Việc Moscow yêu cầu phương Tây mua khí đốt bằng đồng rúp khiến nội tệ Nga tăng giá trở lại (ảnh: Reuters)
Ở mức đỉnh của phiên giao dịch, tỷ giá đồng rúp đạt dưới 83 rúp đổi 1 USD – cao nhất trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây. Cuối phiên, mức tăng của đồng rúp bị thu hẹp lại, đạt 85 rúp đổi 1 USD. Theo một số chuyên gia, giá đồng rúp mạnh trở lại được xem là thành công không nhỏ đối với Moscow, bất chấp những lệnh trừng phạt kinh tế liên tiếp từ phương Tây.
Trước đó, hôm 7.3, đồng rúp của Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục, 150 rúp đổi 1 USD. Đây là thời điểm Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.
Iskander Lutsko – chuyên gia tài chính cao cấp thuộc công ty Iskander Lutsko – cho rằng, có 2 nguyên nhân khiến đồng rúp tăng trở lại. Thứ nhất, Nga tuyên bố buộc một số nước “không thân thiện” mua khí đốt bằng đồng rúp. Thứ 2, Nga yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải chuyển đổi 80% ngoại tệ sang đồng rúp.
Sau những tác động ban đầu của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga thực hiện một loạt các biện pháp để ngăn lạm phát trong nước tăng cao. Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất tiền gửi lên 20%, trong khi đó, Điện Krenlin áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc người dân đổi rúp sang USD hoặc euro.
Sự phục hồi của đồng rúp là dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga không thực sự hiệu quả như tuyên bố của phương Tây, theo Euro News.
Tuy nhiên, kinh tế Nga cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng.
Theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), quy mô kinh tế Nga có thể bị thu hẹp 10% trong năm nay, trong khi GPD có thể giảm tới 20% do tác động trực tiếp và gián tiếp từ cuộc xung đột ở Ukraine.
“Tất nhiên, có những khó khăn thực sự mà Nga đang phải đối mặt. Chúng ta đang bị cô lập khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp tăng và kinh tế rối loạn. Tuy nhiên, những nỗ lực làm suy yếu Nga đã thất bại vì chúng ta có sự chuẩn bị tốt”, Dmitry Medvedev – phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga – nói với TASS.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.