Vào tháng 4 năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên thí điểm đồng tiền kỹ thuật số, đồng nhân dân tệ điện tử hoặc còn gọi là đồng CNY điện tử (e-CNY). Đồng e-CNY cuối cùng sẽ thay thế tiền mặt vật chất và hiện đang được thử nghiệm ở các thành phố của Trung Quốc, được tích hợp với hệ thống Thanh toán điện tử tiền tệ kỹ thuật số (DCEP) và mạng xử lý dữ liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) điều hành.
Khi cung cấp cho người dân một giải pháp thay thế cho các loại tiền điện tử phi tập trung như Bitcoin (mà Trung Quốc đã cấm), và hợp tác với những gã khổng lồ công nghệ của đất nước hiện đang thống trị không gian thanh toán điện tử, có thể thấy Trung Quốc đang vô hiệu hóa các mối đe dọa chính từ bên ngoài và bên trong, thông qua việc quản lý gắt gao và kiểm soát chính sách tiền tệ của nước này.
Một bài báo gần đây trên tờ nhật báo South China Morning Post lưu ý rằng, trọng tâm trước mắt của Trung Quốc là đối nội. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, Huawei đã giới thiệu vào thị trường châu Phi dòng điện thoại Mate 40- một điện thoại thông minh có cài đặt sẵn ví điện tử giao dịch đồng CNY sử dụng mạng DCEP. Tín hiệu này cho thấy, có vẻ như trọng tâm thứ hai của Trung Quốc rất có thể là châu Phi - với mục tiêu hướng tới việc chiếm sức ảnh hưởng chính trên hệ thống tài chính toàn cầu.
Không nơi nào có thể chứng minh điều này rõ ràng hơn về chiều sâu và bề rộng của các khoản đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ, dịch vụ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như ở châu Phi. Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã chinh phục các thị trường này nhờ giá cả thấp, sẵn sàng đầu tư vào các môi trường rủi ro hơn, việc gia hạn các khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại cho các chính phủ châu Phi, trong khi đó Châu Phi cũng tăng cường hợp tác, sử dụng các công ty Trung Quốc và các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng châu Phi, chẳng hạn như smartphone có chất lượng camera tốt nhất...
Về việc tăng cường sự hiện diện của mình thông qua phần cứng công nghệ, các công ty Trung Quốc kể từ giữa những năm 2000 đã mua lại gần 50% thị trường điện thoại di động của Châu Phi và 70% trong các lớp mạng dịch vụ di động. Khoảng một nửa số điện thoại thông minh bán ra ở châu Phi vào năm 2020 là do Trung Quốc sản xuất, 40% trong số đó là từ Transsion có trụ sở tại Thâm Quyến. Trong quý 2 năm 2021, Transsion nắm giữ 47,4% thị trường, với Samsung (Hàn Quốc) và Xiaomi (Trung Quốc) ở vị trí thứ hai và thứ ba.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã xâm nhập đáng kể vào không gian thanh toán điện tử của châu Phi thông qua các nền tảng như Ant's AliPay, và bằng cách đầu tư vào các công ty khởi nghiệp thanh toán kỹ thuật số do châu Phi lãnh đạo. Các thiết bị cầm tay của châu Phi phần lớn hoạt động trên cơ sở hạ tầng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) của Trung Quốc xây dựng, do các công ty Trung Quốc (như Huawei, ZTE và China Telecom) điều hành và được xây dựng bằng các khoản vay do chính phủ Trung Quốc cung cấp. Huawei đã lắp đặt tới 70% trạm mạng 4G ở châu Phi và có khả năng sẽ thiết lập tất cả các trạm mạng 5G mới tại lục địa này.
Trung Quốc chắc chắn có thể tận dụng sự tham gia sâu rộng này và chuyên môn địa phương ở châu Phi để thúc đẩy đồng CNY điện tử khi đến thời điểm thích hợp. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mới cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy các dòng chảy tài chính và thương mại liên minh châu Phi và Trung Quốc. Điều này có nhiều khả năng xảy ra khi mà nhiều loại tiền tệ của châu Phi không ổn định và dễ bị mất giá; trong khi đó việc chuyển đổi tiền tệ châu Phi sang các loại tiền tệ châu Phi khác hoặc sang đô la Mỹ lại có thể rất tốn kém và phức tạp.
Ngay cả khi các nước châu Phi nếu không áp dụng đồng e-CNY, Trung Quốc vẫn có thể khai thác sức mạnh của mình trong lĩnh vực CNTT và chiếm ưu thế ngành fintech của châu Phi để định hình hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số mới nổi của châu Phi. Họ có thể kiểm soát kiến trúc tài chính kỹ thuật số của châu Phi, chẳng hạn như bán hoặc cho thuê công nghệ vận hành cơ bản cho các chính phủ châu Phi để tạo ra đồng nội tệ mới có thể tương tác với đồng e-CNY chẳng hạn.
Giới quan chức quốc tế nhận định, Trung Quốc đang chơi một cuộc chơi dài hơi - và đang đi trước một số nền kinh tế lớn khác. Họ đang dần tích cực thực hiện các bước để quốc tế hóa đồng nhân dân tệ thông qua các nỗ lực như thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, thành lập các ngân hàng thanh toán bù trừ đồng nhân dân tệ ở nước ngoài.
Điều này cho thấy, sự phát triển tiềm năng của một mạng lưới hệ thống thanh toán kỹ thuật số toàn cầu mới với sự kiểm soát và giám sát tập trung ở Bắc Kinh là có thật. Một khi Trung Quốc hoạt động suôn sẻ trên sân nhà, châu Phi có thể sẽ là bến đỗ tiếp theo của họ. Các nhà bình luận và các nhà hoạch định chính sách các nước sẽ là khôn ngoan nếu giám sát sự phát triển của đồng e-CNY khi nó triển khai trên lục địa, phủ sóng trên các ứng dụng điện thoại di động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.