Giá bán “hạ nhiệt”, nông dân được lợiBà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2013, sản xuất phân bón các loại của Việt Nam sẽ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước, với tổng khối lượng sản xuất đạt khoảng 8 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, sản xuất phân đạm và NPK - những loại phân có ảnh hưởng lớn đến thị trường- cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu.
Cùng với lượng sản xuất trong nước, phân bón nhập khẩu nhiều và giá rẻ đã giúp nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc Kinh doanh vùng ĐBSCL thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), không chỉ riêng thời điểm hiện nay, mà kể từ đầu năm đến nay nguồn cung phân đạm trên thị trường lúc nào cũng dồi dào. “Vì thế, phân đạm luôn giữ được ở mức giá ổn định, thậm chí hiện còn đang giảm mạnh” - ông cho biết.
Thực tế, với sản lượng sản xuất của các Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình, cộng với 465.000 tấn nhập khẩu từ Trung Quốc (thống kê của Bộ NNPTNT trong 9 tháng đầu năm 2013) đã giúp giá phân đạm trên thị trường từ đầu năm đến nay luôn trong xu hướng “hạ nhiệt”.
Thống kê của Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau - PVCFC, hiện đạm Cà Mau (hạt đục) phân phối đến người nông dân tại khu vực ĐBSCL có giá chỉ 7.600 – 7.700 đồng/kg, giảm 700 – 800 đồng/kg so với mức giá hồi giữa tháng 7.2013.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiển cho hay, hiện đạm Phú Mỹ (hạt trong) được nhà máy phân phối đến đại lý cấp 1 với giá khoảng 7.200 – 7.400 đồng/kg, còn giá đến tay nông dân là 8.200 – 8.400 đồng/kg.
Không chỉ trong nước, giá phân đạm ở nhiều khu vực khác trên thế giới cũng đang trong xu hướng giảm mạnh kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể, PVCFC cho biết, nếu như vào thời điểm giữa tháng 7.2013, giá phân đạm tại khu vực Đông Nam Á dao động từ 332-345 USD/tấn, thì hiện chỉ còn 275-287 USD/tấn; giá phân đạm của Trung Quốc và Mỹ hiện dao động lần lượt ở mức 285-290 và 283-295 USD/tấn, giảm khoảng 20- 34 USD/tấn so với mức giá hồi giữa tháng 7 rồi.
Việc giá phân đạm trong nước và thế giới giảm mạnh sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho sản xuất nông nghiệp trong nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Đặc biệt, nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL sẽ có điều kiện tiếp cận được nguồn hàng với giá cả hợp lý hơn.
Doanh nghiệp “ngại” trữ hàngVới mức giá dao động như trên, hiện giá phân đạm trong nước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, tuy nhiên, có không ít đại lý (đại lý cấp 1) kinh doanh phân bón tại ĐBSCL vẫn “ngại” nhập kho trữ lại vì sợ lỗ. Ông Nguyễn Minh Đăng - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Minh Đăng (đại lý cấp 1 của PVFCCo) tại TP.Cần Thơ, cho biết hiện nay tại Cần Thơ đã hết vụ sản xuất rồi nên ông quyết định ngừng nhập phân về lưu kho như những năm trước đây.
Ông Đăng lý giải, ông không dám nhập kho trữ lâu vì giá phân từ đầu năm đến nay ít biến động, trong khi lãi suất ngân hàng phải tính từng ngày nên mua vào sợ lỗ: “Ví dụ, mua trữ vào kho 5-10 ngày là lãi suất ngân hàng sẽ tăng lên, giá bán bắt buộc phải tăng theo, tuy nhiên thời điểm bán ra chưa chắc giá sẽ tăng như những năm trước nữa. Vì vậy, năm nay tôi không dám mạo hiểm”.
Giá phân đạm trong nước và thế giới giảm mạnh sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho sản xuất nông nghiệp trong nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Đặc biệt, nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL sẽ có điều kiện tiếp cận được nguồn hàng với giá cả hợp lý hơn.
|
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Chiến - chủ đại lý kinh doanh phân bón Hai Chiến (xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết cũng quyết định chỉ nhập tới đâu bán tới đó. “Nhập về bán ra liền, chúng tôi có 2 cái lợi, thứ nhất, khỏi phải gánh thêm lãi suất vay ngân hàng; thứ 2 là đỡ tốn nhiều phí bốc vác bởi phân vừa tới là chúng tôi sang về đại lý cấp 2 liền. Đặc biệt, chúng tôi ít bị ảnh hưởng trong trường hợp giá phân giảm tiếp” - bà Chiến cho biết.
Ông Hiển của PVFCCo, xác nhận hiện nay xu hướng kinh doanh của nhiều đại lý (đại lý cấp 1), họ chọn mua theo sản lượng, tức nhu cầu cần bao nhiêu thì họ nhập bấy nhiêu, chứ không có trữ như mọi năm vì nguồn cung trong nước hiện đã dồi dào rồi.
“Trước đây, do nguồn thiếu hụt nên vào vụ sản xuất rất dễ dẫn đến “sốt” giá nên nhiều đại lý đã trữ để kiếm lời. Còn bây giờ, nguồn cung dồi dào, nếu đại lý trữ trong kho, đến khi “bung” hàng ra, chưa chắc thị trường sẽ tăng giá, lại còn gánh thêm lãi suất ngân hàng nữa, cho nên họ không trữ nữa mà mua đủ tiêu thụ thôi” - ông Hiển cho biết.
Huỳnh Nguyên- Cửu Long (Huỳnh Nguyên- Cửu Long)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.