Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Người dân diễn diễu mô hình khổng lồ đón Trung thu sớm ở Tuyên Quang. Clip: Trung Hiếu
Dù còn nửa tháng nữa mới tới Tết Trung thu, tuy nhiên tại các tuyến đường quanh thành phố Tuyên Quang đã đặc kín những mô hình trung thu khổng lồ với nhiều hình dáng độc lạ, muôn vàn màu sắc, âm thanh. Người dân sinh sống tại đây cho biết, một tháng trở lại đây, vào mỗi buổi tối, họ lại cùng xuống đường rước đèn khổng lồ đón Trung thu sớm.
19 giờ tối, ngay sau giờ ăn cơm, anh Trần Ngọc Nam (xã Lưỡng Vượng, Tuyên Quang) cùng cháu gái tới khu vực trung tâm thành phố để xem các mô hình diễu hành. Anh Nam chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ đi vào khung giờ này là sớm và có thể dễ dàng chọn một vị trí ‘đắc địa’ để đứng xem. Tuy nhiên, tôi không ngờ khi tới nơi thì mọi lối đi vào khu vực diễu hành đã chật kín, cựa quậy người còn khó chứ đừng nói tới việc di chuyển”.
Khi được hỏi về điều khiến bản thân ấn tượng nhất lúc xem các mô hình được diễu hành trên phố, anh Nam cười đáp: “Tất nhiên đầu tiên là tôi thấy bị cuốn hút bởi ý nghĩa đằng sau mỗi mô hình, từ Thánh Gióng cưỡi ngựa, cá chép hóa rồng... hay Hai Bà Trưng cưỡi voi, mô hình nào cũng rất đẹp và thể hiện thành quả lao động cần mẫn của những người dân chế tác ra nó”.
Anh Nam tiếp lời: “Ngoài ra, mỗi buổi diễu hành còn là một bữa tiệc âm nhạc, ánh sáng sôi động. Người đứng trên mô hình và người xem cùng hòa mình vào những điệu nhảy ngẫu hứng, từ trẻ con đến người có tuổi đều ‘cháy’ hết mình. Tôi thấy lưng áo ai cũng thấm đẫm mồ hôi nhưng luôn nở một nụ cười thật tươi trên môi”.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, nhờ một số lượng lớn người tới vui chơi hàng ngày, các loại hình dịch vụ như bán hàng lưu niệm, đồ ăn uống... cũng trở nên đắt khách.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ một hàng nước tại gần khu vực diễu hành của các mô hình tại thành phố Tuyên Quang phải huy động thêm hai người nhà ra bán hàng vào khung giờ cao điểm mỗi buổi tối. Chị nói: “Thời điểm này, lượng khách của tôi phải tăng lên từ 30 - 40% so với ngày thường. Tuy nhiên, giá các mặt hàng tôi bán ra cũng không chênh lệch so với ngày thường là bao”.
Tương tự chị Tuyết, do tình hình mua bán những ngày gần lễ hội diễn ra hết sức nhộn nhịp nên chị Phan Thị Thủy - một chủ cửa hàng tạp hóa tại trung tâm thành phố Tuyên Quang cũng phải “luôn chân luôn tay”. Chị Thủy cho biết: “Khung giờ bán hàng cao điểm những ngày gần đây là từ 18 giờ tối tới 22 giờ tối. Nhiều người đưa cả gia đình đi xem các mô hình và mua đồ ăn nhẹ, nước uống, quạt mini để chống nóng… nên các mặt hàng này bán rất chạy”.
Vừa gói đồ cho khách, chị Thủy vừa tâm sự: “Những ngày này gia đình tôi phải sắp xếp ăn cơm từ sớm, một phần để lấy sức bán hàng buổi tối, một phần vì nếu để ăn muộn thì chắc cứ cầm bát đũa lên lại phải bỏ xuống ngay để đi bán hàng cho khách” (cười).
Vừa hòa mình nhảy múa và cổ vũ trong dòng người đến xem mô hình, anh Nguyễn Thành Hiếu (22 tuổi, Phan Thiết) vừa livestream (phát trực tiếp) cho bạn bè xem khung cảnh Trung thu sớm tại Tuyên Quang. Anh Hiếu cho biết, nhóm bạn thân lớp Đại học của anh gồm có 5 người đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Tuy nhiên, dịp nghỉ lễ 2/9 này mỗi người đều có lịch trình riêng nên không thể cùng anh đón trung thu sớm tại Tuyên Quang. Do đó, anh Hiếu đã dùng cách livestream để lan tỏa không khí Tết Trung thu Tuyên Quang đến những người bạn thân.
“Mình cho rằng đây chính là một nét đẹp trong văn hóa tại vùng đất quê hương mình, những mô hình đèn trung thu khổng lồ tại Tuyên Quang dịp rằm tháng Tám âm lịch là sản phẩm du lịch độc đáo và mình rất mong muốn có thể lan tỏa tới nhiều bạn bè của mình trên khắp mọi miền đất nước cùng biết tới, sau đó là trực tiếp tới trải nghiệm”, anh Hiếu nói thêm.
Qua phản ánh của người dân, không ít người bị mất tài sản cá nhân trong quá trình xem diễn diễu mô hình Trung thu tại thành phố Tuyên Quang những ngày gần đây.
Chị Nguyễn Trà My (Hưng Thành, Tuyên Quang) cho biết, vào ngày thứ hai của kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay, chị cùng một người bạn hòa mình vào dòng người đón Trung thu sớm trên đường phố. Dòng người chật kín bốn phía xung quanh, bạn của chị My lại đeo túi xách phía sau lưng. Trong túi xách có một chiếc ví chứa 200.000 đồng tiền mặt, các loại thẻ ngân hàng, căn cước công dân và giấy phép lái xe. Đến khi ra về, bạn của chị My mới phát hiện chiếc ví đã bị mất”.
“Sau đó, bạn của mình đã rất hoảng loạn, bạn ấy nói rằng tiền mất là một chuyện, nhưng các giấy tờ thì rất quan trọng, đặc biệt là căn cước công dân, bạn mình sắp tới cần sử dụng nó trong quá trình xét tốt nghiệp Đại học, nhưng giờ bị mất nên bạn đang rất lo lắng, không biết có kịp làm lại để ra trường đúng hạn hay không?”, chị My kể lại.
Còn anh Nguyễn Tiến Hưng (28 tuổi, kinh doanh tự do) lại chia sẻ một câu chuyện đáng buồn khác. “Khi lượng người trên phố quá đông, các mô hình phải dừng lại một chỗ để chờ di chuyển, lúc này tôi có lấy điện thoại ra để ghi hình lại một số mô hình độc đáo của các tổ dân phố khác. Quay, chụp được một lúc thì tôi đút điện thoại vào túi quần bên hông. Một lúc sau, khi di chuyển được tiếp thì tôi có cảm giác có người chạm vào phần túi quần của tôi”.
“Lúc đó, tôi chủ quan cho rằng, do mọi người chen chúc nhau di chuyển nên không tránh được va chạm vào người nhau. Tuy nhiên, khi kiểm tra thấy túi quần trống rỗng, tôi mới ‘tá hỏa’ rằng bản thân đã bị mất điện thoại”. Anh Hưng nhận định, các đối tượng chủ yếu lợi dụng tình trạng chen lấn, xô đẩy tại khu vực diễn diễu để ra tay lấy đồ đạc của người khác rồi nhanh chóng tẩu tán cho đồng bọn.
Sau khi câu chuyện trên xảy ra, anh Hưng chia sẻ, bản thân anh đã rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình tham gia diễn diễu các mô hình để tránh gặp phải tình trạng bị mất cắp đồ. “Bài học mà tôi có được là phải hạn chế mang theo nhiều tiền hay các món đồ có giá trị. Những đồ quan trọng như điện thoại hay giấy tờ tùy thân cần phải cất giữ thật kỹ khi di chuyển và đặc biệt phải thường xuyên kiểm tra xem đồ của mình còn hay mất?”.
“Tôi nghĩ việc thường xuyên kiểm tra đồ đạc của bản thân rất quan trọng vì nếu bị mất tài sản nhưng phát hiện được sớm thì sau khi trình báo cho các lực lượng chức năng, người lấy trộm đồ sẽ dễ bị khoanh vùng hơn. Lễ Trung thu cả năm mới có một lần, việc hòa mình vào đám đông để vui một niềm vui chung là cần thiết, tuy nhiên mỗi người cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tránh gặp phải những tình huống xấu liên quan đến việc mất đồ”, anh Hưng giãi bày.
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Cương - người làm nhiệm vụ bảo vệ tại hoạt động diễn diễu mô hình cho hay, khi người dân bị mất trộm tài sản cần thông báo ngay cho lực lượng Công an gần nhất để các cán bộ kịp thời phát hiện, có những phương án tìm lại tài sản cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.