Đồng Nai: Nuôi gà theo chuỗi giá vẫn đạt 26.000 đồng/kg, gấp đôi giá thị trường
Đồng Nai: Nuôi gà theo chuỗi, giá vẫn đạt 26.000 đồng/kg, gấp đôi thị trường
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 27/07/2021 19:00 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT, hiện nguồn cung lương thực thực phẩm của 19 tỉnh, thành phố phía Nam như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ,... rất dồi dào. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn ghi nhận tình trạng khó vận chuyển.
TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai: Tình hình thu mua rau, thịt heo, bò, gà bình thường
Theo báo cáo của Tổ công tác 970, thị trường cung ứng các loại nông sản, thực phẩm tại Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương,... khá ổn định; trong khi tình hình thu mua rau, thịt heo, bò gà bình thường thì cá, tôm, hải sản khó tiêu thụ; giá rau các loại giảm nhẹ.
Tuy Công ty Vissan, đơn vị cung ứng lượng lớn thực phẩm cho thành phố có 43 ca nhiễm Covid-19 và nhiều F1, F2 nhưng TP.Hồ Chí Minh sẽ điều tiết về các cơ sở giết mổ khác để bù đắp nguồn thịt cho thành phố. Trong khi đó, một số cơ sở giết mổ đã hoạt động trở lại sau khi bị giãn cách.
Khảo sát tại Công ty San Hà sáng 27/7, Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT nhận thấy tình hình giết mổ, cung ứng các sản phẩm thịt gia cầm của công ty khá ổn định.
Công ty San Hà là một trong những cơ sở giết mổ lớn tại khu vực phía Nam với 4 nhà máy sản xuất, trên 120 chuỗi trang trại cung cấp thực phẩm cho trên 25 hệ thống siêu thị tại TP. HCM.
Trước giãn cách, công ty cung cấp cho TP.HCM mỗi ngày 80.000 con gà đã giết mổ, nay giảm xuống còn một nửa bởi nhu cầu giảm mạnh: hàng quán đóng cửa, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp hạn chế hoạt động.
San Hà liên kết với các hợp tác xã, hộ chăn nuôi ở Long An và Đồng Nai, đảm bảo toàn bộ đầu ra.
Hiện, San Hà vẫn thu mua gà trong chuỗi liên kết với giá 26.000 đồng/kg, trong khi giá gà trắng ngoài thị trường trong khu vực chỉ có giá 10.000 đồng/kg.
Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết sẽ thúc đẩy hơn nữa các chuỗi liên kết bằng việc hỗ trợ các hợp tác xã.
Trong khi đó, tại Bình Dương, giá thịt heo ổn định, giá gà trắng giảm sâu còn 13.000 đồng/kg (giảm 9.000 đồng/kg so tuần trước, thấp hơn 15.000 đồng/kg so giá thành), giá thịt gia cầm giảm trong khi giá trứng tăng.
Các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương có thể cung ứng 163 tấn thịt heo/ngày, gia cầm 110 tấn/ngày, trâu bò 8 tấn/ngày, trứng hơn 1 triệu quả/ngày, giảm từ 10-20% so với trước giãn cách.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đơn vị phản ánh khó khăn trong thu mua, vận chuyển, lưu thông rau do giấy thông hành, xét nghiệm.
Sở Giao thông vận tải Bình Dương đã ban hành công văn hướng dẫn lưu thông, không cần cấp mã QR khi qua trạm kiểm soát, tạm dừng và miễn thu phí dịch vụ đường bộ.
Tại Đồng Nai, nhiều địa phương đang thiếu nhân công, phương tiện thu hoạch chôm chôm đang chín rộ. Hiện, tỉnh Đồng Nai có 10.147 ha chôm chôm.
Ngoài ra, người chăn nuôi Đồng Nai cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ, hiện cần hỗ trợ tiêu thụ trứng cút, mỗi ngày cung cấp 40.000 trứng.
Đồng bằng sông Cửu Long: Vận chuyển nông sản thuận lợi hơn nhưng giá giảm
Tại Long An, tình hình lưu thông, vận chuyển nông sản gặp khó khăn. Số lượng xe của các hợp tác xã được hoạt động chưa hết công suất.
Việc thu mua nông sản (lúa, chanh) gặp nhiều khó khăn, do thương lái thu mua nông sản ngại di chuyển; thương lái từ các tỉnh khác không được vào Long An dù cung cấp đủ giấy tờ cần thiết (kết quả xét nghiệm âm tính,..).
Tỉnh An Giang lại thiếu nhân công và phương tiện trong thu hoạch thủy sản, hoạt động thu mua giảm so với bình thường do thương lái hoạt động cầm chừng vì dịch. Việc thu mua sản phẩm thịt tăng nhẹ.
Việc thu hoạch lúa tại An Giang vẫn diễn ra bình thường với diện tích được thu mua bởi các công ty liên kết. Việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, các khó khăn trong vận chuyển từng bước được tháo dỡ.
Dự kiến ngày 29/7, Tổ công tác 970 sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức diễn đàn xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau củ; ngày 31/7 tổ chức diễn đàn xúc tiến sản phẩm gia cầm sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng của Tổ công tác để kịp thời gỡ khó những vướng mắc trong lưu thông, tiêu thụ nông sản".
Thứ trưởng Trần Thanh Nam
Tại Cà Mau, việc thu mua tôm bình thường, sản lượng không giảm, việc vận chuyển thuận lợi. Giá tôm thương phẩm ổn định.
Các hoạt động khai thác hải sản duy trì bình thường, tuy nhiên giá thu mua giảm từ 10% - 30% so với trước.
Việc lưu thông, vận chuyển có chậm hơn trước nhưng chưa ảnh hưởng nhiều đến cung ứng hàng hóa và sản xuất.
Tuy nhiên, phí vận chuyển tăng, thời gian kéo dài hơn so bình thường
Tại TP.Cần Thơ, tình hình thiếu nhân công thu hoạch đã được cải thiện nhưng hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá do thương lái ít, vận chuyển khó khăn, chi phí tăng.
Tại Sóc Trăng, có tình trạng thiếu nhân công và phương tiện đặc biệt là đối với những vùng có sản phẩm nông nghiệp đến mùa thu hoạch rộ như nhãn, cam, chanh… Riêng đối với cây lúa, trong thời gian tới khi thu hoạch rộ sẽ thiếu máy gặt đập liên hợp.
Tình hình thu mua và tiêu thụ nông sản tại Sóc Trăng trở lại bình thường sau khi việc cấp phép cho xe tải vận chuyển theo luồng xanh được triển khai, các thương lái đã hoạt động thu mua trở lại. Tuy nhiên giá bán một số loại nông sản thấp hơn so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.