Đồng Nai: Nghề ép mía, nấu đường "chết" theo giá mía và nhà máy đường

Nha Mẫn Thứ sáu, ngày 29/01/2021 06:00 AM (GMT+7)
Dù giá mía đang tăng cao nhưng người trồng mía ở địa bàn Đồng Nai vẫn vô cùng chật vật vì mía thu hoạch không có nơi tiêu thụ. Nguyên nhân phần lớn là do các nhà máy đường trên địa bàn đã dừng hoặc tạm ngừng hoạt động.
Bình luận 0

Đối mặt nhiều khó khăn

Nhiều ngày qua, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang bước vào thu hoạch vụ mía 2020-2021 nhưng lại phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bà con cho biết, giá mía hiện đang ở mức cao, dao động từ 870.000 - 950.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, do địa phương không có nơi thu mua mía, người trồng phải vận chuyển mía đến tỉnh xa để tiêu thụ. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhiều hộ bị lỗ nặng.

Theo chia sẻ của người dân, Đồng Nai từng là vùng có diện tích trồng mía lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy đường. Có thời điểm, Đồng Nai có trên 10.000ha mía, nhưng nay giảm chỉ còn khoảng gần 300ha.

Nghịch lý: Giá mía cao,  vẫn khó bán - Ảnh 1.

Vùng chuyên canh mía ở xã Gia Canh (huyện Định Quán). Ảnh: Phan Anh

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, sản lượng mía trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng qua chỉ đạt gần 20.000 tấn, giảm gần 97.000 tấn so với cùng kỳ. Sản lượng mía giảm do diện tích mía giảm mạnh vì nông dân chuyển đổi sang các cây trồng khác.

Nguyên nhân diện tích mía giảm là do giá cả thất thường, nhiều doanh nghiệp mía đường phá sản, ngưng hoạt động dẫn đến người dân cũng không còn mặn mà với cây mía. Nhiều diện tích mía bị bà con phá bỏ, chuyển sang cây trồng khác.

Ông Nguyễn Văn - người dân huyện Xuân Lộc cho biết, gia đình ông có 15ha mía và niên vụ này đã ký hợp đồng cung cấp cho Công ty CP Mía đường La Ngà (huyện Định Quán). Phía công ty cũng cam kết hỗ trợ kinh phí đầu tư, chăm sóc cho gia đình ông với mức từ 35 - 40 triệu đồng/ha đối với diện tích mía trồng mới; từ 15 - 18 triệu đồng đối với diện tích mía tái sinh (hình thức cho vay theo lãi suất ngân hàng).

Nhưng đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được nguồn hỗ trợ này. Mới đây, bên công ty mía đường có báo với dân là tạm ngừng thu mua do công ty bị đình chỉ hoạt động. Hiện nay, ông Huân phải chở mía ra tận Ninh Thận để bán.

"Mặc dù phải bán mía rất xa nhưng tôi đành chấp nhận vì không biết phải xử lý số mía ngoài ruộng như thế nào. Để lâu mía bị khô, mất năng suất còn đưa đi bán xa cũng chỉ đủ chi phí vận chuyển" - ông Huân buồn bã nói.

Nghịch lý: Giá mía cao,  vẫn khó bán - Ảnh 3.

Đồng Nai từng là địa phương có vùng nguyên liệu mía dồi dào nhưng nay diện tích mía chỉ còn gần 300ha.

Bà Đào Thị Nhung (người dân ấp 3B, xã Xuân Bắc) đã gắn bó hơn 30 năm với cây mía, cho biết, mấy năm gần đây, giá mía liên tục xuống thấp, nông dân thua lỗ. Nhiều hộ đã chuyển đổi sang canh tác cây trồng khác như mít, cây ăn quả hay rau màu. 

"Năm nay, diện tích mía giảm mạnh. Nguồn cung giảm, tôi kỳ vọng lợi nhuận từ cây mía sẽ khả quan hơn, nhưng tình hình thực tế lại quá thê thảm vì nhà máy tại địa phương ngừng thu mua, chi phí đầu tư cũng không được hỗ trợ như cam kết trước đó. Chúng tôi đang phải xuất mía đi các tỉnh xa nên lợi nhuận gần như là âm" - bà Nhung cho hay.

Nghề ép mía, nấu đường "chết" theo

Gia đình chị Hoàng Thị Phương (ngụ ở huyện Trảng Bom), đã gắn bó với cây mía, với Công ty CP Mía đường La Ngà từ những năm 1990 tới nay. Gia đình chị có 18ha mía, mỗi vụ đều cung cấp cho nhà máy hơn 1.800 tấn mía và đến nay vẫn bám trụ lấy cây mía dù liên tục thất bại.

Trước những khó khăn của vụ mía năm nay, chị Phương mong muốn ngành chức năng tạo điều kiện để công ty mía đường sớm hoạt động trở lại, hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ mía.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Cường - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, cho biết, những năm gần đây, giá mía liên tục xuống thấp, nông dân thua lỗ nên nhiều diện tích đã bị phá bỏ. 

"Vì khó khăn của cây mía, nhiều hộ dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả khiến cho diện tích những cây trồng này tăng đột biến" - ông Cường nhấn mạnh.

Nghịch lý: Giá mía cao,  vẫn khó bán - Ảnh 4.

Thu hoạch mía ở xã Gia Canh (huyện Định Quán). Ảnh: Phan Anh

Không riêng gì những doanh nghiệp mía đường lớn "gặp nạn" mà những hộ ép mía đường thủ công cũng lao đao, phải đóng cửa. Nguyên nhân chính hầu như đều do các vùng nguyên liệu mía không còn nhiều, người dân chuyển đổi sang trồng cây khác cho lợi ích kinh tế cao hơn.

Một số vùng như huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom, huyện Nhơn Trạch nhiều năm trước vẫn giữ được những vùng chuyên canh cây mía nhưng hiện nay cây mía hầu như bị xóa trắng.

Ông Nguyễn Bá Minh - nông dân từng là chủ lò ép mía, nấu đường nổi tiếng lâu năm tại huyện Vĩnh Cửu nói, mấy năm trước xã Bình Lợi có hàng trăm ha mía với hơn 20 lò đường thủ công. Mỗi vụ thu mía là các lò thủ công đỏ lửa suốt ngày đêm ép mía, nấu đường.

Mấy năm trở lại đây, trồng mía vất vả, lợi nhuận lại thấp nên người dân chuyển sang trồng cây ăn trái có múi như bưởi, quýt... cho lợi nhuận cao hơn.

Cũng từ đó, nhiều lò đường thủ công phải ngừng hoạt động. "Bưởi, quýt, cam cho giá trị cao hơn, đặc biệt là vụ tết, nên chúng tôi chuyển sang loại cây ăn trái này. Do đó hiện diện tích trồng mía ngày càng giảm, nguyên liệu cạn kiệt nên ngành mía đường cũng ảnh hưởng. Hiện những người giữ cây mía lại đang tiến thoái lưỡng nan vì mía phải xuất đi rất xa, bù đi tính lại coi như mất trắng" - ông Minh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem