Động đến số lượng tài sản lớn của quốc gia phải thận trọng

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 17/04/2017 19:00 PM (GMT+7)
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc làm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng là vấn đề lớn, động đến một lượng tài sản rất lớn của quốc gia cho nên phải thận trọng.
Bình luận 0

img

 Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển.

Chiều 17.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (diễn ra trong tháng 5 và 6.2017).

Về nội dung kỳ họp, đối với đề nghị của Chính phủ về bổ sung nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cần phải căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tức là vấn đề quan trọng nhất là Chính phủ có đảm bảo về chất lượng, đảm bảo về  thời gian để trình ra Quốc hội hay không.

"Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín phải làm 2 kỳ họp Quốc hội chứ không thể làm trong một kỳ họp được. Lần này nếu dự thảo Luật trên đủ điều kiện thì trình ra Quốc hội để cho ý kiến, nhưng nếu dự luật trên Chính phủ không trình ra được kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4 này mà chuyển sang tháng 5.2017 thì cho dừng lại để đảm bảo nguyên tắc. Làm vội vàng là không được, đây đều là vấn đề lớn, động đến một lượng tài sản rất lớn của quốc gia cho nên chúng ta phải thận trọng" - ông Hiển nói.

Theo ông, trong dự thảo chương trình kỳ họp thấy còn thiếu những nội dung rất quan trọng, đó Quốc hội phải cho ý kiến và thông qua các công trình trọng điểm quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, dự án chống ngập ở TP.HCM thế nào... trong khi đó Quốc hội đã bố trí 80 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Giờ các nội dung đó chưa thấy gì cả, nếu không có thì phải dừng lại, như thế vốn không giải ngân được, lãng phí về thời gian.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 là 21,5 ngày, trong đó không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22.5 và dự kiến bế mạc vào ngày 20.6. Đây là điểm khác so với các kỳ họp Quốc hội gần đây, thường sẽ làm việc 2 ngày thứ bảy trong một kỳ họp.

Phát biểu góp ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, không nên làm việc vào thứ bảy "Thời gian đó để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu, các Ủy ban của Quốc hội làm việc. Họp nhiều, họp liên tục hiệu quả không cao. Nội dung họp làm sao phải có thời gian để các đại biểu nghiên cứu tài liệu, còn họp liên miên không có thời gian nghiên cứu tài liệu là không được. Phải chăng một ngày có 6 tiếng làm việc trên hội trường, còn 2 tiếng để nghiên cứu tài liệu" - ông Hiển nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình với sắp xếp phiên họp tới Quốc hội không làm việc vào ngày thứ bảy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem