Giao thừa Tết Giáp Thìn 2024: Hái lộc cây gì để thu hút may mắn, tài lộc?
Giao thừa Tết Giáp Thìn 2024: Hái lộc cây gì để thu hút may mắn, tài lộc?
S.E.N
Thứ sáu, ngày 09/02/2024 14:01 PM (GMT+7)
Không ít quan niệm cho rằng, hái lộc đêm giao thừa có ý nghĩa mang lại may mắn, an lành và tài lộc về cho gia đình trong năm mới. Vậy nên hái lộc cây gì giao thừa Giáp Thìn 2024 để may mắn kéo ầm ầm về nhà?
Theo phong tục xưa, hái lộc đầu năm là một tục lệ đẹp của nguời Việt. Cứ đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà.
Sách "Tìm hiểu Phong tục Việt Nam qua Tết Lễ Hội Hè", NXB Văn Nghệ - TP Hồ Chí Minh (năm 2004) trong Tiểu mục Hái lộc, trang 19 – 20, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh viết: "Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xùm xòa, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc. Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
Với tin tưởng lộc hái trong đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, xưa kia người dân Việt trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn. Tục hái lộc là một tục tốt đẹp. Ngày nay nhiều người khi đi lễ trong đêm trừ tịch – lễ giao thừa (giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bước quan năm mới, người dân làm mâm cơm cúng nhằm đem bỏ hết đi những điều xấu dở, cũ kỹ của năm sắp qua để đón những cái mới mẻ, tốt đẹp của năm mới sắp đến) vác cả đao búa đi đẵn cây trong vòng các đình, đền, chùa, miếu, thật ra người ta đã biến tục lệ tốt đẹp trên thành một tai hại cho các nơi thờ tự vậy".
Giao thừa Tết Giáp Thìn 2024: Hái lộc cây gì để thu hút may mắn, tài lộc?
Lộc thuộc bộ Tứ linh (Đa, sung, xanh, si)
Cụ thể, những loại cây thuộc bộ Tứ linh (đa, sung, xanh, si) thường có nhựa, mủ và sự sống rất bền bỉ nên thường được người dân chọn hái vào dịp đầu năm.
Việc bền bỉ đó tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, luôn tươi mới. Chính vì thế, người dân quan niệm sẽ rất may mắn nếu hái được đúng lộc của các loại cây này dịp đầu xuân năm mới.
Không những thế, các cây thuộc bộ Tứ linh thường được trồng trong các đền, chùa nên đó cũng là lí do mà người dân ưa thích hái lộc của những cây này.
Đối với những loại lộc của những cây này, sau khi hái xong, người dân thường để ở nơi có độ ẩm cao để lộc luôn xanh tốt. Nếu hái và bảo quản đúng cách, lộc sẽ xanh tươi đến hàng tuần.
Ý nghĩa của cây bộ tứ linh
Những cây thuộc bộ tứ linh bao gồm: đa, sung, xanh, si, chúng được xếp cùng chi, có họ hàng mật thiết với nhau và cùng có nhựa và mủ giữ nước và kéo dài sự sống. Vì thế trong dịp năm mới nếu chọn những loại này mà hái lộc thì vừa giúp trấn an tinh thần của gia chủ vừa có tính chất mỹ quan cao.
Lộc thuộc bộ Tứ quý (Tùng, cúc, trúc, mai)
Những loại cây thuộc bộ Tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) là những cây có khả năng sinh trưởng và có khả năng tái sinh mạnh nên sau khi hái, những lộc này thường có khả năng tươi lâu. Tuy nhiên, những loại cây này không có mủ và nhựa như những cây thuộc bộ Tứ linh nên việc tươi mới cũng phần nào kém hơn.
Đứng đầu bộ Tứ quý là Tùng, người dân có thể chọn loại tùng la Hán, tùng tuyết để hái lộc. Lưu ý, riêng với bộ cây tùng, không nên vặt ngọn tùng bách tán vì loại này khó mọc cành mới.
Trong bộ tứ quý, nếu chọn cúc để lấy lộc nên chọn cúc mốc (loại cúc này được dùng để hãm chè). Đồng thời, đây cũng là loại cúc tượng trưng cho sự sum họp gia đình.
Nếu chọn cây trúc thì nên chọn cành trúc tăm hay trúc di lặc vì những loại đấy khá bền và đẹp. Đồng thời, cây đó cũng thể hiện khí thế hiên ngang tựa như người quân tử.
Nếu chọn cây mai thì nên chọn loại mai tứ quý có bộ lá cứng xanh thẫm để tượng trưng cho sự khỏe khoắn, dẻo dai.
Ý nghĩa của bộ tứ quý
Tùng, cúc, trúc mai là những cây nằm trong bộ tứ quý, những cây này nằm trong bốn bộ thực vật khác nhau, chúng đều là những cây có khả năng sinh trưởng và tái sinh mạnh. Do đó, sau khi hái lộc thì những cây này không sợ chết tuy nhiên vì chúng không có mủ và nhựa nên khả năng chịu đựng của nó kém hơn so với bộ tứ linh.
Chia sẻ với báo chí, TS. Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Dễ thấy, phần lớn người đi hái lộc đều cố sức trèo lên cây bẻ cả cành to, chọn lộc đẹp, thậm chí mang cả công cụ trợ giúp để “chặt lộc”, “cưa lộc”. Có người cầu kì hơn, phải tìm đến đúng các trụ sở ngân hàng, kho bạc... để hái lộc với mong muốn có một năm “đại cát đại lợi”.
Nhận thức được những biến tướng của việc hái lộc là vô tình phá hoại cảnh quan môi trường, nhiều người đã chủ động "cải biến" việc hái lộc đầu năm.
Dịp năm mới, “thay vì lạm dụng hái lộc, chúng ta nên có lời nói và làm các việc thiện cụ thể. Như vậy, lộc sẽ tự nhiên đến mà lại giúp con người than thản trong tâm hồn”, TS. Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.
Theo đó, hái lộc có rất nhiều cách chứ không chỉ có duy nhất một cách là phải bẻ cành, bứt cây.
Hái lộc vào đêm giao thừa sẽ mang lại niềm vui, may mắn và hy vọng về một cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm no, tuy nhiên khi đi hái lộc bạn không được bẻ cành hay là mang dao đi để chặt lộc.
Bẻ lộc nhiều và to không phải là tốt vì sẽ làm hỏng cây. Vì thế mỗi người chỉ nên chọn một cành nhỏ có lá xanh, lá non và có hoa càng tốt để mang về nhà.
Khi hái lộc về bạn nên đặt ở những nơi trang trọng như gian chính diện hoặc trước bàn thờ. Với những loại có nhựa, chịu khô hạn giỏi thì chỉ cần hơi ấm đầu xuân cũng đủ giúp chúng tươi lâu. Còn loại cây không có nhựa thì cắm trong lọ nước để lộc được tươi lâu hơn.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp Hội KH & KT Việt Nam), tục hái lộc là một nét đẹp văn hóa. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Hái lộc ở đền, chùa ngụ ý xin hưởng một chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân đầu năm mới.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực. Theo các nhà nghiên cứu, sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều. Vì thế nên nhiều người mang hẳn cả dao đi để “chặt lộc” chứ không phải hái lộc. Có người còn trèo lên cây để cao để chọn “lộc đẹp” và không hái riêng cho mình mà còn hái hộ cho bạn bè, người thân. Có người còn lấy cả xe máy chở chậu cây cảnh nhà chùa về cho “đại cát, đại lợi”.
Ngoài đền chùa, nhiều người còn đến các trụ sở ngân hàng, kho bạc... để hái lộc vì nghĩ, cây xanh ở các địa điểm này sẽ cho nhiều tiền tài.
“Lộc” mang rất nhiều nghĩa. Lộc theo nghĩa cụ thể là chồi non mới nhú. Nó biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. Đầu xuân là khởi đầu của một năm mà có được một cành lộc như vậy rất ý nghĩa nên những cây đào, cây quất người ta thường chọn cây nhiều hoa và lộc. Nghĩa thứ hai, lộc là điều tốt đẹp, mong muốn thần thánh có thể mang đến cho mình. Lên chùa thắp một nén hương xin lộc để cầu mong, cầu lộc đó là công danh, sự nghiệp hay sức khỏe… thì lộc đó có thể hiểu là sức khỏe, con cái, cầu công danh. Và hái lộc nên được hiểu theo nghĩa thứ hai.
Sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân không làm cuộc sống tốt đẹp lên nhờ những cành lộc, nhưng việc bẻ cành, chặt cây là những việc làm không mấy nhân văn của một số người đã và đang tàn phá, hủy hoại môi sinh mà nhiều người đang cố gắng tạo dựng.
Ngoài ra, còn có những ý kiến cho rằng những hành động bẻ cành, bứt cây là sai lầm. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nho nhỏ... đem về nhà trong ngày đầu năm. Hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia thì cho hay, ông cảm thấy buồn khi chứng kiến cảnh cây cối tan tác đêm giao thừa những năm gần đây.
“Gìn giữ phong tục hái lộc là điều đáng quý nhưng bẻ cả cành to đem về nhà, đó là hành vi phá hoại, sai tín ngưỡng”, GS Thịnh nói.
Theo GS Thịnh, mọi người có thể xin lộc đầu năm bằng cách lấy những cành lộc tượng trưng được chuẩn bị sẵn ở đền, chùa, đặt lại đó chút tiền lẻ công đức. Hoặc người dân chọn mua cành lộc bán ở đường, mua một vài quả khế, cây mía hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm.
Hái lộc quan trọng ở cái tâm người hái. Người hái lộc phải có cái tâm hướng thiện, lòng vui vẻ lạc quan thì cành lá bé nhỏ là đủ mang xuân, mang phúc lộc về nhà, không cần phải chọn cành thật to.
Một điều nữa cần lưu ý nữa đó là hái lộc vào lúc giao thừa, sắc trời đã tối, cần chú ý lựa chọn cẩn thận để không mang cành lá héo úa hay cành có gai nhọn vào nhà, làm thế sẽ mang theo sát khí không tốt cho gia đình.
Việc hái lộc suy cho cùng cũng là mong muốn hút tài lộc về nhà. Lộc về nhà là do cái tâm của chính chúng ta. Vì vậy, ngoài việc hái lộc đầu năm mỗi người chúng ta thay đổi lối sống, cách nghĩ, lời nói của mình, làm những điều đúng theo đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Trong văn hóa người Việt, chữ lộc còn đại diện cho sự thịnh vượng, tài lộc, tiền tài và hạnh phúc lớn nhất của đời người là tài lộc dồi dào, may mắn, cũng như những điều tốt lành trong cuộc sống.
Nguồn gốc của việc hái lộc đầu năm
Theo ông cha ta, tục hái lộc đã có từ thời xa xưa, cụ thể là từ thời các vua Hùng. Truyền thuyết kể rằng nhân một ngày đầu xuân, Vua Hùng đã cho gọi các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: "Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi".
Các con vua đều nhất thời cảm thấy quyến luyến bịn rịn không muốn rời đi. Hoàng hậu thưa: "Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, thần thiếp nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con. Các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì theo phương ấy mà đi."
Thấy hợp lý, Vua lệnh truyền cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các con về nhà nghỉ. Rồi chọn ngày lành tháng tốt, Vua làm Lễ tế Trời - Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng:
Non ở nhà, già đi ấp
Chẵn lên non, còn xuống biển
Sau đó, Vua dặn các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân cách làm ăn, kiếm sống. Trên đường đi, nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, tà ma sẽ bỏ chạy không hại được các con. Nghe lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ, nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền và giúp muôn dân.
Từ đó, người Việt đã dần hình thành nên tục hái lộc. Ông bà ta cho rằng vào thời khắc Giao thừa hoặc sớm mồng một Tết, nếu xin một cành lộc nhỏ nơi đền, chùa, miếu, hoặc cành lộc từ chinh vườn nhà rồi đem về cắm vào bình hoa hoặc treo trước hiên nhà sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.