Trẻ em "đua nhau" đi học làm đầu lân chơi trung thu từ bìa carton
Trẻ em "đua nhau" đi học làm đầu lân từ bìa carton chơi Tết Trung thu
Trung Hiếu
Thứ hai, ngày 02/09/2024 14:14 PM (GMT+7)
Trước dịp Tết Trung thu năm nay, nhiều phụ huynh và trẻ em có nhu cầu học làm đầu lân từ bìa carton. Lớp học dạy làm đầu lân tại Hà Nội luôn trong tình trạng kín người.
Những ngày trước Tết Trung thu, lớp dạy làm đầu lân bằng bìa carton tại Hà Nội chật kín các bạn học viên “nhí” tới tham gia.
Cầm trên tay chiếc đầu lân có kích thước khoảng 15cmx25cm vừa khô màu sơn, em Lê Bảo Châu - học sinh lớp 4 một trường tiểu học ở Hà Nội tự tin giới thiệu về sản phẩm do chính em làm ra. Bảo Châu cho biết: “Con thấy những màu sắc này rất tươi và kết hợp với nhau sẽ tạo nên một tổng thể đẹp nên đã lựa chọn. Hôm nay con tới đây cùng cô chú và hai người em họ. Con sẽ mang chiếc đầu lân này về để trang trí ngoài sân nhà cho dịp Trung thu sắp tới”.
Đội chiếc đầu lân lên để chơi đùa cùng các bạn tại lớp học, Bảo Châu không khỏi phấn khích: “Con thấy đầu lân của các bạn làm cũng đều rất đẹp, mỗi cái một vẻ riêng. Đây là sản phẩm do tự tay mình làm ra nên con sẽ thường xuyên sử dụng từ giờ đến dịp Tết Trung thu. Trước giờ con chỉ được nhìn thấy đầu lân trên tivi, hôm nay được thử sức làm trực tiếp khiến con rất hào hứng”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Nguyễn Diệu Linh - CEO một đơn vị tổ chức workshop dạy làm đầu lân tại Hà Nội chia sẻ: “Nguyên liệu để làm nên sản phẩm đầu lân đều là đồ tái chế và thân thiện với môi trường, an toàn cho các bé khi sử dụng. Tôi mong muốn qua các hoạt động như vậy có thể giáo dục cho các bé tình yêu môi trường, để tất cả chúng ta cùng chung tay tạo nên một cuộc sống bền vững hơn”.
Theo chị Linh, mỗi buổi workshop học làm đầu lân thường có khoảng 10 bạn trẻ em tham gia. “Chi phí dao động trong khoảng từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng. Tuy nhiên, nếu phụ huynh đặt lịch trước thì sẽ được hỗ trợ một khoản chi phí gọi là ‘khuyến học’ dành cho bé và giảm 25%. Nếu bé từ 10 tuổi trở lên, bố hoặc mẹ sẽ không mất thêm phí nếu đi cùng. Tuy nhiên, nếu bé ở độ tuổi nhỏ hơn thì cần có thêm người hỗ trợ, bên mình sẽ thu thêm phụ phí từ 50.000 - 70.000 đồng”.
Dù tay còn lấm lem màu sơn sau khi tham gia trải nghiệm làm đầu lân, em Trần Khôi Nguyên (7 tuổi, Hoàng Mai) vẫn kiên quyết nhờ bố gọi điện cho mẹ để khoe thành phẩm của hai bố con. Cậu bé 7 tuổi giới thiệu về các bước làm đầu lân một cách rõ ràng, rành mạch qua màn hình điện thoại: “Sau khi tạo hình, con và bố sẽ cắt theo hình dạng của chiếc đầu lân. Bước tiếp theo là sử dụng băng dính để dán kèm một số họa tiết trang trí như râu, mũi... Cuối cùng là bước tô màu mà con thích”.
Khôi Nguyên không giấu được sự tự hào về sản phẩm của mình khi liên tục nhờ bố chụp những tấm ảnh kỷ niệm để “khoe bạn bè”. “Con thấy sản phẩm đầu lân của con làm hôm nay rất đẹp. Mấy hôm nữa được tới trường, con sẽ đem tới để chơi cùng với các bạn trên lớp, con cũng chỉ các bạn ấy cách làm để có một chiếc đầu lân đẹp như của con”, cậu học sinh lớp 2 cho hay.
Tranh thủ kỳ nghỉ lễ, phụ huynh dành thời gian đi học làm đầu lân cùng con
Sau hai giờ đồng hồ đồng hành cùng con trong lớp học làm đầu lân từ bìa carton, anh Phan Thanh Tú (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy khá hài lòng khi con có một trải nghiệm thú vị, từ đó có thể biết thêm một nét đẹp về văn hóa truyền thống. Đặc biệt, theo anh Tú, thay vì đưa con đi du lịch dịp nghỉ lễ, anh quyết định chọn một hoạt động mà cả hai bố con cùng có thể tham gia tại Hà Nội để gắn kết tình cảm gia đình.
“Trong thời điểm ngày Tết Trung thu cận kề, việc làm đầu lân là rất phù hợp. Con nhà mình thích mỹ thuật nên khi có màu sắc, bút vẽ, bạn ấy rất vui. Mình không thích những đồ chơi ‘công nghiệp’ hoặc đồ nhựa. Do đó, dịp Trung thu nào mình cũng tìm cho con các món đồ truyền thống như đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi hoặc là đầu lân…”, anh Tú chia sẻ.
Còn anh Trần Hải Đăng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh biết đến workshop dạy làm đầu lân thông qua sự giới thiệu của một người bạn nên quyết định cho con đến thử trải nghiệm. Anh nói: “Trước khi tới, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mong muốn có một vài tiếng thư giãn và chơi cùng con thôi. Tuy nhiên, sau khi tham gia thì tôi thấy đây là một trải nghiệm cần thiết cho bé nhà tôi”.
“Tôi cho rằng, trẻ em bây giờ nên tham gia các hoạt động có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Như việc tự tay học làm đầu lân sẽ phần nào giúp các con hình dung được rằng đây là một nét văn hóa mỗi dịp Trung thu tại Việt Nam. Trước khi đến đây, con của tôi không biết đầu lân là gì, nhưng sau khi thấy bạn ấy hăng say làm, tạo ra sản phẩm rồi thì phấn khích chơi đùa cùng các bạn khiến tôi thấy rất hài lòng”, anh Đăng tâm sự.
Anh Đăng bày tỏ: “Con người hiện đại rất bận rộn từ sáng đến tối. Tuy nhiên, tôi sẽ sắp xếp để có thể dành thời gian cho con mỗi buổi tối và các ngày cuối tuần, nghỉ lễ… cùng nhau đi trải nghiệm nhiều hoạt động để tình cảm bố con thêm khăng khít và giúp con có một tuổi thơ thật đẹp”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.