Trồng cây trà hoa vàng, nông dân Lạng Sơn hái hoa bán giá tới 700.000 đồng/kg, cứ như bán vàng
Lạng Sơn: Ở vùng đất này dân trồng thứ cây xanh tốt quanh năm, ra thứ hoa vàng bán với "giá vàng"
Thứ sáu, ngày 24/09/2021 05:03 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, người dân xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) đã đưa cây trà hoa vàng vào trồng thử nghiệm. Đến nay, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn.
Gia đình anh Dương Kim Hình, thôn Nà Xỏm là hộ đầu tiên trồng cây trà hoa vàng trên địa bàn xã Lợi Bác từ năm 2014.
Ban đầu anh trồng thử 50 cây với diện tích nhỏ, nhận thấy cây sinh trưởng tốt và có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2017 đến nay, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích.
Hiện tại, gia đình đang trồng 1.600 cây, trong đó, khoảng 200 cây trà hoa vàng đã cho thu hoạch, mỗi vụ thu về hơn 100 triệu đồng.
Anh Hình cho biết: Sau 3 đến 4 năm trồng, cây bắt đầu cho hoa. Thời điểm tốt nhất để thu hoạch và bán được giá cao là từ tháng 10 đến tháng 3 (âm lịch), trước khi hoa nở rộ.
Trước khi cây trà hoa vàng cho thu hoạch hoa cần chú ý tới công đoạn cung cấp độ ẩm và phân bón cho cây để đảm bảo giữ được nụ hoa.
Trung bình 1 cây có thể cho thu từ 1 đến 2 kg hoa tươi/vụ/năm (một vài cây lâu năm cho thu từ 5 đến 7 kg). Năm nay, tôi bắt đầu ươm thêm cây giống từ quả cây hoa trà để chủ động nguồn giống trong sản xuất và bán cho bà con quanh vùng.
"Năm nay, có hơn 70 cây bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên, ước được khoảng 50 kg hoa tươi. Với giá bán hiện nay từ 500.000 đến 700.000 đồng/kg hoa trà tươi (tùy chất lượng hoa), bà Đặng Thị Xoan, thôn Nà Xỏm, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Không riêng gia đình anh Hình, nhận thấy hiệu quả kinh tế, một số hộ dân ở xã Lợi Bác đã đem giống cây trà hoa vàng về trồng từ năm 2018.
Sau một thời gian chăm sóc cho thấy, cây trà hoa vàng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở xã và có ưu điểm như: dễ trồng, dễ chăm sóc, trà hoa vàng được bán với giá cao…Vì thế, nhiều hộ đã mở rộng diện tích.
Đến nay, xã Lợi Bác có 25 hộ trồng cây trà hoa vàng với tổng diện tích khoảng 5 ha, chủ yếu ở thôn Nà Xỏm.
Bà Đặng Thị Xoan, thôn Nà Xỏm cho biết: Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây trà hoa vàng, năm 2018, gia đình tôi tự lấy giống cây từ trong rừng về trồng xen kẽ tại vườn cây ăn quả với số lượng gần 300 cây.
Hiện tại, người dân chúng tôi không lo đầu ra vì thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Thương lái thu mua hoa trà vàng chủ yếu đến từ các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Ông Lý Quang Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lợi Bác (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế và thị trường ổn định từ cây dược liệu trà hoa vàng, cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng, tuyên truyền người dân tận dụng đồi, rừng để mở rộng diện tích cây trồng, hình thành các tổ hợp tác trồng trà hoa vàng, từng bước hướng đến liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Dự kiến đến năm 2022, xã nâng tổng diện tích trồng trà hoa vàng lên 10 ha.
Hiện nay, UBND xã Lợi Bác (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đã làm thủ tục gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đề nghị xem xét công nhận sản phẩm trà hoa vàng của xã là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm); đồng thời, đề nghị phòng phối hợp với cơ quan chuyên môn tạo điều kiện để xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây để nâng cao chất lượng hoa trà.
Trà hoa vàng hay còn gọi là kim hoa trà là loại cây chứa nhiều thành phần dinh dưỡng phong phú trong tự nhiên. Các hợp chất có trong trà hoa vàng có thể hạn chế sự phát triển của các khối u, giảm 35% hàm lượng cholesterol trong máu. Tuy nhiên, do bị khai thác ồ ạt nên cây trà hoa vàng đứng trước nguy cơ tận diệt. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lộc Bình, trà hoa vàng được trồng ở xã Ái Quốc và Lợi Bác. Việc nhân giống thành công và mở rộng diện tích trồng cây trà hoa vàng ở các xã đã và đang góp phần bảo tồn nguồn gen quý và đem lại thu nhập cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.