Đồng bào Mông Si Ma Cai (Lào Cai) may trang phục truyền thống đón Tết

Mùa Xuân - A Sếnh Thứ sáu, ngày 09/02/2024 18:43 PM (GMT+7)
Trong cuộc sống hiện đại, một số giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một theo thời gian. Thế nhưng đối với đồng bào dân tộc Mông của tỉnh Lào Cai thì việc lưu giữ, bảo tồn bộ trang phục truyền thống vẫn luôn được coi trọng.
Bình luận 0
Đồng bào Mông Si Ma Cai (Lào Cai) may trang phục truyền thống đón Tết- Ảnh 1.

Đồng bào Mông huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai gìn giữ nghề may trang phục truyền thống. Ảnh: A Sếnh.

Tại huyện vùng cao Si Ma Cai, đồng bào Mông không chỉ quan tâm lưu giữ khá nguyên vẹn nghề thêu, may trang phục truyền thống, mà đây còn là nghề đem lại thu nhập cho gia đình. Những ngày gần Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chúng tôi đã có cuộc ghi nhận tại xã vùng cao, biên giới Sán Chải, huyện Si Ma Cai.

Trong ngôi nhà trình tường, chị Ly Thị Sung đang say sưa với từng đường kim, mũi chỉ cho chiếc áo Mông truyền thống của dân tộc mình, để kịp trả cho khách diện dịp Tết. Từ hình xoắn ốc, ruộng bậc thang, hay núi đồi... đều được chị thêu rất cẩn thận. 

Theo nghề từ khi mới 15 tuổi, những chiếc áo do chị Sung thêu, may luôn được bà con yêu thích, giá bán trung bình từ 1,2 – 1,5 triệu đồng cũng mang lại nguồn thu tốt để chị yên tâm gắn bó với nghề truyền thống này.

Chị Ly Thị Sung, thôn Hòa Bình, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai chia sẻ: Bây giờ tôi không làm gì thì một tuần mình có thể làm được tầm 4-5 cái áo, thời điểm này thì người mua nhiều hơn và được giá hơn.

Với xu thế trang phục Mông cách tân, may trang phục cũng trở thành nghề chính đối với gia đình chị Cư Thị Sung và hơn 10 hộ gia đình ở thôn Lao Chải. Đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết, dịp này, mỗi ngày gia đình chị Cư có từ 5-6 người tham gia các công đoạn từ thiết kế, cắt vải, xâu hạt đến thêu, may…

Đồng bào Mông Si Ma Cai (Lào Cai) may trang phục truyền thống đón Tết- Ảnh 2.

Đồng bào Mông huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai may trang phục đón Tết. Ảnh: A Sếnh.

Chị Cư Thị Sung, thôn Lao Chải, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai bảo: Bây giờ đến Tết rồi thì mình phải thuê thêm người làm thì mới làm được nhiều. Lúc mình đi chợ thì đi bán còn lúc về thì tập trung vào thêu, may, thời gian ngủ còn không có mấy.

Là một trong những địa phương nổi tiếng với nghề thêu, may trang phục Mông, xã Sán Chải có 25 hộ tại 4 thôn, bản tham gia thêu, may trang phục truyền thống và trang phục cách tân. 

Là làng nghề có hàng trăm năm tuổi, trang phục của đồng bào Mông nơi đây làm ra không chỉ bán tại địa phương mà còn xuất bán đi nhiều tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như Đắc Nông, Lâm Đồng.

Đồng bào Mông Si Ma Cai (Lào Cai) may trang phục truyền thống đón Tết- Ảnh 3.

Chị em phụ nữ người Mông Si Ma Cai với bộ trang phục truyền thống. Ảnh: Châu Cu.

Các bộ trang phục thổ cẩm của chị em phụ nữ người Mông với sự phối màu tinh tế, đỉnh xuyết các vật trang trí khá cầu kỳ, đẹp rực rỡ sắc màu, với nhiều đường nét hoa văn tinh xảo, tạo ấn tượng sâu sắc cho người thưởng thức. 

Cũng theo những người phụ nữ Mông cao tuổi ở huyện Si Ma Cai chia sẻ, bộ trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông gồm khăn, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, phía sau là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn hài hòa, thắt lưng. Bên cạnh đó, hai ống tay áo thường thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến cửa tay, xà cạp trên áo thường thêu văn hình xoắn ốc, hoa văn hình học những đường ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi… 

Trên áo còn gắn hạt cườm, kim tuyến làm tăng thêm vẻ đẹp của trang phục. Váy của phụ nữ Mông là váy mở, có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc.

Bà Vàng Thị Dí, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: Một năm thì một hộ gia đình chị em cũng thu nhập được từ 70 – 100 triệu đồng thì cũng giúp đỡ được gia đình và một số chị em khó khăn có việc làm. 

Mong muốn thời gian tới thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ thành lập tổ may mặc thổ cẩm và có một cái nhà, có đầu vào thì sẽ có đầu ra để chị em yên tâm sản xuất.

Đồng bào Mông Si Ma Cai (Lào Cai) may trang phục truyền thống đón Tết- Ảnh 4.

Vào dịp lễ, Tết những người phụ nữ Mông lại khoác lên mình bộ trang phục đẹp lung linh. Ảnh: Cư Dung.

Trang phục truyền thống là nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc, luôn trường tồn cùng với thời gian. Và quan tâm gìn giữ những giá trị văn hóa này chính là cách người Mông ở huyện vùng cao biên giới Si Ma Cai gìn giữ hồn cốt của dân tộc mình.

Huyện Si Ma Cai có khoảng 15 dân tộc anh em sinh sống trong đó dân tộc Mông chiếm 78,85% với nền văn hóa có từ lâu đời đậm đà bản sắc tạo nên một nét đẹp riêng, những bộ trang phục của dân tộc Mông, đều được tạo ra từ cách làm thủ công qua đôi bàn tay khéo léo của các chị em, những trang phục này mang đậm bản sắc vùng cao, có sự tinh tế nổi bật, của nghệ thuật tạo hình trên các trang phục thổ cẩm của phụ nữ Mông.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem