Đồng Tháp: Giúp nông dân gỡ nhiều điểm nghẽn do dịch Covid-19 qua... kênh “Zalo 3 cấp”

Mỹ Lý Thứ sáu, ngày 24/09/2021 12:30 PM (GMT+7)
Thông qua kênh “Zalo 3 cấp”, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ của nông dân trong bối cảnh dịch Covid -19.
Bình luận 0

Mô hình "Zalo 3 cấp"

Chia sẻ về việc triển khai nhóm "Zalo 3 cấp" (Nhóm Zalo Hội Nông dân tỉnh, huyện, xã), bà Phan Thị Kim Nhung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết: Với những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh thì phương thức chỉ đạo và thông tin bằng văn bản truyền thống sẽ không thể theo sát được tình hình ở cơ sở. Trước tình hình đó, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai ngay phương án thành lập nhóm "Zalo 3 cấp".

Giúp nông dân gỡ nhiều điểm nghẽn do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Kim Nhung (bìa trái) khảo sát và hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân trồng bắp xã Tân Khánh Trung, huyện lấp Vò. Ảnh: M.L

Qua nhóm "Zalo 3 cấp", anh em cơ sở không chỉ làm theo sự chỉ đạo một chiều từ ở trên xuống mà đã bắt đầu chủ động tham mưu, đề xuất nhiều cách làm hay cho Hội Nông dân cấp tỉnh và huyện. Từ đó nhiều "điểm nghẽn" trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ của nông dân dân được kịp thời giải quyết.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nhóm "Zalo 3 cấp" đã làm tốt vai trò tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cơ sở. Đặc biệt, qua nhóm "Zalo 3 cấp" này có rất nhiều sáng kiến hay của anh em ở cơ sở được phát huy và nhân rộng.

Theo bà Nhung: Qua kênh làm việc nội bộ này, anh em ở cơ sở không chỉ làm theo sự chỉ đạo một chiều từ ở trên xuống mà đã bắt đầu chủ động tham mưu, đề xuất nhiều cách làm hay cho Hội Nông dân cấp tỉnh và huyện. Từ đó nhiều "điểm nghẽn" trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ của nông dân dân được kịp thời giải quyết.

Một trong những mô hình hay được "sinh ra" từ kênh "Zalo 3 cấp" giúp nông dân ở các địa phương giải quyết được bài toán thiếu nhân công vào các vụ mùa thu hoạch phải kể đến là mô hình tổ nông vụ do Hội Nông dân chủ trương thành lập. Đến thời điểm hiện tại, Tổ nông vụ đã được thành lập ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh, mô hình đã giúp nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản kịp thời, giảm thiểu thiệt hại và thất thoát do ảnh hưởng dịch.

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười phấn khởi cho biết: "Được sự chỉ đạo từ Hội Nông dân tỉnh và huyện, Hội Nông dân xã chủ động tham mưu và được UBND xã tạo điều kiện để tổ nông vụ được hoạt động. Để đảm bảo vừa hỗ trợ người dân phát triển sản xuất vừa phòng, chống dịch, UBND xã Đốc Binh Kiều tạo điều kiện để anh em trong tổ nông vụ được tiêm vaccine phòng Covid -19. Từ ngày thành lập đến nay, tổ nông vụ đã giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển nhiều diện tích lúa và hoa màu...".

Tính đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập được hơn 147 tổ nông vụ, 69 tổ và điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân, vận hành 1 mô hình ký gửi nông sản... Trung bình mỗi ngày, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân tình nhà trên 500 tấn nông sản, thủy sản các loại...

Cán bộ Hội và nông dân cùng nhau vượt khó

Bà Phan Thị Kim Nhung cho biết: Trong chương trình hành động năm 2021, Hội Nông dân tỉnh cũng không nghĩ sẽ phải đối mặt với những tình huống khó khăn như trong hai tháng dịch Covid-19 bùng phát vừa qua. "Khi dịch Covid-19 ập tới, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không hề có kịch bản chuẩn bị trước. Khó ở đâu thì vào cuộc gỡ ở đó. Và mỗi cán bộ hội ở các cấp phải luôn học hỏi và ứng phó linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh để từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân tốt nhất".

Theo bà Nhung: Khi tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa, anh em cán bộ hội bắt đầu hiểu và nắm bắt được những xu thế và yêu cầu của thị trường... Đây là kinh nghiệm quý báu để sau dịch, cán bộ hội sẽ cùng với các ngành đồng hành và hướng dẫn nông dân tốt hơn.

"Sau giai đoạn này, chúng tôi nhận thấy nhiều nông dân đã có sự thay đổi rõ rệt, từ chỗ mạnh ai nấy làm thì giờ đây nhiều nông dân đã ý thức hơn với việc làm ăn tập thể"- bà Nhung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tổng - nông dân trồng bắp ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò tâm sự: "Trước đây, tôi chỉ nghĩ đơn giản nhà trồng chỉ có mấy công rẫy thì tham gia hợp tác xã làm gì trong khi vẫn có thể bán tốt ngoài thị trường. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ập tới, khó khăn trong di chuyển thì mối lái thân thiết cỡ nào cũng bỏ mình. May nhờ Hội Nông dân xã làm đầu mối, liên kết tiêu thụ rồi hỗ trợ vận chuyển nên mấy công bắp của gia đình tôi mùa này đã bán được. Sau đợt này, tôi sẽ nhờ Hội Nông dân giới thiệu tham gia thành viên hợp tác xã để sau này kết nối mua bán thuận tiện hơn".

Khi trực tiếp tham gia vào công tác hỗ trợ nông dân trong mùa dịch, nhiều cán bộ hội nông dân ở cấp cơ sở gần như cùng một lúc phải đảm đương nhiều vai trò như kết nối, vận chuyển và cả tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

Chị Phạm Thị Xuân Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò tâm sự: "Khi trực tiếp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa, có thực tế làm chúng tôi hiểu hơn về cung cách làm việc với đối tác thu mua...

Có những lúc công việc hỗ trợ nông dân rất vất vả bởi cùng lúc chúng tôi phải đảm đương nhiều vai trò như tìm đối tác, nhận đơn hàng, vận chuyển, giao hàng... nhưng được sự ủng hộ của bà con nông dân cũng như thương lái nên anh chị em cảm thấy rất vui và động viên nhau cùng cố gắng". 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem