Tại Đồng Nai hiện nay trung bình mỗi ngày đang phát sinh khoảng 2.000 tấn rác thải sinh hoạt và bình quân mỗi năm phải chi khoảng 500 tỷ đồng để xử lý rác. Tuy nhiên, thời gian qua do vướng mắc về pháp lý, chi phí thu gom xử lý rác... nên việc xử lý thu gom rác thải tại nhiều huyện, thành phố gặp khó khăn.
Cụ thể, theo quy định của Chính phủ, rác sinh hoạt phải được đấu thầu và đơn vị trúng thầu sẽ tiến hành xử lý rác. Nhưng khi các địa phương mở thầu, doanh nghiệp lại e ngại không tham gia đấu thầu vì nhiều năm nay Đồng Nai chưa thay đổi giá xử lý rác nên doanh nghiệp sợ lỗ.
Vì vướng mắc về thủ tục pháp lý, chi phí... nên một số địa phương đang nợ tiền xử lý rác của doanh nghiệp, không thể chi trả. Trong đó một số địa phương nợ doanh nghiệp xử lý rác từ vài tỷ đến trên 10 tỷ đồng.
Để xử lý vấn đề này, mới đây ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các địa phương.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) nói rằng từ đầu năm đến nay Nhơn Trạch chưa thanh toán hết tiền xử lý rác thải cho doanh nghiệp.
Nguyên nhân là do địa phương và doanh nghiệp mới ký hợp đồng nguyên tắc, không phải hợp đồng xử lý chất thải thông qua đấu thầu nên địa phương chỉ tạm ứng kinh phí không quá 70% cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thành, địa phương nhiều lần đấu thầu nhưng không có doanh nghiệp tham gia đấu thầu nên phải ký hợp đồng nguyên tắc với 1 doanh nghiệp để "giải phóng" rác thải. Vì lượng rác thải mỗi ngày là rất lớn nếu không xử lý sẽ ùn ứ nặng.
Tương tự ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho hay địa phương cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền cho doanh nghiệp xử lý rác vì vướng thủ tục, quy định.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày toàn huyện đang phát sinh 90-100 tấn rác thải sinh hoạt.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Xuân Lộc cũng chưa thể thanh toán tiền xử lý chất thải cho Công ty TNHH C.L.C vì vẫn vướng thủ tục nên chưa đủ điều kiện để thanh toán.
Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, Công ty CP thương mại T.T cho biết 2 năm 2017 và 2018 công ty thu gom xử lý rác thải sinh hoạt cho huyện Trảng Bom (Đồng Nai) nhưng đến nay huyện này vẫn chưa thanh toán tiền phí gần 10 tỷ đồng cho công ty.
Còn Công ty CP Dịch vụ S chia sẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, công ty tiếp nhận xử lý rác cho nhiều huyện, thành phố nhưng đa số vẫn chưa được thanh toán đủ tiền.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Phi nói rằng doanh nghiệp bị nợ vài tỷ đến vài chục tỷ sẽ khó khăn trong nâng cấp, đầu tư máy móc... để hoạt động. Vì vậy ông Phi yêu cầu các Sở, ngành, địa phương ngồi lại cùng doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, thanh quyết toán các khoản nợ phí xử lý rác cho doanh nghiệp.
"Cần sớm tìm giải pháp, tháo gỡ nhanh những vướng mắc về thủ tục để không ảnh hưởng đến việc thu gom, xử lý rác sinh hoạt. Bên cạnh đó cũng cần xem xét lại giá xử lý rác sinh hoạt để doanh nghiệp không bị thua lỗ", ông Phi nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.