Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Bắt đầu từ 2018, ngoài cơ sở là các khoản bổ sung khác để tính mức đóng thì người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.
Với cách tính mới này, trong nhiều ưu điểm thì ngành bảo hiểm xã hội kỳ vọng lớn nhất là khắc phục tình trạng "chẻ" thu nhập của người lao động trả lương cao, đóng góp các khoản phúc lợi xã hội cao, mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Dù thừa nhận tính hợp lý của sự thay đổi này, song rất nhiều doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo ngại liên quan đến quyền lợi chính mình.
Trao đổi với PV, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn (TP HCM) cho rằng để doanh nghiệp theo kịp thì cần phải có lộ trình từng bước nếu không rất nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh "dở khóc dở mếu".
Ông cho biết hiện doanh nghiệp ông có trên dưới 800 nhân viên, nếu áp dụng quy định mới là đóng bảo hiểm cả phần phụ cấp ngoài lương thì chi phí phát sinh sẽ tăng thêm 50%. Điều này khiến cho giá thành sản phẩm cũng đột ngột tăng cao, sức cạnh tranh kém, mức doanh thu lợi nhuận sẽ lao dốc.
"Với quy định này, những doanh nghiệp tuân thủ bảo hiểm sẽ đuối sức, còn các đơn vị thiếu nghiêm túc sẽ chây ì hoặc tìm cách né trách hoặc trốn bảo hiểm. Điều này cũng tạo ra sự thiếu công bằng trong cạnh tranh doanh nghiệp", vị này băn khoăn.
Là một trong những doanh nghiệp đang niêm yết sàn chứng khoán có mức đóng bảo hiểm cho người lao động cao hơn so với mức quy định, ông Đỗ Văn Trắc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sacom (mã SAM) lo ngại áp lực tăng doanh thu mới đủ bù phần chi thêm cho bảo hiểm xã hội.
Ông cho biết quỹ lương của công ty có khoảng 70 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí đầu tư lên tới trên trăm tỷ. Tổng cộng mỗi năm phải đạt được doanh thu trên 200 tỷ mới mong có lời. Nếu chi quá nhiều cho bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp ắt sẽ gặp khó khăn. “Là đơn vị đã quen với mức trả bảo hiểm cao thì chúng tôi còn ít bỡ ngỡ, nhưng đối với những doanh nghiệp quen với mức trả thấp thì nguy cơ vỡ nợ khó tránh”, ông nói thêm.
Quy định mới trong đóng bảo hiểm xã hội sẽ gây áp lực lên các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Ảnh: QH
Ngoài nỗi lo tăng thêm chi phí, ông Đoàn Thế Xuyên - Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên (Quảng Ninh) còn có trăn trở khác. Ông chia sẻ, hiện trong hơn 100 lao động của công ty, phần nhiều là phụ xe hoặc làm công việc kiểm soát vé. Hầu hết những người bán vé, phụ xe không xem đây là một nghề mà chỉ là công việc thời vụ với mức lương 3,4-4 triệu đồng, do vậy muốn vận động họ đóng bảo hiểm để ổn định lâu dài cũng khó. Nay tăng mức đóng không chỉ không thu hút thêm số lượng tự nguyện đóng bảo hiểm mà chắc chắn không ít người sẽ xin nghỉ việc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn lao động như: da giày, dệt may, điện tử đều cho rằng mức đóng bảo hiểm mới sẽ gây áp lực lên người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Lãnh đạo một công ty điện tử đóng trên địa bàn Bắc Ninh cho rằng cơ quan quản lý nên có một lộ trình tăng chi phí bảo hiểm cụ thể đối với từng nhóm doanh nghiệp, không nên thực hiện đồng loạt cùng lúc. Doanh nghiệp lớn còn có sức chống đỡ, doanh nghiệp nhỏ sẽ lao đao.
Cũng theo vị này, cùng với việc thu phí, thì cơ quan bảo hiểm xã hội cần thay đổi thái độ phục vụ, nên đặt mình ở vị trí đơn vị kinh doanh bình thường, lấy phục vụ khách hàng là chính để làm việc linh động hơn. Hiện nay, việc đóng bảo hiểm và chi trả cho người lao động còn rất nhiều "nhiêu khê". "Các cơ quan khác như y tế, hành chính cũng đã có những bước thay đổi đáng kể, còn bảo hiểm xã hội bao năm rồi vẫn dậm chân tại chỗ", ông bày tỏ.
Ông Phí Ngọc Trình - Phó tổng giám đốc Công ty may Hồ Gươm cho biết, theo cách thu bảo hiểm xã hội mới, chi phí của doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng lên. Nhưng cụ thể bao nhiêu thì còn phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước. Thời điểm Luật có hiệu lực đã cận kề, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn rất lúng túng vì chưa rõ phải thực thi như thế nào.
Theo ông Trình, một số quy định trong Luật còn chung chung, các doanh nghiệp sẽ tìm cách tránh những khoản đưa vào phụ cấp hoặc biến tiền trong danh mục phụ cấp thành những khoản khác. "Luật quy định là đóng dựa trên lương và phụ cấp nhưng chưa nói rõ phụ cấp bao gồm những khoản gì. Hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận, doanh nghiệp có thể né bằng cách thỏa thuận lương cũng không vấn đề gì. Còn các khoản phụ cấp cũng biến động liên tục chứ không cố định như lương", ông thẳng thắn bày tỏ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may ở Bình Dương cho biết 2 năm trở lại đây, doanh thu của công ty nói chung và ngành dệt may nói riêng có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu tính về hiệu quả lợi nhuận so với các năm trước thì sụt giảm mạnh. Đặc biệt, trong 2015 các chi phí về nhân công, thuế, tiền thuê đất, lương công nhân… tăng cao đã khiến cho doanh nghiệp thêm nhiều gánh nặng.
Ông cũng cho biết, hiện doanh nghiệp đang chịu đóng bảo hiểm xã hội 18%, bảo hiểm y tế 3%, phí công đoàn 2%, bảo hiểm thất nghiệp 1%. Tổng cộng, chi phí lên đến 24%, chiếm một phần tư tổng chi phí của cả doanh nghiệp. Chưa kể từ 1/1/2016, lương tối thiểu vùng cũng sẽ tăng theo quy định của nhà nước.
"Đúng là trăm dâu đổ đầu tằm. Thời gian tới chúng tôi phải tìm mọi giải pháp để tiết kiệm chi phí, trong đó sẽ có cả việc sa thải bớt nhân công", ông nói.
Ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may nhìn nhận dù đây là một quy định tốt cho người lao động nhưng về phía doanh nghiệp sẽ vô cùng chật vật, đặc biệt là với doanh nghiệp dệt may. Hiện nay, sức cạnh tranh trên thị trường vô cùng khốc liệt, mọi chi phí tại doanh nghiệp tăng cao. Nếu phải gánh thêm trọng trách lớn trên thì nhiều công ty có nguy cơ “gãy gánh” giữa đường. Mặt khác, ông cũng lo ngại quy định này cũng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như doanh nghiệp trốn bảo hiểm tăng cao, nhiều đơn vị lách luật, chây ì nợ đọng... ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.
Nhóm PV (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.