
Bình luận 0

Vụ nữ sinh Vĩnh Phúc bị cô giáo cầm kéo cắt tóc: Học sinh có được nhuộm tóc?

Ngày 22/3, vụ nữ sinh Trường THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc bị cô giáo cầm kéo cắt tóc ngay giữa lớp khiến dư luận xôn xao. Trong clip được lan truyền trên mạng xã hội, nữ sinh này mặc đồng phục, có bộ tóc khá dài và bị cô giáo bắt đứng trước lớp. Cô giáo này liên tiếp đưa ra lời khiển trách nữ sinh. Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi nữ giáo viên tầm trung tuổi này cầm kéo cắt tóc nữ sinh nhiều lần.

Sau khi vụ việc được chia sẻ rầm rộ đã nổ ra 2 tranh cãi trong dư luận. Có ý kiến cho rằng, nếu học sinh vi phạm nội quy nhà trường thì trước hết phải nhắc nhở rồi đến kỷ luật mời phụ huynh. Nếu vẫn không nghe có thể đình chỉ học. Dù cho có là giáo viên hay là gì đi chăng nữa thì cũng không có quyền xâm phạm đến cơ thể của người khác. Ở chiều ngược lại, nhiều người mà chủ yếu là phụ huynh đồng tình với hành động của cô giáo.

Vụ nữ sinh Vĩnh Phúc bị cô giáo cầm kéo cắt tóc: Không phải thấy "ngứa mắt" cầm kéo cắt - Ảnh 1.

Nữ sinh Vĩnh Phúc bị cô giáo cầm kéo cắt tóc. Ảnh cắt từ clip

"Hy vọng phụ huynh sẽ hiểu được lòng của người làm cô giáo. Con nhỏ mà bố mẹ cũng để cho nhuộm tóc như thế này được thì dễ dãi quá. Phải để các cô uốn nắn cho thành người" hay "Chắc sẽ nhiều tranh cãi, nhưng ở quan điểm của tôi thì ủng hộ vì học sinh kia cũng chẳng phải ngoan hiền gì. Cứ chấp hành đúng quy định thì không ai phải động đến, hơn nữa cô giáo cũng đã nhắc nhở nhiều lần rồi"...

Vậy cô giáo cầm kéo cắt tóc học sinh giữa lớp là sai hay dễ thông cảm? 

Theo tìm hiểu, trong Thông tư 32 năm 2020 của Bộ GDĐT về Điều lệ trường THCS, THPT ghi rất rõ về hành vi, ứng xử, trang phục của học sinh nhưng không có nội dung nào cấm học sinh nhuộm tóc hay đánh son, sơn móng. 

Cụ thể như Khoản 2 Điều 36 về Hành vi ứng xử, trang phục của học sinh có 2 nội dung là hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của học sinh phải đúng mực, tôn trọng, lễ phép, thân thiện, bảo đảm tính văn hoá, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.

Về trang phục của học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tùy điều kiện của từng trường, hiệu trưởng có thể quyết định để học sinh mặc đồng phục nếu được nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nhất trí.

Hay với 7 khoản Điều 37 về các hành vi học sinh không được làm cũng không có ý nào nói về việc cấm học sinh nhuộm tóc. Nhưng thực tế, nhiều trường trên cả nước đã đưa yêu cầu về nhuộm tóc, thoa son trong nội quy.

Trước đây, đã có nhiều vụ việc gây tranh cãi khi trường có nội quy không nhuộm tóc, và thậm chí có trường hợp giáo viên cắt tóc học sinh:  Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển ban hành nội quy năm học 2022-2023, trong đó cho phép học sinh thoa son, nhuộm tóc không loè lẹt, khác biệt, hay vụ không đồng ý với kiểu tóc của học trò, cô giáo chủ nhiệm Trường THCS Quang Trung, TP.Nam Định (Nam Định) đã cắt tóc nam sinh trên lớp học, khiến gia đình bất bình; vụ một học sinh lớp 9 trường THCS Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cắt kiểu tóc "khác biệt" bị hiệu trưởng đuổi về nhà... 

"Bản chất con người thể hiện thông qua việc làm chứ không nhìn qua vẻ bề ngoài"

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về vụ việc, ông Nguyễn Việt Hà, đại diện Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: "Quy định của ngành là học sinh đi học phải giữ đầu tóc gọn gàng. Nếu học sinh vi phạm thì giáo viên có nhiều cách để thông tin, đôn đốc, nhắc nhở đến học sinh.

Trong trường hợp này, cô giáo đã phối hợp cùng gia đình học sinh từ sau Tết Nguyên đán. Bản thân em học sinh cũng nhờ bạn cắt tóc vàng đi rồi nhưng vẫn còn sót lại. Tuy nhiên, việc giáo viên cầm kéo cắt tóc học sinh là sai bởi giáo viên không có nhiệm vụ làm như vậy".

Thầy Lê Quốc Châu, giáo viên Trường THPT Cù Huy Cận, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh mới đây cũng rơi vào tình huống tương tự khi học sinh cắt tóc hình máy bay. Thầy Châu cho biết: "Em học sinh này sau đó đã hứa khi tóc tốt thì đi cắt và nói rằng nếu là thầy cô khác sẽ phạt em nhưng thầy lại khác. Đây là một kỷ niệm cuối cấp THPT đáng nhớ của em ấy".

Thầy Châu tiết lộ, trong nhiều năm đứng bục giảng, thầy thỉnh thoảng có gặp trường hợp học sinh cá biệt, nhất là ở các lớp thường chứ không phải lớp chọn: "Cách xử lý của mình là tìm hiểu rõ nguyên do và thường xử lý nhẹ nhàng, yêu thương, đôi khi khôi hài một chút".

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội chia sẻ ý kiến: "Cô giáo cầm kéo cắt tóc của học sinh là hành động thô bạo, mà đằng này lại cắt trước mặt cả lớp ".

Thầy Khang cũng cho biết, hiện nay có 2 luồng quan điểm là để học sinh thể hiện cá tính của mình qua đầu tóc, quần áo, son môi và một quan điểm đã là môi trường sư phạm phải chuẩn mực. Để rành mạch thắng thế quan điểm nọ với quan điểm kia là rất khó.

Theo thầy Khang, bản chất con người thể hiện thông qua việc làm chứ không nhìn qua vẻ bề ngoài. Học sinh ăn mặc, đầu tóc thể hiện cá tính trong trường là điều có thể chấp nhận được, miễn sao các em thể hiện thái độ học tập nghiêm túc, chăm ngoan, giỏi giang".

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh thì cho rằng: "Khi muốn đưa trẻ vào khuôn khổ về ăn mặc, đầu tóc, phải dựa theo quy định của trường, của lớp chứ không phải thấy "ngứa mắt" là cầm kéo cắt".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem