Đôi vợ chồng mê muội và đứa con bị án “ma rừng”

Ngọc Tấn - Đức Nhuận Thứ sáu, ngày 20/06/2014 07:19 AM (GMT+7)
Chiều 22.5.2014, tiếng reo “con Y Nôn đã về” khiến cả làng Nước La (thôn Kon Xủ, xã Đăk Gloong, huyện Kon Plông, Kon Tum) như đụng phải hòn than nóng… Thầy cúng nói Y Nôn đã bị con ma  ăn hết ruột gan, phải bỏ ra rừng mà bác sĩ vẫn làm cho nó sống được ư? Khó tin trong bụng quá nên dân làng phải tới coi thử… 
Bình luận 0

Thật như cái bàn tay bên mình. Con Y Nôn không những hết bệnh mà lại còn mập, trắng ra nữa!

Trăm ngày làm kiếp “ma rừng”

“Nó bị bệnh vào con trăng nào mình không nhớ, chỉ biết cũng lâu lâu rồi. Nhưng thấy nó ngày ngày vẫn đi học nên mình cứ nghĩ chẳng sao. Cho đến khi.” - Y Đương mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng giọng lí nhí, ngượng ngùng.

Ngồi bên là cô bé Y Nôn cặp mắt mở to không chớp nhìn người mẹ vừa đáng thương vừa đáng giận. Trong đôi mắt trong trẻo kia, tôi vẫn còn đọc thấy nỗi hãi hùng của một cô bé mới 11 tuổi đã phải trải qua cuộc sống cô độc giữa rừng gần 4 tháng trời…

Câu chuyện thấm đẫm nước mắt bắt đầu vào khoảng tháng 12 năm ngoái. Y Nôn bấy giờ đang học lớp 5 trường làng. Dù đột nhiên thấy da nổi lên từng đám mụn rồi vỡ ra chảy nước, Y Nôn vẫn cố ngày ngày đến lớp. Cho đến một hôm các bạn ngồi gần không chịu nổi mùi hôi và mách cô giáo, Y Nôn mới xấu hổ nghĩ học.

Thấy em bỏ học vì căn bệnh lạ, nhà trường thông báo cho chính quyền xã biết để đưa xuống bệnh viện huyện điều trị. Vừa được một tuần, Y Đương bỗng nhiên nằng nặc đòi đưa con về. Mọi lời giải thích của các bác sĩ cứ như nước đổ lá khoai. Và rồi nhân đêm khuya vắng, Y Đương đã lén đem con trốn viện…

Thì ra là từ cái hôm nghe lén được con bị “bệnh lạ”, bụng Y Đương đã như bị ai móc hết ruột gan. Dù con đang nằm viện nhưng Y Đương vẫn quyết phải đi nhờ thầy cúng. Sau khi nghe Y Đương kể, “thầy” lụ khụ đứng lên lấy ra một quả trứng gà.

Chẻ đôi quả trứng đổ vào bát, thầy đưa cặp mắt lờ đờ săm soi một hồi rồi phán: Thế này là con Y Nôn bị ma rừng nó ám vào người rồi. Bác sĩ không đuổi được nó đâu. Phải đưa con mày về đây, làm thịt heo, gà mà cúng thì may ra… “Thầy nói đúng quá, không thế sao người ta lại nói “bệnh lạ”?... Y Đương nghĩ vậy. Thế là suốt hơn một tuần, 7 con heo lớn, 7 con gà lần lượt “ra đi”.

Thầy cúng khấn con ma rừng đến mức đeo cả cục bọt bên khóe miệng mà bệnh Y Nôn cũng chẳng thấy đỡ chút nào. Cuối cùng “thầy” thở hắt: Thế này là con ma rừng nó không chịu ăn heo, gà mà chỉ muốn con Y Nôn thôi. Vợ chồng mày đem nó ra rừng mà giao cho con ma. Để nó trong nhà, con ma sẽ ăn sang người khác đấy (!).

Vợ chồng Y Đương muốn bật khóc nhưng một lời đã tin thầy, ba bảy lời cũng phải theo… Sáng hôm sau khi con gà chưa thức dậy, vợ chồng đã dắt Y Nôn vào cánh rừng cách nhà khoảng 1 km. Dựng vội căn lều, kê chiếc sạp nứa và đặt cho con cái bếp xong, Y Đương bảo: Mày hãy ở đây, khi nào lành bệnh mới được về nhà. Ngày ngày anh mày sẽ mang cơm ra cho…

… Một cô bé mới 11 tuổi, bơ vơ trong căn lều giữa chốn rừng già, có lẽ nỗi hãi hùng quá khủng khiếp nên Y Nôn không biết phải diễn tả thế nào. Nhưng rồi chắp nối từng chi tiết rời rạc qua sự hồi tưởng non nớt, cô bé cũng cho chúng tôi một câu chuyện đầy cảm thán.

Đêm đầu tiên giữa rừng, Y Nôn không thể nào chợp mắt. Nhiều lần em phải cắn môi đến bật máu để ghìm tiếng khóc. Chất bao nhiêu củi vào bếp, Y Nôn vẫn thấy chưa đủ sáng, chưa đủ xua bóng tối vây bủa căn lều…

Những ngày kế tiếp, dù nỗi sợ hãi có vơi dần, nhưng hàng đêm cứ con gà rừng cất tiếng gáy đầu là Y Nôn đã dậy co ro bên bếp lửa, lòng ngổn ngang với những gì mà em không bao giờ nghĩ là có thể xa lìa: Tiếng cười trong trẻo đầy sân trường của các bạn; tiếng giảng bài trầm ấm, thân thương của cô giáo…

Con ma rừng ở đâu, em chưa bao giờ thấy; sao nó lại nỡ hại em, bắt em phải xa cha mẹ, thầy cô, bạn bè? Nghĩ tới “con ma rừng”, Y Nôn lại co rúm người. Em có cảm giác cây cối xung quanh lều là những chiếc nanh của nó đang chìa ra chực ngoạm lấy mình. Nhiều lần Y Nôn phải hét thật to lên cho đỡ sợ.

Nhưng không chỉ được yên ổn với những dằn vặt tội nghiệp. Căn bệnh của em cứ mỗi ngày mỗi nặng thêm. Liên tiếp những mảng mủ trồi lên rồi vỡ ra khiến cơn đau cứ luôn giằng xé trên cơ thể. Để chống lại, Y Nôn chỉ còn biết lấy tro nóng rắc lên như mẹ em làm cho lúc ở nhà. Cũng đỡ ngứa ngáy một lúc nhưng rồi tro khô, cả người em cứ cứng đờ như mặc áo vỏ cây…

Một hôm cảm thấy lớp tro dày quá ngứa, Y Nôn tò mò bóc ra và em kinh hoảng phát ngất: Dưới mảng tro là những đám dòi bò lúc nhúc… Từ hôm đó, cứ mỗi sáng, công việc đầu tiên của Y Nôn là khều dòi cho đến lúc anh trai A Nổ mang cơm đến.

A Nổ lớn hơn Y Nôn một tuổi. Cứ mỗi lần mang cơm vào, Y Nôn lại khóc đòi anh đưa về nhà nhưng nhớ lời mẹ dặn em gái đã bị ma rừng ăn, A Nổ chỉ biết nuốt nước mắt lắc đầu.

Và cuộc giải cứu…

Buổi sáng hôm ấy, mặt trời đã vượt khỏi núi hơn một con sào mà Y Nôn vẫn chưa dậy. Cơn sốt giữa đêm làm em ngủ li bì. Giữa con mê, Y Nôn chợt nghe văng vẳng tiếng người… Em cố mở mắt, và quả nhiên xung quanh mình đang có rất nhiều người. Y Nôn dụi mắt, bàng hoàng không hiểu chuyện gì.

Thì ra sáng nay xã ĐăK Gloong ra quân làm đường giao thông. Dù vợ chồng Y Đương cố giấu việc mang con bỏ rừng nhưng làng Kon Xủ vẫn có người biết. Nghe lời bàn tán xầm xì, Bí thư Đảng ủy xã Võ Thị Lễ đang có mặt liền gặng hỏi. Rõ chuyện, chị lập tức yêu cầu người nhà Y Đương dẫn đường. Đến nơi ai nấy đều không cầm được nước mắt trước một hình hài như bọc bằng tro than và tiếng “dạ” thều thào không ra tiếng. Bí thư Lễ gọi điện thoại cho xe cấp cứu…

Nhưng cũng lúc này cái tin Y Nôn đang được đưa đi bệnh viện lần nữa chẳng biết ai truyền đã đến tai vợ chồng Y Đương. Như bị bắt nắm trong tay hòn lửa, hai vợ chồng cứ nhảy dựng lên: “Thầy bói nói con mình bị ma rừng ăn hết ruột gan rồi, có chữa cũng vô ích”. Rồi mặc cho mọi lời giải thích, cả hai cứ sấn vào giằng Y Nôn lại. “Bắt tù vợ chồng nó đi”.

Lời dọa “bắt tù” của ai đó cuối cùng đã tỏ ra hiệu lực. Đôi vợ chồng mê muội như bị dội gáo nước lạnh. Họ buông tay và đưa cặp mắt đờ đẫn nhìn theo chiếc xe cấp cứu xa dần.

Y Nôn đã nhỡ học một năm. Có thông tin là chính quyền đang có ý định đưa em ra ở hẳn tại điểm trường trung tâm, vừa để tiện cho việc học, vừa có điều kiện theo dõi sức khỏe… Quả là việc nên làm. Y Nôn đang cần một khoảng cách để xóa đi ám ảnh những ngày khủng khiếp. Và cả cha mẹ em nữa, xem chừng sự thức tỉnh hai đầu óc mê muội cũng chỉ mới là những tia sáng ban đầu.
Tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum, các bác sĩ chẩn đoán Y Nôn mắc bệnh viêm da nhiễm trùng toàn thân cộng với hoại tử cơ, cơ thể suy kiệt nặng. Để có điều kiện điều trị phù hợp hơn, Y Nôn được chuyển xuống Bệnh viện Da liễu Quy Hòa. Tại đây, các bác sĩ kết luận em bị Pemphigus valgaris mãn tính – một căn bệnh hiếm gặp, dễ điều trị nhưng cũng rất dễ tái phát.

Trong những ngày Y Nôn nằm viện, câu chuyện thương tâm về em đã lan khắp tỉnh. Nhiều tấm lòng hảo tâm đã chuyển đến Sở VHTTDL Kon Tum (đơn vị kết nghĩa với xã Đăk Gloong) 96 triệu đồng để giúp em chữa bệnh. Cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã cũng quyên góp được 10 triệu đồng. Ngoài ra Y Nôn còn được xã tặng một sổ tiết kiệm 5,5 triệu đồng. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được xã cất giữ cho em…

Vậy là câu chuyện đầy bi kịch cuối cùng đã kết thúc có hậu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem