Động đất ở Kon Tum lớn nhất kể từ năm 1903, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ổn định tâm lý nhân dân
Động đất ở Kon Tum lớn nhất kể từ năm 1903, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ổn định tâm lý nhân dân
P.V
Thứ tư, ngày 31/07/2024 13:36 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong sáng nay 31/7, trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) lại xảy ra 9 trận động đất. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu tỉnh Kon Tum, các bộ ngành theo dõi chặt tình hình động đất ở Kon Tum.
Cụ thể, thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho thấy, trong sáng nay, 31/7, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tiếp tục xảy ra các trận động đất.
Trận thứ nhất xảy ra vào hồi 18 giờ 02 phút 08 giây (giờ GMT) ngày 30 tháng 7 năm 2024 tức 01 giờ 02 phút 08 giây (giờ Hà Nội) ngày 3 1 tháng 7 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 2.9 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.722 độ vĩ Bắc, 108.332 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trận thứ 9 xảy ra vào hồi 04 giờ 29 phút 56 giây (giờ GMT) ngày 31 tháng 7 năm 2024 tức 11 giờ 29 phút 56 giây (giờ Hà Nội) ngày 31 tháng 7 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 2.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.869 độ vĩ Bắc, 108.234 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tất cả 9 trận động đất ở Kon Tum sáng nay đều có cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết, nguyên nhân gây ra trận động đất ở khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã được xác định là do động đất kích thích. Động đất kích thích là do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân...
"Theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ. Tuy nhiên vẫn cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này", ông Xuân Anh nói.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo, hoạt động động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất rất cần thiết và cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đang triển khai 11 trạm quan trắc tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này.
Trước đó, sau khi có trận động đất mạnh 5 độ richter ở Kon Tum gây rung chấn sang nhiều khu vực, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam; Văn phòng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam yêu cầu tỉnh Kon Tum và các địa phương thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại (nếu có).
Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.
Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29 tháng 7 năm 2024 đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28 tháng 7 năm 2024 với độ lớn M = 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận (đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.