Đồng Nai: Sâu keo mùa thu lan chóng mặt, 300ha bắp xơ xác

Nguyễn Vy Thứ hai, ngày 03/06/2019 12:51 PM (GMT+7)
Sau 1 tháng xuất hiện, sâu keo mùa thu đã gây hại nhiều diện tích bắp (ngô) của tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn chưa có biện pháp khống chế triệt để. Nhiều nông dân lo ngại năng suất bắp vụ hè thu vừa mới xuống giống sẽ bị ảnh hưởng.
Bình luận 0

Loại sâu này được ghi nhận xuất hiện đầu tiên ở huyện Định Quán, sau đó lây lan ra các huyện khác. Tính đến nay, Đồng Nai đã có 6 huyện xuất hiện sâu keo mùa thu hại bắp gồm: Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Trảng Bom và Thống Nhất với tổng diện tích bị hại hơn 300ha.

Ngay tại huyện Thống Nhất, thời điểm cuối tháng 5 chỉ có khoảng 0,3ha bắp bị sâu tấn công. Chỉ sau vài ngày, huyện này hiện đã có hơn 10ha bắp bị sâu keo phá hoại.

img

Sâu keo mùa thu là loài sâu hại mới xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam.

Theo Phòng NNPTNT huyện Thống Nhất, vụ đông xuân trước đó, bắp là loại cây trồng chiếm diện tích lớn nhất trên địa bàn, đạt 780ha (chiếm 53%). Nhờ thời tiết thuận lợi và chủ động nguồn nước tưới nên cây trồng phát triển khỏe mạnh, không có dịch bệnh xảy ra. Năng suất cây bắp khá cao, khoảng 72 tạ/ha. Vụ hè thu năm nay, huyện dự kiến sẽ gieo trồng khoảng 1.400ha bắp.

Hiện tại, nông dân huyện Thống Nhất đã xuống giống được hơn 1.000ha; bắp đã được khoảng 1 tháng tuổi. Nhiều người đang hết sức lo lắng vì loài sâu keo gây hại và lây lan nhanh trên địa bàn.

Tại ruộng bắp của mình ở xã Gia Tân 3, ông Trần Minh Trung kể từ lúc cây bắp lên khoảng 10cm thì sâu keo bắt đầu xuất hiện, cắn rách nát hết phần lá non trên ngọn. Thấy sâu lạ xuất hiện, người dân đã chủ động phun thuốc và bắt cả bằng tay.

img

Sâu keo đã phá hoại khoảng 300 ha bắp ở các địa phương trong tỉnh Đồng Nai.

Ông Trung cho biết, loài sâu này chỉ xịt thuốc thì không thể diệt tận gốc bởi trứng nằm sâu trong thân bắp nên dễ sống sót. Mặt khác, khi trời nóng, sâu lớn chui vào trong thân bắp trốn nên người dân phải phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát thì mới hiệu quả.

Theo ông Lê Mạnh Đạt - Tổ trưởng Tổ hợp tác bắp xã Gia Tân 3, khác với các loại sâu hại bắp trước đây, sức ăn của sâu keo rất khỏe, tốc độ cắn phá nhanh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. “Chúng tôi đồng loạt phun thuốc cùng lúc trên diện rộng để tăng cường tính hiệu quả của thuốc”, ông Đạt nói.

img

Mức độ gây hại của loại sâu này với cây trồng từ 5 – 20%. Cá biệt có phần bắp bị phá hủy 30 – 40%.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàn Mỹ - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thống Nhất đề nghị cần tuân thủ kỹ quy tắc 4 đúng trong phòng trừ sâu bệnh. Nông dân thường có tập quán phun xịt nhiều để phòng ngừa nên dễ làm cho sâu có tính kháng thuốc.

Ông Mỹ khuyến cáo để phòng chống hiệu quả, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và xử lý đúng nguyên tắc hoặc liên hệ cơ quan chức năng để được hướng dẫn cụ thể.

Theo Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Nai, người dân cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ trước khi xuống giống để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Sau vụ mùa cần làm đất, phơi đất để diệt ấu trùng hoặc có thể luân canh sang loại cây trồng khác. Trên các ruộng bắp đã có sâu, nên ưu tiên sử dụng các biện pháp sinh học như sử dụng chế phẩm sinh học để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; thả ong ký sinh trứng, các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem