Đột phá vào yếu tố con người

Hứa Phương (thực hiện) Chủ nhật, ngày 01/05/2016 10:00 AM (GMT+7)
Tại hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng bày tỏ mong muốn TP.HCM sẽ phát triển như đặc khu kinh tế Thượng Hải và lấy lại vị trí số 1 vốn có. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên NTNN  đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hoàng Dũng (ảnh) - Giám đốc nghiên cứu và phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Hoàng Dũng.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về mục tiêu mà người đứng đầu thành phố đề ra?

- Những điều ông Thăng nói là mong muốn của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung từ lâu. Những quan điểm phát triển và nghị quyết thành phố đã thể hiện rất rõ ý chí của người dân và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thời gian qua chúng ta cũng có những quyết sách khá mạnh mẽ để tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Tuy nhiên, tôi cảm nhận thành phố mới chỉ thành công phát triển về mặt số lượng chứ chưa chú trọng nhiều đến chất lượng, đặc biệt là chất lượng phát triển vừa bền vững, vừa hiện đại của một trung tâm lớn trong khu vực về nhiều mặt.

img

Những mầm non tương lai của TP.Hồ Chí Minh (Ảnh chụp tại bưu điện thành phố).

Ảnh: Hứa Phương

Những gì trên thế giới có dường như TP.HCM đều có, từ những làng nghề, dịch vụ thủ công xuất khẩu, đến trường đại học, viện nghiên cứu, từ sản phẩm công nghệ thấp đến công nghệ cao đều có. Tuy nhiên hầu như không có sản phẩm, dịch vụ nào mang tính đặc trưng của thành phố. Những sản phẩm sản xuất ra phần lớn là gia công, hàm lượng chất xám thấp nên giá trị không cao.

Ví dụ thành phố có thể đầu tư công nghệ hiện đại để chế biến ra những những sản phẩm cao cấp từ ngành nông nghiệp như cà phê, điều, tiêu…, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm này, thay vì chủ yếu xuất thô hoặc chỉ sơ chế như hiện nay. Việc giáo dục đại học, dạy nghề ở thành phố mới ở mức sơ khởi chứ chưa đạt được chuẩn mực cao như những quy định trong Hiệp định TPP mà Chính phủ đã cam kết thực hiện. Hành pháp kém, thiếu sự nghiêm trị, chưa đề cao sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Những yếu tố này cần được nhìn nhận đúng đắn và nghiêm túc để khắc phục và phát triển xứng đáng, ít nhất khi thời điểm hiệu lực các FTA thế hệ mới đã và đang đến gần.

 Vậy theo ông để phát triển như đặc khu kinh tế Thượng Hải và lấy lại vị trí số 1 thì TP.HCM cần phải làm gì?

- Đứng từ góc độ nghiên cứu phát triển bền vững, theo tôi thành phố nên tập trung vào những mũi nhọn sau:

Thứ nhất, cần thực hiện đúng mọi quy định trong TPP mà chúng ta là một thành viên và đã cam kết. So với những nước khác trong TPP thì Việt Nam đang ở định vị thấp nhất và những cam kết đó chính là điều kiện để chúng ta phát triển và phát triển một cách bền vững và hiện đại.

img

Cầu vượt qua xa lộ Hà Nội. Ảnh: Hứa Phương

Thứ hai, thành phố có nhiều sản phẩm rồi, giờ cần tập trung phát triển về chất, kể cả sản phẩm hữu hình và sản phẩm dịch vụ. Gần đây người ta hay nói đến công nghệ hỗ trợ rằng là Việt Nam chưa sản xuất được con ốc vít để tham gia chuỗi giá trị của Samsung hay chuỗi toàn cầu. Tuy nhiên tôi cho rằng chúng ra dư sức sản xuất các sản phẩm công nghiệp chính chứ không chỉ công nghiệp hỗ trợ, thậm chí sản xuất phần mềm cao cấp, hay máy bay, xe tăng chúng ta cũng có thể làm được.

Tôi thấy sinh viên Việt Nam tham gia những cuộc thi trên thế giới đều mang huy chương bậc cao về, chúng ta là những con người có trí tuệ, thông minh, cần cù… Nói chung sức mạnh nội tại chúng ta có. Nhưng yếu tố khiến chúng ta chưa sản xuất được xe tăng, máy bay, các sản phẩm công nghệ cao là do chúng ta đang thiếu những nhà lãnh đạo có tầm vóc, có năng lực cao để quy tụ xung quanh mình những người tài, thiếu chính sách tương thích cho họ, chưa thực sự làm cho họ cảm thấy được trọng dụng, được cống hiến.

Nếu thành phố làm được sự đột phá như vậy, tôi tin rằng chỉ 10 đến 20 năm thôi, chúng ta sẽ phát triển vượt qua Bangkok, tương xứng như Tokyo, Singapore, như Thượng Hải…

Thứ ba, vấn đề giáo dục và đào tạo. Đây là vấn đề chiến lược. Tất cả những quốc gia phát triển bền vững trên thế giới hiện nay đều xuất phát từ giáo dục và hàng giờ, hàng ngày họ luôn cập nhật, đầu tư cho giáo dục. Lãnh đạo thành phố và ngành giáo dục phải làm sao phát triển được những trường đại học tương xứng mang tầm khu vực và thế giới, đào tạo ra những con người chuyên nghiệp, ra trường phải làm được việc, được nghề đã học. Thật sự tôi rất đau lòng khi nghe thấy mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên ra trường nhưng thất nghiệp. Đó là sự lãng phí ghê gớm của gia đình, của xã hội và của chính cuộc đời họ. Những người trí thức đó cần được hỗ trợ để có cơ hội cống hiến. Việc dạy nghề cần dạy theo nhu cầu của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong chuỗi đào tạo. Sinh viên ra trường phải có việc làm ngay trong nước mình và cạnh tranh được với sinh viên các nước trong khối AEC, TPP mà Chính phủ đã ký kết. AEC, TPP chính là cơ hội để chúng ta thực hiện những triển vọng đó.

Thành phố cần ưu tiên và luôn luôn chú trọng giải quyết được vấn đề con người. Cụ thể những nơi cần nhân tài phải thực sự thu phục được nhân tài. Chủ trương thì đã có nhiều, nhưng bao nhiêu năm qua vẫn chưa làm được một cách đột phá. Nên nhớ rằng bất kỳ chính sách gì cũng cần có những con người có trình độ, có thực lực thì thực hiện mới thành công”.

 Ông Nguyễn Hoàng Dũng

Ông nhấn mạnh vào vấn đề phát triển giáo dục của thành phố, ý của ông có phải yếu tố con người quyết định tất cả không?

- Đúng! Thành phố cần ưu tiên và luôn luôn chú trọng giải quyết được vấn đề con người. Cụ thể những nơi cần nhân tài phải thực sự thu phục được nhân tài. Chủ trương thì đã có nhiều, nhưng bao nhiêu năm qua vẫn chưa làm được một cách đột phá. Khi chưa làm được, lòng tin của người dân ngày càng thấp, người học cao thì tìm ra nước ngoài làm việc, hoặc làm trong các FDI, liên doanh trong nước, người có điều kiện là cho con đi học nước ngoài. Rõ ràng hệ thống giáo dục đang có vấn đề chỗ nào đó, nhiều gia đình đầu tư cả gia sản cho đứa con đi học về lại thất nghiệp, thậm chí phải đi học nghề khác, thử hỏi vấn đề tín nhiệm ở đâu? Nên thành phố cần giải quyết vấn đề này một cách gấp rút và phải mang tính chiến lược bền vững. Mà muốn vậy, cần có chính sách thu hút hiệu quả, tạo ra môi trường làm việc tương xứng để họ cống hiến lâu dài. Nên nhớ rằng bất kỳ chính sách gì cũng cần có những con người có trình độ, có thực lực thì thực hiện mới thành công.

Mặt khác, vấn đề tài chính cần dành tỷ trọng ngân sách đáng kể để đầu tư công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, đầu tư phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp lên tầm cao mới. Theo tôi thành phố cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp chế tạo trình độ cao, có hàm lượng chất xám cao như sản xuất các thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại (là những máy cái), phần mềm cao cấp; nông nghiệp, ngư nghiệp công nghệ cao; máy bay, xe tăng, dược phẩm cao cấp… Cái gì chúng ta chưa làm được thì nên đi học hỏi nước ngoài về làm, làm từng bước để phát triển, tạo nền tảng vững vàng cho phát triển quốc gia.

Có ý kiến cho rằng TP.HCM đang mặc chiếc áo quá chật. Vậy theo quan điểm của ông có cần luật riêng cho TP.HCM không?

-Theo tôi thì không cần có luật riêng cho TP.HCM, bởi nghĩ cho kỹ, hệ thống luật pháp của nước ta cũng đã cải cách cơ bản, khá rộng và đầy đủ, được làm tất cả những việc pháp luật không cấm. Việc cần nhất là ban lãnh đạo thành phố và các ngành cần làm như thế nào để tập trung, phát huy mọi tiềm lực sẵn có với tất cả những ưu thế, sức mạnh của mình, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước đi trước trong khối TPP.

Xin cảm ơn ông!

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM:

Sớm “cởi trói” cơ chế và tạo điều kiện thí điểm

img

Nghe Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói phải quyết tâm đưa TP.HCM  trở thành đặc khu kinh tế như Thượng Hải (Trung Quốc), giành lại vị trí số 1, tôi đồng thuận và cảm thấy rất vui. Đó là phát biểu rất tâm huyết của Bí thư, làm cho người dân, cán bộ trí thức có thêm niềm tin, ngoài ra đây còn là mục tiêu dài hạn.

Để đạt được mục tiêu đó tôi nghĩ rằng ngoài sự quyết tâm, phấn đấu của nhân dân thành phố thì Trung ương cũng phải tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, đồng thời tạo điều kiện cho thành phố được làm thí điểm những mô hình mà cả nước chưa có. Chúng ta nên nghĩ tạo cơ chế cho TP.HCM phát triển là để có đóng góp nhiều hơn cho cả nước chứ không riêng cho thành phố. Đất nước ta đã và đang tiến hành cải cách nhưng những nước xung quanh chúng ta còn cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn nên dù Việt Nam rất nỗ lực nhưng vẫn tụt hậu. Chính vì vậy để TP.HCM có bước đột phá, lấy lại vị trí số 1 thì cần có sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương và cần có cơ chế cởi trói cho thành phố.

Từ những việc làm đó sẽ tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để đầu tư cần có niềm tin, với môi trường ngày càng thuận lợi như vậy tôi tin rằng không chỉ doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao từ nước ngoài cũng sẽ đến đầu tư, tạo điều kiện để thành phố phát triển.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM:

Cần có luật riêng cho thành phố

img

Ngoài Nghị quyết 16, 20 của Bộ Chính trị thì cần có luật riêng cho TP.HCM. Vì thực tế TP.HCM là một đô thị đặc biệt và  đang phải mặc chiếc áo quá chật, để thành phố có bước đột phá mạnh mẽ thì rất cần có luật TP.HCM. Theo tôi luật TP.HCM cần quy định cơ chế riêng cho thành phố, dĩ nhiên cơ chế này không trái với Hiến pháp và luật định hiện hành.

Ví dụ như trong vấn đề giao thông, xử lý vi phạm hành chính, vấn đề đầu tư nước ngoài, xử lý cán bộ… Trung ương nên phân cấp cho TP.HCM. Hay như việc xây dựng đường sắt trên cao hiện nay, thành phố muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng do một số hạng mục đổi thiết kế, đội vốn lên mà số vốn đội lên cần phải Quốc hội thông qua thì phải chờ đến kỳ họp Quốc hội sau nên không thể làm nhanh được. Vì vậy luật riêng cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu thành phố. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước Thủ tướng... về những hoạt động của mình.

Ngoài ra, để TP.HCM phát triển vượt bậc như Thượng Hải thì yếu tố con người rất quan trọng. Chúng ta phải đào tạo ra đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có tâm và tầm, có trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp. Họ phải nhiệt tình, làm việc như  xã hội công nghiệp thì mới đưa TP.HCM phát triển được.

 Phương Hứa (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem