Đồng SQUID sụp đổ: Từ cảm hứng phim “Squid Game” đến còn 0 đồng trong vài giờ
Đồng SQUID sụp đổ: Từ cảm hứng phim “Squid Game” đến còn 0 đồng trong vài giờ
Huỳnh Dũng
Thứ tư, ngày 03/11/2021 08:29 AM (GMT+7)
Hàng triệu đô la biến mất chỉ trong vài phút sau khi các nhà đầu tư đổ xô vào một loại tiền điện tử mới có tên mã là SQUID, lấy cảm hứng từ phim “Squid Game”, phim sinh tồn nổi tiếng của Netflix, khi giá trị của nó giảm xuống gần bằng 0 trong vài giờ ngắn ngủi.
Cụ thể, theo dữ liệu từ trang web theo dõi tiền điện tử Coinmarketcap, sau khi phim Squid Game làm mưa làm gió trên thị trường giải trí thì ngay lập tức đồng token ăn theo cùng tên (tên mã: SQUID) đã nhanh chóng xuất hiện trên thị trường tiền điện tử. Giá của đồng SQUID bất ngờ tăng vọt trong ngày 1/11. Vào lúc 13h, giá ở mốc 38 USD. Sau đó, cứ mỗi giờ mức giá lại tăng vài lần, và đến 16h đã đạt mức 523 USD.
Sau đó 35 phút, mức giá đạt đỉnh ở 2.861,8 USD, tức là tăng 75 lần chỉ trong hơn 3 giờ. Theo Coinmarketcap, đây là mức tăng trưởng chưa từng có trong thị trường tiền mã hóa. Tuy nhiên, cũng trong chiều ngày 1/11, chỉ 5 phút sau khi đạt đỉnh, giá SQUID sập mạnh. Từ mức đỉnh 2.861,8 USD, giá đồng tiền này hạ xuống cực thấp chỉ còn 0,0007926 USD, tức là gần như mất tất cả.
"Chuyện xưa như Trái Đất"
Chuyên gia tài chính Richardson nói với tờ CBS MoneyWatch rằng: "Đó là một câu chuyện đã quá cũ, chỉ có điều nhiều nhà đầu tư đã quên bẳng đi nó". Richardson cho biết, những người sáng tạo tiền tệ Squid đã tận dụng sức nóng của phim truyền hình Netflix cực kỳ nổi tiếng "Squid Game" để đánh tâm lý vào các nhà đầu tư - đặc biệt là những người thuộc thế hệ millennial và Gen Z - muốn có lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn, Richardson nói. Nhưng mọi người lẽ ra phải nhìn thấy trò lừa đảo này đang đến, anh ấy nói. Mấu chốt chết người nằm ở chỗ: Trang web Squid Coin nói với các nhà đầu tư rằng, tiền của họ phải được bảo mật sau một tính năng công nghệ chống bán phá giá, đồng nghĩa họ sẽ không thể bán sớm dù giá có ở mức cao đạt đỉnh.
Richardson nói: "Nếu tiền của bạn bị khóa, điều đó cho thấy rõ ràng đó là một trò lừa đảo". Như vậy, có thể thấy, đà giảm đột ngột này đã lột trần bộ mặt khác từ cơn cuồng tiền mã hóa. Bởi trước khi giảm đột ngột, CoinMarketCap đã gắn cảnh báo về tính thanh khoản của đồng SQUID trên sàn giao dịch phi tập trung PancakeSwap.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đồng token này đã gặp hiện tượng rug pull, một trong những trò lừa đảo quen thuộc nhất trong thế giới tài chính phi tập trung. Nói về sự cố này, công ty ví tiền mã hóa Trust Wallet nhận định, đây là một ví dụ điển hình cho "rug pull", hình thức mà nhà phát triển thu lợi nhuận khi thổi giá đồng coin do chính mình tạo ra.
Trong thế giới tiền mã hóa, rug pull chỉ việc những người phát triển một đồng tiền bỏ dự án đột ngột và mang theo tiền của nhà đầu tư. Đây là hình thức lừa đảo khá phổ biến trong giới tiền mã hóa, nhất là với những dự án tài chính phi tập trung (DeFi), khi mà toàn bộ các giao dịch được tiến hành bằng những đoạn code chứ không có một tổ chức nào quản lý.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng nhiều lần chỉ ra điểm bất thường về dự án này trên mạng xã hội. Website giới thiệu dự án có nhiều lỗi chính tả, các kênh giao tiếp thường gặp như Telegram hay Twitter đều chặn hoặc lọc bình luận của người ngoài. Theo nguồn kiểm tra lừa đảo Scamadviser, trang web chính thức của token Squid Game chỉ có điểm tin cậy là 45/100.
Không chỉ vậy, một tài khoản Twitter có tên Crypto Tyrion cho biết những nhà sáng lập của token SQUID thậm chí không thuộc mạng lưới chuyên nghiệp của LinkedIn. Đồng thời, tài khoản này nhấn mạnh rằng nhóm sáng lập của SQUID cũng chặn các bình luận của người dùng trên Twitter. Dấu hiệu đáng ngờ nhất là việc nhà đầu tư không thể bán đồng tiền này dù giá của nó tăng mạnh. Trên sàn PancakeSwap, nhiều người cho biết không thể đặt lệnh bán đồng SQUID.
"Sự thật là rất ít cá nhân đầu tư vào memecoin dành thời gian đọc Sách Trắng hay tìm hiểu dự án. Điều này luôn đi kèm với rủi ro", Henri Arslanian, lãnh đạo và đối tác mảng tiền mã hóa của PwC khẳng định.
Màn lừa đảo tài chính từ trào lưu ăn theo
Bởi một thực tế từ trong thời gian qua cho thấy, trong thế giới tiền mã hóa, chỉ cần một sự kiện nổi bật, những kẻ cơ hội đã có khả năng tạo ra hàng loạt tiền mã hóa ăn theo khác nhau. Trên CoinGecko, không khó để người ta bắt gặp các token liên quan đến chú chó Shiba Inu có tên Floki của tỷ phú Elon Musk như Floki Inu, Floki Musk, Shiba Floki, Baby Moon Floki, FlokiSwap hay FlokiMooni.
Jake Moore, chuyên gia an ninh mạng tại công ty an ninh mạng ESET cho biết: "Giống như nhiều trò lừa đảo trên internet, các trò gian lận tiền điện tử liên kết chặt chẽ với các xu hướng phổ biến, và sau sự thổi phồng của phim Squid Game, điều này cũng không có gì khác biệt. Bởi tiền điện tử dựa trên meme hoặc được liên kết với văn hóa internet đã ghi nhận sự bùng nổ và phá sản nhanh chóng trong năm nay, lặp lại sự phổ biến tăng vọt của các loại tiền điện tử chính thống như bitcoin".
Ngoài ra, sự sụp đổ của đồng Squid cũng làm nổi bật những lỗ hổng quy định đối với tiền điện tử, khi các cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân vội vàng tìm cách nắm bắt khoản đầu tư dễ bay hơi ngày càng phổ biến này. Yousra Anwar, một biên tập viên tại CoinMarketCap cho biết, các nhà phát triển tiền meme như Squid sẽ rất mánh mung, linh hoạt. Nếu các nhà đầu tư nghi ngờ có hành vi sai trái tài chính, họ có thể lập tức ôm tiền và chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác.
Một nhà đầu tư sống ở Thượng Hải chỉ được xác định bằng tên tiếng Anh là Bernard qua thông tin giao dịch đồng SQUID nói: "Đó là một bi kịch. Tôi không biết làm cách nào để gỡ lại nỗi mất mát của mình". Bernard nói với tờ CNBC rằng, anh ấy hiện đang lo lắng về khoản nợ thanh toán các hóa đơn của mình. Thậm chí, Bernard cho biết anh đã liên hệ với FBI và SEC về khoản đầu tư bị mất. Còn các nhà đầu tư khác đang tìm cách liên hệ các nhà phát triển của Squid nhưng chưa có tín hiệu khả quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.