Đóng bảo hiểm theo cách mới, ai hưởng lợi?

Thứ ba, ngày 29/12/2015 13:48 PM (GMT+7)
Nhiều lao động cho rằng, việc đóng bảo hiểm xã hội căn cứ trên lương và phụ cấp, thay vì chỉ dựa trên lương như trước, không mang lại lợi ích cho cuộc sống hiện tại.
Bình luận 0

Từ trước tới nay, chị Triệu Ý Lan, nhân viên truyền thông tại một bệnh viện, không quan tâm tới tiền đóng bảo hiểm, vì “không đáng kể, do chỉ tính trên lương cơ bản”. Tuy nhiên, khi nghe tin cách tính sẽ thay đổi, dựa trên lương và phụ cấp, chị lại tỏ ra lo lắng.

Người lao động đắn đo

“Thực tế, lương của mình rất thấp. Thu nhập hàng tháng trông chờ nhiều ở phụ cấp nên nếu đóng bảo hiểm dựa trên cả phụ cấp thì mỗi tháng, tiền nhận sẽ giảm đi đáng kể", chị Lan chia sẻ. 

img

Nhiều công nhân lo lắng về khoản thu nhập bị giảm trước mắt thay vì lợi ích được hưởng khi tới tuổi về hưu. Ảnh minh họa.

Thu nhập mỗi tháng (gồm cả lương và phụ cấp) của chị Nguyễn Thị Phương, công nhân Công ty Cổ phần Việt Nam là 5 triệu đồng. Số tiền ấy chỉ đủ trả tiền thuê phòng, chăm con nhỏ và các chi phí cuộc sống.

Với việc đóng bảo hiểm theo luật mới, tính thêm tiền phụ cấp, nhiều khả năng thu nhập thực sẽ giảm. Đấy là điều mà theo chị, công nhân lao động thu nhập thấp không mong muốn.

"Cũng biết là tăng phí bảo hiểm thì lương hưu tăng nhưng đấy là chuyện của 30 năm sau. Trước mắt, thu nhập giảm sẽ ảnh hưởng nhất định tới chi tiêu hàng tháng”, chị Lan tâm tư.

Đồng tình, anh Đặng Duy Đạt, kỹ sư máy tính công ty Nhật Bản băn khoăn trước phân tích cho rằng, luật bảo hiểm xã hội mới giúp lương hưu cao lên, có lợi cho người thu nhập cao như anh.

"Thiệt trước mắt là rõ, vì tiền đóng BHXH bắt buộc tăng lên, đồng nghĩa thu nhập hàng tháng sẽ giảm đi. Trong khi đó, cái lợi sau này là lương hưu thì quá xa vời", anh Đạt nói.

Anh phân tích thêm, với nam giới, không được hưởng chế độ thai sản, mỗi người phải tích lũy hơn 30 năm đóng BHXH mới được hưởng hưu tối đa là 75%. Trong khi đó, đồng tiền ngày càng mất giá. "Chắc chắn tổng hưu thu về từ tiền bảo hiểm xã hội chỉ bằng một phần rất nhỏ so với gửi ngân hàng”, anh Đạt tính.

Khảo sát nhiều lao động làm việc tại Hà Nội, phần lớn ý kiến người trẻ cho biết, không quá quan tâm tới vấn đề BHXH. Nếu mỗi tháng phí bảo hiểm không tăng đáng kể, người lao động vẫn chấp nhận được để tuân thủ pháp luật. Riêng lương hưu tăng hay giảm, nhiều lao động có tuổi tỏ ra quan tâm hơn. “Nếu tăng mức đóng lên chút ít mỗi tháng mà lương hưu tăng thì tôi rất vui”, nhân viên bảo vệ Phạm Văn Quyết (45 tuổi, Thái Hà, quận Đống Đa) nói.

Doanh nghiệp than khó

Anh Anh Đức - giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại Hà Nội cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay, cả người lao động hay chủ doanh nghiệp đều không hưởng lợi. Người làm thuê thiệt thòi còn doanh nghiệp thì chịu áp lực. 

Anh Đức nhẩm tính, hiện mức đóng bảo hiểm xã hội là 26%, bảo hiểm y tế 4,5%, bảo hiểm thất nghiệp 2%, tổng cộng = 32.5%. Theo quy định, doanh nghiệp sẽ đóng 2/3 và người lao động 1/3. Việc tăng mức đóng bảo hiểm, giúp lương hưu tăng, nghe thì có vẻ có lợi cho người lao động, nhưng thực tế chưa chắc như vậy.

Lương hưu được tính bằng 75% mức lương cơ bản sử dụng để đóng bảo hiểm. Bạn cần đóng 1,1 triệu mỗi tháng để nhận mức lương hưu là 3,5 triệu x 75% = 2,6 triệu. Mặc dù bạn sẽ được nhận lương hưu trong khoảng 30 năm đến khi rời khỏi cuộc đời, nhưng với tốc độ mất giá 10% mỗi năm của đồng tiền, thực tế bạn sẽ chỉ nhận được khoảng 170 triệu tiền lương hưu cho đến hết cuộc đời.

Trung bình nữ giới sẽ đóng bảo hiểm khoảng 34 năm, còn nam giới đóng khoảng 38 năm cho đến ngày về hưu. Nếu một lao động nữ đóng 1,1 triệu tiền bảo hiểm mỗi tháng thì cho đến khi về hưu, người đó sẽ đóng khoảng 450 triệu. Nhưng nếu với cùng số tiền đó mà đem gửi ngân hàng với tỷ suất lợi nhuận 7% mỗi năm, sau 34 năm, người gửi sẽ có ít nhất khoảng 2 tỷ đồng tiền mặt. Con số này là 2,4 tỷ đồng với nam giới.

“Đóng bảo hiểm theo quy định mới, liệu người lao động có được nhiều tiền lương hưu hơn không?", anh Đức nêu câu hỏi. Theo anh, muốn có lương hưu khoảng 10 triệu một tháng, bạn cần đóng 4,2 triệu tiền bảo hiểm một tháng.

Anh Đức cho rằng việc đóng BHXH theo quy định mới sẽ không có lợi. 

Với mức lạm phát 10% năm, tổng số tiền lương hưu người lao động nhận được sau 30 năm có trị giá gần 660 triệu. Trong khi đó số tiền đóng góp cho BHXH sẽ là 6,7 tỷ với nữ và 9 tỷ với nam.

"Đúng là bạn sẽ nhận được lương hưu cao hơn 2 lần, nhưng bạn cần bỏ ra chi phí lớn hơn 4-5 lần”, Anh Đức tính toán.

img

Là chủ một doanh nghiệp, anh cho biết, nếu không phải là quy định bắt buộc, anh sẽ chọn giải pháp thỏa thuận với nhân viên.

“Phần lớn nhân viên của tôi khi được hỏi đều chia sẻ mong muốn nhận về số tiền đáng lẽ doanh nghiệp đóng cho bảo hiểm để tăng thu nhập hiện tại. Số tiền ấy họ hoàn toàn có quyền chọn kênh đầu tư lãi suất lớn hơn”, anh Đức nói.

Chị Lê Lan Hương, giám đốc nhân sự một công ty xuất nhập khẩu tại Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), cho rằng, việc tính mức đóng bảo hiểm theo cách mới là câu chuyện gây áp lực tới các doanh nghiệp hơn người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có lượng lao động lớn hoặc lao động thu nhập cao.

Công ty may Hưng Yên tính toán, với quy mô 2.000 lao động hiện nay, doanh nghiệp này đóng 30 tỷ đồng BHXH mỗi năm nhưng với luật mới, số tiền BHXH sẽ lên 40 tỷ đồng vào 2018.  

Với công ty may Việt Tiến,  theo quy định mới, mỗi tháng công ty phải đóng thêm 5 tỷ đồng tiền BHXH.

Không thể chờ dân hiểu

Trao đổi với Zing.vn về quy định mới đối với BHXH, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc thu phí BHXH theo cách mới sẽ giải quyết thực trạng trốn đóng BHXH của nhiều DN, tăng mức lương hưu của người lao động và mang lại giá trị an sinh lâu bền cho xã hội.

Theo ông Lợi, quy định mới sẽ tạo áp lực nhất định lên doanh nghiệp. Và từ phản ứng của doanh nghiệp (giảm lương, tăng phụ cấp để lách luật) có thể gây thiệt cho người lao động trong ngắn hạn 1-2 năm tới, nhưng vấn đề sẽ được giải quyết về lâu dài.

“Theo quy định, tổng phụ cấp không được quá 50% lương cơ bản nhưng tại nhiều doanh nghiệp, phụ cấp của nhân viên còn lớn gấp nhiều lần lương. Doanh nghiệp sai luật nhưng để thu hút đầu tư, chúng ta đã nhân nhượng nhiều”, ông Lợi nói.

img

Nguồn: Tuổi trẻ.

Ông cho biết thêm, ở nước ta hiện nay, 70% là lao động tự do, không được hưởng quyền lợi đóng bảo hiểm, hưởng lương hưu như 30% còn lại. Nếu không vì lý do an sinh xã hội, lo hưu trí cho tuổi già, làm sao pháp luật có thể bắt buộc các đối tượng phải tham gia BHXH, bắt doanh nghiệp chịu mức 22% trên tổng số 32,5%?

“Tuổi già ở Việt Nam ngày càng tăng, hiện đã là 10%. Sau này, tỷ lệ ấy rất có thể sẽ lên 20%. Lúc đó, nguồn quỹ nào để giải quyết vấn đề an sinh cho người cao tuổi?”, ông đặt câu hỏi.

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH cho biết: “Hiện nay, chúng ta có khoảng 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên được nhận trợ cấp người cao tuổi. Với khoản trợ cấp 180.000 đồng một người mỗi năm, số tiền lên tới 3.000 tỷ đồng một năm. Nếu mỗi năm tăng thêm khoảng 600.000 người gia nhập vào đội ngũ này thì ngân sách Nhà nước phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn”, ông Được cho hay.

Để giải quyết vấn đề nhanh và dứt điểm, ông Đặng Như Lợi cho rằng, việc đóng BHXH là quy định bắt buộc hoàn toàn đúng.

“Nếu nói cho dân hiểu dễ dàng thì từ lâu đã không cần tới các bộ máy chuyên môn, nghiên cứu và thực thi chính sách của Đảng và Nhà nước. Đưa ra chính sách dựa trên lợi ích của nhân dân nhưng không phải cái gì cũng có thể chờ dân hiểu mới làm. Nếu cần áp luật để giải quyết nhanh và dứt điểm vấn đề, ta vẫn phải làm”.

Diệp Sa - Ngọc Lan (Zing.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem