Dòng họ nào ở Hải Dương có 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi được lưu trong Văn miếu Quốc tử giám?

Nguyễn Việt Thứ ba, ngày 03/12/2024 16:32 PM (GMT+7)
Trên Báo Dân Việt, Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng chia sẻ về bên nhà nội ông có nhiều nhà nho, nhiều nhà khoa bảng. Có 3 cụ trong dòng họ đỗ Tiến sĩ, có văn bia lưu trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Thực hư chia sẻ của Nhà thơ Trần Đăng Khoa về các cụ tổ trong dòng họ như thế nào?
Bình luận 0

Họ Trần ở Điền Trì – dòng dõi Chiêu Minh Đại Vương Thái sư Trần Quang Khải

Phóng viên Dân Việt đã về làng Điền Trì (thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), quê hương của Nhà thơ Trần Đăng Khoa để tìm hiểu về thông tin Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về dòng họ của ông có nhiều nhà nho, nhiều nhà khoa bảng. Có 3 cụ trong dòng họ đỗ Tiến sĩ, có văn bia lưu trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Về đây, gặp người trông coi nhà thờ họ Trần ở Điền Trì, tìm hiểu các thông tin, tư liệu lịch sử về dòng họ Trần ở đây, phóng viên Dân Việt thực sự ngạc nhiên về dòng họ Trần ở đây.

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 1.

Ông Trần Huỳnh được họ tộc giao nhiệm vụ trông coi, hương khói nhà thờ họ Trần Điền Trì ở thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Trần Huỳnh, 58 tuổi, người được giao phụ trách trông coi, nhà thờ họ Trần ở Điền Trì (Di tích lịch sử Quốc gia) cho biết: "Họ Trần ở Điền Trì duy trì đến nay được 23 đời. Thế hệ tôi là đời thứ 19 còn Nhà thơ Trần Đăng Khoa là đời thứ 17. Về vai vế dòng họ, tôi phải gọi là ông, xưng cháu".

Nói về nguồn gốc họ Trần ở Điền Trì, ông Huỳnh cho biết, dòng họ Trần của ông gốc ở Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Đinh). Trong cuốn Niên Phả Lục của cụ Trần Tiến cũng có nói về dòng họ Trần ở Điền Trì có dòng dõi vua nhà Trần.

Tìm hiểu một số tài liệu lịch sử, bài viết và thông tin trong cuốn Niên Phả Lục của Tiến sĩ Trần Tiến biên soạn năm Cảnh Hưng thứ 25 (1764) cho biết: Họ Trần Điền Trì thuộc dòng dõi Thái sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, tức dòng vua Trần Thái Tông – Vị vua khai sáng vương triều Trần (1225 – 1400).

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 2.

Nhà thờ họ Trần Điền Trì là Di tích Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Việt.

Sau đó, cũng không có thông tin tiếp về nguồn gốc, cụ nào về Điền Trì sinh sống, trong thời gian nào. Trong gia phả Họ Trần Điền Trì bắt đầu có ghi thông tin về họ Trần Điền Trì từ thế kỷ XVI.

Họ Trần Điền Trì bắt đầu nổi danh từ đời cụ Trần Thọ gây dựng lên danh tiếng của dòng họ Trần ở đây, bởi sự thành đạt, đóng góp nhiều công lao cho đất nước. Từ đó, các đời con, cháu cụ công danh sự nghiệp đều vinh hiển.

Có 3 cụ tổ nối tiếp đỗ đại khoa

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Sử học Việt Nam, thân thế và sự nghiệp của ba vị đại khoa họ Trần Điền Trì đã được chính sử ghi chép khá cụ thể, tường minh và được bổ sung qua ghi chép của Tiến sĩ Trần Tiến ở công trình Niên Phả Lục, biên chép về hành trạng của Tiến sĩ Trần Cảnh và biên chép về hành trạng của chính tác giả.

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 3.

Phả tộc họ Trần Điền Trị có ghi về 3 cụ Tiến sĩ nối tiếp nhau đăng khoa. Ảnh: Nguyễn Việt.

Tiến sĩ Trần Thọ, sinh năm Kỷ Mão (năm 1639) là con cụ Trần Phúc. Năm 31 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (năm 1670).

Theo tài liệu lịch sử, sự nghiệp của Tiến sĩ Trần Thọ trải qua những chức quan nhỏ ở các trấn như chức Cấp sự trung, chức Giám sát Ngự sử đạo Sơn Tây, chức Đốc đồng đạo Sơn Tây. Sau đó, ông được thăng lên chức Phó Đô Ngự sử, một chức quan ở Ngự Sử đài.

Năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 9 (1688), Trần Thọ và Đốc đồng Đặng Đức Thuận được cử lên Tuyên Quang phối hợp với Trấn thủ Tuyên Quang – Hưng Hoá là Lê Huyến đưa thư sang Vân Nam (Trung Quốc) tranh biện đòi lại vùng đất thuộc 2 châu Vị Xuyên, Bảo Lạc thuộc trấn Tuyên Quang và châu Thuỷ Vĩ thuộc Hưng Hoá của nước ta bị Thổ ty Vân Nam xấm chiếm từ trước.

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 4.

Từ đường quốc lộ 37 đoạn địa phận thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có biển chỉ dẫn đường đến Di tích lịch sử Quốc gia Mộ và nhà thờ 3 vị Tiến sĩ họ Trần. Ảnh: Nguyễn Việt.

Tuy việc không thành nhưng từ sự kiện này, Triều đình Lê – Trịnh càng tỏ rõ quyết tâm đòi lại phần đất đã bị nhà Thanh xâm chiếm. Cuộc đấu tranh ngoại giao tiếp tục kéo dài suốt từ năm Mậu Thìn (1688) đến Mậu Thân (1728), việc đòi lại một phần lãnh thổ bị mất trước kia mới hoàn thành trọn vẹn vào năm Bảo Thái thứ 9 (1728).

Năm Canh Ngọ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 11 (1690), Trần Thọ được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh tuế cống. Do có công đi sứ nên ông được thăng lên chức Công Bộ Hữu Thị lang bên Triều đường (triều Lê), kiêm chức Bồi tụng ở Phủ đường (phủ Chúa Trịnh) và được ban tước Phương Trì Nam.

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 5.

Gian tiền tế của nhà thờ họ Trần Điền Trì. Ảnh: Nguyễn Việt.

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 6.

Toà hậu cung của nhà thờ nơi đặt các khám thờ 3 vị Tiến sĩ, tổ tiên họ Trần Điền Trì. Ảnh: Nguyễn Việt.

Năm Canh Thìn, niên hiệu Chính Hoà thứ 21 (1700), Tiến sĩ Trần Thọ qua đời, hưởng thọ 62 tuổi, sau được tặng phong Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Phương Trì Hầu.

Tiến sĩ Trần Cảnh, sinh năm 1684, khi đó thân phụ Trần Thọ đang giữ chức Đốc đồng đạo Sơn Tây.

Tài liệu lịch sử nói về con đường khoa cử của Tiến sĩ Trần Cảnh như sau: Năm Tân Mão (1711) đỗ Hương Cống khi đã 28 tuổi và đến năm 35 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718). Khoa thi này, sĩ tử tham gia ứng thí là 3000 người, lấy đỗ được 17 người, đủ cả ba giáp.

Sự nghiệp quan trường của Tiến sĩ Trần Cảnh rất phong phú, cũng gập ghềnh, trắc trở, lúc thăng lúc giáng nhưng ông vẫn thể hiện nhiệt huyết, một lòng trung quân ái quốc.

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 7.

Năm 2020, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia cho di tích mộ và nhà thờ 3 vị Tiến sĩ họ Trần Điền Trì. Ảnh: Nguyễn Việt.


Khởi đầu sự nghiệp quan trường, ông giữ các chức quan nhỏ ở các trấn, sau được thăng dần đến các chức quan to hơn ở trong triều cũng như phủ Chúa như: chức Đông Các Học Sĩ, Phủ Đoàn phủ Phụng Thiên, Thượng bảo Tự khanh, Tế tửu Quốc tử giám, Tả Thị lang Bộ Lại.

Thậm chí có thời điểm ông đạt đến đỉnh cao quyền lực, khi ông giữ quyền Tham tụng bên phủ Chúa Trịnh (có tài liệu cho rằng quyền Tham Tụng tương đương chức Tể tướng), có phẩm hàm rất cao trong triều.

Tuy nhiên, vào năm 1741, khi đang giữ chức Tham tụng ở Phủ đường ông bị giáng chức làm Hiệp trấn xứ Hải Dương. Đến năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), Tiến sĩ Trần Cảnh được thăng chức Thương Thư Bộ Công (hàm Tòng nhị phẩm) cùng năm đó ông xin về trí sĩ.

Thời gian này, ở Đàng Ngoài, phong trào nông dân nổi dậy lan rộng, đặc biệt là các cuộc nổi dậy của Vũ Đình Dung ở Sơn Nam, Nguyễn Hữu Cầu ở Đồ Sơn – Hải Phòng, Lê Duy Mật ở Trấn Ninh, Hoàng Công Chất ở Hưng Hoá… Lúc này, chúa Trịnh Doanh rất cần những người phò tá giỏi việc chính sự, thảo việc quân cơ nên đã cho vời Trần Cảnh trở lại triều đình, khởi phục chức Nhập thị Tham tụng, thăng Thượng thư Bộ Hình

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 8.

Bên trong gian hậu cung nơi đặt các khám thờ 3 vị Tiến sĩ họ Trần Điền Trì. Ảnh: Nguyễn Việt.

Cuối năm Cảnh Hưng 11 (1750), Trần Cảnh hộ giá Trịnh Doanh đi đánh Nguyễn Danh Phương ở Sơn Tây. Giành chiến thắng, Trần Cảnh được thăng Thượng thư Bộ Binh chuyên lo việc quân sự. Năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758), ông được thăng Thượng thư Bộ Lễ cùng năm đó ông mất, hưởng thọ 75 tuổi.

Tiến sĩ Trần Tiến là con trưởng của Tiến sĩ Trần Cảnh, sinh năm 1709. Xuất thân trong một gia đình truyền thống Nho học, khoa bảng nên từ nhỏ Trần Tiến đã theo học chữ Nho. Năm Ất Mão (1725) ông được lên Kinh đô vào học tại Quốc Tử giám. Năm 1729 ông thi đỗ Hương cống nhưng thi Hội nhiều lần không đỗ.

Năm Mậu Thìn (1748), triều đình mở khoa thi Hội, Trần Tiến đỗ Đệ tam giúp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Khoa thi này có hơn 3000 sĩ tử ứng thí, lấy đỗ 13 người, chia ba giáp.

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 9.

Ông Trần Huỳnh dâng hương các cụ tổ họ Trần Điền Trì. Ảnh: Nguyễn Việt.

Lúc này, Tiến sĩ Trần Tiến mới thực sự bước vào sự nghiệp quan trường với chức Đốc đồng xứ Hải Dương, rồi chức Thự Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Những năm này, sự nghiệp quan trường của ông cũng gập ghềnh, trắc trở có thăng có giáng và chỉ giữ các chức quan nhỏ ở các trấn.

Năm Bính Tuất (1766), Tiến sĩ Trần Tiến được điều về Kinh giữ chức Hàn Lâm viện Thị thư, hàm Chánh lục phẩm, chuyên có nhiệm vụ biên chép các văn thư. Năm Canh Dân 1770, Trần Tiến mất, thọ 62 tuổi, được tặng phong Công Bộ Hữu Thị lang, tước Bá.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Chú từng có một bài viết về họ Trần ở Điền Trì, trong bài viết, Giáo sư đánh giá rất cao: "Đây là một gia đình thuộc loại danh gia vọng tộc cỡ lớn trên đất Hải Dương xưa, đương thời rất được sùng kính".

Dòng họ nào ở Hải Dương 3 thế hệ nối tiếp đỗ Tiến sĩ, tên tuổi lưu danh trong Văn miếu Quốc tử giám- Ảnh 10.

Ông Trần Huỳnh giới thiệu về tấm bia cổ trong nhà bia tại nhà thờ họ Trần Điền Trì. Ảnh: Nguyễn Việt.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đình Chú: "Ba đời Tiến sĩ nối tiếp nhau trong một gia đình thì quả là hiện tượng hiếm".

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sử học Việt Nam từng đánh giá về dòng họ Trần ở Điền Trì: "Xuất thân dòng dõi vương hầu quý tộc, văn võ, tuy nhiên đến các thế hệ họ Trần Điền Trì từ Trần Thọ trở đi nghiệp văn trở nên rực rỡ, chói sáng với ba đời kế tiếp nhau đỗ đại khoa (kế thế đăng khoa).

Gần trọn một thế kỷ (từ nửa sau thế kỷ XVII đến nửa cuối thế kỷ XVIII, các bậc đại khoa, danh nho họ Trần Điền Trì đã có nhiều cống hiến lớn lao cho sự phát triển quốc gia Đại Việt trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục và bang giao".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem