Đây là dự án có quỵ mô lớn, phức tạp, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án kéo dài; để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án, UBND thành phố giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình ngay trong tháng này.
Theo đó, nhà đầu tư được lựa chọn phải có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án quy mô lớn để đảm bảo tính khả thi, dự án được triển khai nhanh.
Ngoài ra, báo cáo cần nêu rõ cơ sở pháp lý, yếu tố thuận lợi chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy trình cụ thể triển khai lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, tiêu chí phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng, nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm. Sau đó, trình Chủ tịch Nguyễn Thành Phong để xin ý kiến của Thường trực UBND thành phố, trước khi báo cáo Thường trực Thành ủy.
Đây là diễn biến mới nhất tại dự án khu đô thi "treo" hàng chục năm này. Trước đó, hồi giữa năm 2017, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Mặc dù đối tác nước ngoài trong liên danh với Bitexco được phê duyệt thực hiện dự án năm 2015 là Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) không tiếp tục tham gia đầu tư dự án.
Phối cảnh Khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới
Được biết, năm 1992 dự án Thanh Đa - Bình Quới đã được UBND TP.HCM phê duyệt và đến năm 2004 dự án đã được TP.HCM giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án và đến năm 2010 UBND TP.HCM đã thu hồi quyết định.
Sau đó, Bitexco được giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của dự án với toàn bộ gần 430 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28, quận Bình Thạnh. Năm 2016, dự án này đã được UBND TP.HCM quyết định phê duyệt cho liên danh Tập đoàn Bitexco - Emaar Properties PJS xúc tiến thực hiện.
Theo quyết định này, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu đô thị mới theo các tiêu chí của một đô thị sinh thái hiện đại với hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.
Tổng diện tích triển khai dự án khoảng 426,93 ha bao gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, không tính phần diện tích mặt nước sông Sài Gòn. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào khoảng 30.700 tỉ đồng.
Người dân trồng lúa tại dự án Thanh Đa - Bình Quới giữa lòng Sài Gòn
Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2016-2020) tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (2021-2025), nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của dự án. Giai đoạn 3 (2026-2030) hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại của dự án.
Theo dự kiến, đây sẽ là khu đô thị quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với đầy đủ chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 - 50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận.
Tuy nhiên, đến nay dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa vẫn “dậm chân tại chỗ” dẫn đến thực trạng còn hơn 3.000 hộ dân sống lay lắt, mỏi mòn trông chờ dự án được triển khai. Trên diện tích đất rộng lớn đó là hàng nghìn căn nhà đã cũ kỹ, lụp xụp, xuống cấp nhưng không được phép xây mới; những mảnh đất bỏ hoang, những con đường nhỏ chỉ rải đá dăm, các xe lớn khó có thể lưu thông được và nhiều vùng trũng đã được người dân cải tạo lại làm ao nuôi cá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.