Phum sóc đổi thay từng ngày
Về thăm ấp Trường Thắng, xã Trường Long A vào những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những gương mặt phấn khởi của bà con. Những năm qua, đồng bào Khmer nơi đây đã được Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng như: Đường bê tông, hệ thống cấp nước tập trung, hỗ trợ nông cụ sản xuất. Từ một ấp “kinh tế mới” nằm trong danh sách ấp đặc biệt khó khăn, nay Trường Thắng đã được rút khỏi danh sách và đổi mới từng ngày.
Nhiều hộ đồng bào Khmer ngụ ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn thoát nghèo từ chăn nuôi gà. Ảnh: Song Ly
Ông Đặng Vũ, người có uy tín trong đồng bào Khmer ấp Trường Thắng cho biết: “Đời sống của các hộ Khmer nay đã ổn định hơn rất nhiều. Bản thân gia đình tôi cũng vậy, được Nhà nước hỗ trợ máy bơm nước, vừa phục vụ cho gia đình, vừa bơm thuê cho hộ khác nên có thêm thu nhập khá”.
"Thời gian tới Phòng Dân tộc sẽ tập trung nhiều nguồn lực giúp hộ dân tộc thiểu số nghèo phát triển kinh tế; tham mưu với huyện có các chính sách hỗ trợ đồng bào kịp thời. Tiếp tục rà soát hộ dân tộc nghèo để hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở theo quy định, làm đòn bẩy giúp đồng bào thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Anh Danh Oanh Na - Trưởng phòng Dân tộc huyện Châu Thành A
|
Được biết, 5 năm qua, các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được hỗ trợ gần 3 tỷ đồng để phát triển sản xuất; đầu tư trên 4 tỷ đồng phục vụ nước sinh hoạt, hơn 7,3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và nhiều chương trình, dự án khác để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống, giảm nghèo... Tổng số tiền hỗ trợ khoảng 26 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ này, đời sống của bà con đã được nâng lên từng ngày.
Chăm lo đời sống tinh thần
Ngoài quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều gia đình dân tộc Khmer nghèo còn được chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà ở. Chị Sơn Thị Ngọc Hậu ở thị trấn Cái Tắc bộc bạch: “Được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, gia đình tôi mới có được căn nhà khang trang như thế này, đây là niềm mong mỏi từ lâu của gia đình”.
“Được Nhà nước ưu tiên, giúp đỡ rất nhiều, từ vườn tạp bỏ hoang tôi đã mạnh dạn cải tạo trồng nhãn, hàng năm cho thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống ổn định hơn xưa” - anh Thạch Chậy, ở thị trấn Cái Tắc cho biết thêm.
Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, vào mỗi dịp lễ, tết của đồng bào, huyện Châu Thành A và tỉnh Hậu Giang đều thành lập đoàn đến thăm và tặng quà các chùa Khmer, hộ dân tộc tiêu biểu. Qua đó động viên bà con vươn lên trong cuộc sống.
Được biết, đến cuối năm 2014, 7/7 ấp có đông hộ dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Châu Thành A đã được xét thoát khỏi danh sách ấp đặc biệt khó khăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.