Điều này là có cơ sở bởi thiệt hại về sản xuất, chăn nuôi của người dân ở đây hết sức nặng nề.
Đòi bồi thường cao nhất: 220 triệu đồng
Một trong những hộ vừa mới nộp đơn vào sáng 11.8 là ông Út Méo, ở ấp 2 (xã Tam An, huyện Long Thành) cho biết: Gia đình ông có 3 sào trồng cây ăn trái ở sát vàm mương rạch Bà Chèo đã bị nước thải tràn vào ngay sau khi nhà máy đi vào hoạt động. “Đến nay là 5 năm trên đất không có bất kỳ một cây trồng nào còn sống sót, trừ cỏ dại... Do vậy, việc tôi viết đơn kiện đòi bồi thường không có gì khó hiểu” - ông Út Méo bức xúc cho biết.
|
Người dân tại ấp 2, xã Tam An làm đơn kiện đòi bồi thường. |
Hộ ở kế bên nhà ông Út Méo là bà Nguyễn Thị Tùng có 4 sào trồng mít, sầu riêng và chôm chôm cũng bị nhiễm độc trụi lá, héo và chết dần từng năm. Riêng vật nuôi do ô nhiễm cũng còi cọc, chết gần hết. “Gia đình tôi vay ngân hàng 10 triệu đồng để nuôi 100 con vị đẻ. Do nước thải của công ty đổ ra ruộng nên đàn vịt của gia đình thi nhau chết, cây trái trong vườn thất thu, không biết tìm đâu ra để trả ngân hàng"- bà Tùng than thở.
Một số hộ bị thiệt hại lớn đã viết đơn đòi bồi thường với số tiền khá cao, như hộ ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp 1, yêu cầu bồi thường đến 155 triệu đồng. Ông Sơn nói chi tiết: Thiệt hại về cây sầu riêng của gia đình do nước thải của Công ty Sonadezi là 35 triệu đồng, cây dâu 20 triệu đồng, vịt đẻ chết thất thu 100 triệu đồng.
Hoặc như hộ ông Nguyễn Văn Sĩ, ở ấp 1, yêu cầu bồi thường gần 170 triệu đồng. Theo ông Sĩ, thiệt hại về cây bưởi đường do ô nhiễm là 36 triệu đồng, cây sầu riêng 30 triệu đồng, cây mận 13 triệu đồng, cây xoài 10 triệu đồng, cây dâu 9 triệu đồng, các loại cây khác 5 triệu. Ngoài ra, ông còn yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại vật nuôi như tôm, cá, gà và vịt đến 65 triệu đồng.
Ông Huỳnh Ngọc Trai-Chủ tịch Hội ND xã Tam An cho biết: Đến 6 giờ chiều ngày 11.8, người dân ở vùng bị thiệt hại thuộc khu vực hai bên rạch Bà Chèo và vùng lân cận đã dồn dập lên xã nộp thêm gần 30 đơn kiện đòi bồi thường, nâng tổng số đơn kiện từ 40 vào chiều hôm trước lên gần 70 đơn. Trong đơn, hầu hết người dân yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi và hoa màu các loại bị thiệt hại từ 4-5 năm nay. Đơn kê khai đòi bồi thường thiệt hại lớn nhất là 220 triệu đồng.
100 hộ bị thiệt hại
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Ngẫu-Chủ tịch Hội ND huyện Long Thành cho biết: Qua kiểm tra sơ bộ cho thấy thiệt hại nặng nhất do Công ty CP Sonadezi Long Thành gây ra là các hộ dân thuộc ấp 1 và ấp 2, xã Tam An. Ước tính, phải đến hơn 100 hộ dân tại khu vực này bị thiệt hại về cây trồng vật nuôi, có người còn bị thiệt hại về nghề đánh bắt tôm, cá là nghề chính mưu sinh của họ từ lâu đời...
“Công ty nhà nước đáng lẽ phải đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường nhưng lại vi phạm. Đây là hành động coi thường pháp luật, cần xử phạt nặng", luật sư Nguyễn Văn Hậu, người từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho người dân trong vụ Vedan cho biết. Cũng theo luật sư Hậu vụ việc Sonadezi có thể coi là vụ Vedan thứ hai, cần phải xử lý thật nghiêm để làm gương cho các doanh nghiệp bởi vì là một doanh nghiệp nhà nước mà ý thức bảo vệ môi trường rất kém, ngoài ra nếu cần có thể truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp.
Theo ông Ngẫu, đến thời điểm này chưa có chỉ đạo cụ thể nào từ cấp trên về giải quyết đơn kiện của dân. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định tình hình, Đảng ủy và UBND xã Tam An đã giao cho Hội ND xã tiếp nhận đơn của dân từ ngày 8.8.
Ông Nguyễn Văn Ngẫu cho biết: “Nếu các cấp có thẩm quyền giao cho Hội Nông dân làm đầu mối để xử lý vụ việc giống như đã giao xử lý vụ đòi Công ty Vedan bồi thường thiệt hại, chúng tôi sẽ thực hiện. Theo đó, chúng tôi sẽ cùng với các ngành chức năng ở địa phương xác định đơn của người kiện có nằm trong vùng do công ty này xả thải gây ra hay không. Sau đó, Hội cùng với các ngành chức năng xác định thiệt hại cụ thể của từng loại cây trồng vật nuôi, từng ngành nghề, thời gian đánh bắt thuỷ sản... của từng hộ.
Khi xác định được tổng hợp giá trị, số hộ, diện tích, phương tiện bị thiệt hại, Hội sẽ đứng ra làm đầu mối cùng các ngành có liên quan đàm phán với đơn vị gây ra thiệt hại. Nếu không thoả thuận được sẽ tiếp tục các bước tiếp theo như Tổ chức Hội ND đã làm với Công ty Vedan”.
Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.