Đông Ngô và Thục Hán trước lúc diệt vong: Bên đầy của cải, bên chẳng còn nửa lượng bạc

Thứ sáu, ngày 18/09/2020 16:33 PM (GMT+7)
Mặc dù đều bị diệt vong trong tay gia tộc Tư Mã, thế nhưng hoàn cảnh của Thục Hán và Đông Ngô trước lúc bị thôn tính lại khác nhau một trời một vực.
Bình luận 0

Năm 263, Thục Hán bị tiêu diệt dưới tay thế lực Tư Mã đang điều khiển chính quyền Tào Ngụy khi đó. Chưa đầy hai thập kỷ sau, Đông Ngô cũng bị vương triều Tây Tấn của gia tộc này xóa sổ vào năm 280.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, kể từ sau trận đại chiến Di Lăng, thực lực của Đông Ngô đã vượt mặt Thục Hán trên nhiều phương diện, đặc biệt là phương diện kinh tế.

Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, vào thời điểm kiểm kê quốc khố sau khi bị diệt vong, số lượng tài vật của nước Thục vẫn rất dồi dào phong phú, trong khi đó nước Ngô chỉ còn lại một quốc khố không có lấy nửa lượng vàng bạc.

Vậy liệu rằng đâu là nguyên nhân dẫn tới điều kỳ lạ tưởng như không thể xảy ra này?

Đông Ngô và Thục Hán trước lúc diệt vong: Bên đầy của cải, bên chẳng còn nửa lượng bạc - Ảnh 1.

Ngỡ ngàng trước quốc khố dồi dào tới mức khó tin của Thục Hán ở thời điểm diệt vong

Năm 263 sau Công nguyên, quyền thần nước Ngụy là Tư Mã Chiêu điều động đại quân ồ ạt chinh phạt Thục Hán.

Thực lực của nước Thục vốn thua xa so với Tào Ngụy, hơn nữa lúc này Gia Cát Lượng đã qua đời từ lâu, Lưu Thiện lại tin dùng hoạn quan, đại tướng Khương Duy bị gạt bỏ, nội bộ thế lực này từ sớm đã lộ rõ nhiều mâu thuẫn và yếu kém.

Không nằm ngoài dự đoán, dưới sự tấn công của đại quân nước Ngụy, Lưu Thiện mất đi ý chí chiến đấu, mở cổng thành chủ động xin đầu hàng. Sau khi Thục Hán bị diệt, quốc khố hiển nhiên bị Ngụy quốc thu vào trong túi.

"Tam Quốc chí" ghi lại, vào thời điểm kiểm kê, số lượng tài vật trong quốc khố nước Thục còn rất phong phú, bao gồm "400 ngàn hộc gạo, 2000 cân vàng bạc, 200 ngàn cuộn gấm vóc tơ lụa".

Từ đó có thể thấy, Lưu Thiện mặc dù thiếu đi tư chất làm chính trị nhưng cũng không phải quá mức vô năng. Nếu không thì dưới thời vị Hậu chủ này, Thục Hán khó có thể sở hữu một số lượng của cải dồi dào tới vậy.

Nguyên nhân khiến quốc khố Đông Ngô cạn kiệt tới chẳng còn tới nửa lượng bạc trước lúc suy tàn

Đông Ngô và Thục Hán trước lúc diệt vong: Bên đầy của cải, bên chẳng còn nửa lượng bạc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Không lâu sau khi Thục quốc diệt vong, giang sơn nhà Ngụy bị Tư Mã Viêm soán đoạt, vương triều Tây Tấn được thành lập.

Như vậy ba nước từng tam phân thiên hạ năm xưa tới lúc đó chỉ còn lại một mình Đông Ngô – thế lực chủ yếu dựa vào địa thế hiểm yếu của Trường Giang để cầm cự.

Tháng 11/279, sau một thời gian dài chuẩn bị, Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm phái người thống lĩnh đại binh, đột phá phòng tuyến Trường Giang, phát động cuộc chiến cuối cùng với Đông Ngô.

Trong ấn tượng của hậu thế, Lưu Thiện dường như là một Hoàng đế vô năng điển hình.

Thế nhưng nếu so với một hôn quân bạo ngược như Tôn Hạo của nước Ngô thì vị Hậu chủ này vẫn còn khá hơn rất nhiều.

Sinh thời, Tôn Hạo không chỉ thiếu tài trị quốc, dụng binh mà còn sở hữu tính tình bạo ngược, ham thích giết chóc, háo sắc hoang dâm.

Bởi vậy mà khi đối mặt với sự tấn công ồ ạt của nhà Tây Tấn, hôn quân này không khỏi sợ hãi, binh tướng dưới trướng cũng chẳng còn chút ý chí chiến đấu nào, Đông Ngô căn bản không có cơ hội chống lại.

Kết quả là tháng 5/280, khi thấy đại cục đã không còn giữ được, Tôn Hạo vì bảo vệ tính mạng của bản thân nên đã quyết định đầu hàng nhà Tây Tấn.

Kể từ đây, Đông Ngô chính thức diệt vong, giai đoạn Tam Quốc cũng chấm dứt từ đó.

Đông Ngô và Thục Hán trước lúc diệt vong: Bên đầy của cải, bên chẳng còn nửa lượng bạc - Ảnh 3.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.

Thế nhưng điều khiến nhiều người không khỏi bất ngờ lại nằm ở chỗ, vào thời điểm đầu hàng Tây Tấn, quốc khố của nước Ngô gần như trống rỗng.

Theo đó, khi quân Tây Tấn tiến hành kiểm kê, phát hiện ra rằng trong quốc khố Đông Ngô chỉ còn vẻn vẹn "280 vạn hộc lúa gạo", còn vàng bạc thì tới nửa lượng cũng chẳng có.

Nhìn vào diện tích cương vực, số lượng dân số cũng như trình độ phát triển kinh tế, không khó để nhận thấy Đông Ngô sở hữu thế lực mạnh hơn Thục Hán. Vì thế khó ai có thể tượng tượng được rằng quốc khố của tập đoàn chính trị này lại có thể rơi vào tình cảnh như vậy.

Tuy nhiên theo phân tích của Qulishi, việc quốc khố Đông Ngô không còn chút vàng bạc nào là điều không hề khó hiểu. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ những lý do dưới đây.

Thứ nhất, Tôn Hạo là một "phá gia chi tử" điển hình.

Năm xưa, đại đế Tôn Quyền cả đời lao lực tích cóp, lưu lại cho hậu duệ một cơ ngơi không nhỏ. Thế nhưng cơ nghiệp ấy lại truyền vào tay Tôn Hạo – một kẻ phung phí vô độ, tiêu tiền như nước.

Tôn Hạo trời sinh đã ham thích sự xa hoa, trong lúc còn tại vị từng xây dựng không ít các công trình tốn kém, hao tốn một lượng vàng bạc kếch xù.

Minh chứng là sử cũ ghi lại, tháng 6/267 âm lịch, vị Hoàng đế này cho xây cung Chiêu Minh, sai bá quan văn võ phải vào rừng kiếm gỗ.

Ông còn cho xây nhiều vườn tược, cung điện, đền đài vô cùng tinh tế đẹp đẽ, tốn kém ngân khố không biết bao nhiêu mà kể.

Thứ hai, tương truyền rằng hậu cung của Tôn Hạo sở hữu tới hàng ngàn mỹ nữ.

Vì để chiều lòng những cung tần này và cũng để phục vụ cho thói háo sắc của bản thân, Tôn Hạo thường xuyên hạ lệnh chế tác vô số đồ trang sức từ vàng bạc đá quý để ban cho họ.

Sự phung phí vô độ này còn thể hiện ở chỗ, một khi hay tin trang sức của ai có chút hư hại, vị vua này liền lập tức ban cho họ  đồ mới mà chẳng chút đắn đo suy nghĩ.

Không dừng lại ở đó, các thợ kim hoàn cũng lợi dụng sở thích của Hoàng đế để bòn rút được một số lượng của cải, vàng bạc không nhỏ từ quốc khố.

Thứ ba, Đông Ngô đã trải qua hai lần tổn thất tiền bạc nghiêm trọng trước thời điểm diệt vong.

Đông Ngô và Thục Hán trước lúc diệt vong: Bên đầy của cải, bên chẳng còn nửa lượng bạc - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Lần thứ nhất là khi chuẩn bị chiến đấu với đại quân Tây Tấn, Tôn Hạo vì muốn khích lệ tinh thần binh sĩ nên đã tuyên bố trọng thưởng ba quân.

Mặc cho việc quốc khố đã sắp suy kiệt, vị vua này vẫn thẳng tay rút vàng bạc từ đó ra để ban thưởng cho binh lính.

Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, điều này không mấy khích lệ được tinh thần quyết tử của họ mà còn tạo điều kiện cho không ít kẻ lẳng lặng ôm của rồi đào ngũ.

Lần thứ hai tổn hại quốc khố xảy ra ngay khi Tôn Hạo xin hàng. Quân Ngô thấy nhà vua đã đầu hàng, liền xông vào hoàng cung để cướp của, phóng hỏa.

Tới đây, kho vàng núi bạc của Đông Ngô đã bị cướp đoạt tới chẳng còn một thứ gì. Cho nên ở vào thời điểm thắng trận, quân đội Tây Tấn mới chẳng thể thu hoạch được chút vàng bạc nào từ quốc khố trống rỗng này.

PV (Theo Pháp luật và bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem