Dự án địa ốc “bức ép” hạ tầng đô thị

Nguyễn Tường Thứ năm, ngày 17/11/2016 14:32 PM (GMT+7)
Sự xuất hiện ồ ạt của các dự án bất động sản (BĐS) tại các “điểm nóng” dân sinh khiến điều kiện hạ tầng không thể kham nổi sức ép. Kẹt xe, ngập nước ngày càng tăng cao. Bài toán hài hòa thị trường BĐS và vấn đề đô thị đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn.
Bình luận 0

img

  Đường Đào Trí, cửa ngõ của hàng loạt dự án bất động sản.

Sức ép quá lớn

Nhìn về những dự án đình đám thời gian gần đây, hầu hết các chủ đầu tư đều cố gắng tìm kiếm vị trí mặt tiền đắc địa, ít quan tâm đến yếu tố dân sinh. Dự án nào cũng hoành tráng trên bản vẽ nhưng chưa biết khi thành hình, cư dân sẽ đối mặt với sức ép lớn như thế nào.

Đơn cử như Hà Đô Centrosa tại mặt tiền đường 3/2, ngay gần vòng xoay Dân Chủ. Đây là một “ma trận” giao thông kẹt xe trầm kha của thành phố chưa có lời giải. Với sự xuất hiện của Centrosa với 2.178 căn hộ, con số cơ học tối thiểu hơn 5.000 người lưu thông hàng ngày qua vòng xoay này sẽ gây thêm sức ép lớn.

Một siêu dự án khác ở ngay cửa ngõ dẫn thẳng vào khu vực trung tâm TP.HCM trên đường Tôn Đức Thắng-Nguyễn Hữu Cảnh. Có số lượng căn hộ “khủng” lên đến 3.000 căn chưa kể biệt thự, nhà phố biệt lập. Giao lộ này là một điểm đen kẹt xe và ngập nước, chưa biết số lượng cư dân trong tương lai sẽ xoay xở như thế nào. Bản thân con đường Nguyễn Hữu Cảnh từ lâu đã được các chuyên gia cảnh báo khi sự xuất hiện dày đặc của các dự án khiến hệ thống thoát nước bị ảnh hưởng, ngập nước trầm trọng hơn.

Phát triển nóng nhất có lẽ là khu Nam Sài Gòn. Một con đường Đào Trí dưới chân cầu Phú Mỹ rộng chừng 4m là “cửa ngõ” dẫn vào hàng loạt dự án như: Jamona Goldsilk, River City, Toàn Thịnh Phát… với tổng số lượng hàng chục nghìn căn hộ.

Chỉ riêng con đường Nguyễn Hữu Thọ, trong một năm có sự đổ bộ của hàng chục dự án lớn nhỏ. Như Park Vista, The Park Residence, Dragon Hill 2, Kiến Á... Toàn bộ đều là dự án căn hộ cao cấp. Chỉ riêng lượng xe hơi sẽ “tề tựu” về sau khi các dự án thành hình, đã là một sức ép khủng khiếp.

Tại buổi Hội thảo "Hoạch định tương lai cho thị trường BĐS" vừa được tổ chức, chuyên gia tài chính Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, than thở: “Cách đây 2 năm, từ nhà ở quận 7 đến nơi làm việc ở quận 1 chỉ mất 15 phút, nhưng nay phải mất 45 phút. Khu Nam dự án hoàn thiện chưa nhiều, nhưng đã kẹt xe ghê gớm. Không biết vài năm tới lấy đường đâu để đi vào trung tâm”. Đích thân một giám đốc doanh nghiệp bất động sản thừa nhận, cho dù nhà ở hiện nay của anh rất tốt, môi trường sống an ninh, trong lành, văn minh… Nhưng anh cũng tính chuyện đổi hướng bởi tình trạng kẹt xe từ khu Nam về trung tâm ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đi lại hàng ngày cho công việc cũng như sinh hoạt, học hành của con cái.

Bài toán hài hòa

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Tổng giám đốc Công ty BĐS Tiến Phước, nhận định trong  bối cảnh hạ tầng quá tải, trong tương lai gần lợi thế thuộc về các dự án kết nối tốt với trung tâm và vùng phụ cận. Nhiều chuyên gia chỉ ra thời gian gần đây những dự án kết nối tốt với các dự án giao thông đều thanh khoản rất tốt, gia tăng giá trị cao như các dự án của Novaland trên trục Mai Chí Thọ, Vành đai, dự án của Him Lam Land trên trục Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết định hướng của thành phố là phát triển mở rộng về hướng Đông, Nam và Tây Bắc Củ Chi để giảm tải cho trung tâm. Nhưng 3 hướng trên chỉ hướng Đông còn tương đối thông thoáng, 2 hướng còn lại phát sinh rất nhiều vấn đề. Cụ thể, hướng Tây Bắc, khu đô thị Củ Chi về trung tâm TP nếu đường thông thoáng xe ô tô chạy khoảng 20-25 phút, nhưng hiện nay mất khoảng 60 phút. Thành phố đang triển khai Safari Củ Chi tạo động lực cho phát triển du lịch, nhưng giao thông như hiện nay không thể thu hút khách du lịch, bởi du khách lịch trình rất sát, không thể vừa đi vừa chờ kẹt xe.

Theo nhận định,  TP.HCM là 1 trong 10 thành phố trên toàn thế giới bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt vấn đề ngập nước rất đáng quan ngại. Ngoài ra TP còn chịu áp lực gia tăng dân số cơ học, áp lực về hạ tầng giao thông…

Ông Khoa đánh giá BĐS góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của TP. Hạ tầng giao thông là động lực để thúc đẩy BĐS phát triển. Do đó, trong những năm tới TP sẽ sử dụng nguồn vốn 7,6 tỷ USD từ các nguồn ODA, ngân sách nhà nước, vốn vay… và 2 tỷ USD từ hình thức đối tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng.

“So với nhiều nước trên thế giới, đô thị hóa ở Việt Nam vẫn còn chậm, mới chỉ 30%. Hiện nay mỗi năm Việt Nam đô thị hóa 1%, điều này có nghĩa mỗi năm có 1 triệu người từ “nông dân” sang “thị dân”. Nền kinh tế tăng trưởng cao, chất lượng tăng trưởng ngày càng tốt hơn, tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng cộng với chính sách mở rộng nhà ở cho người dân của Chính phủ là những cơ hội cho BĐS phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức”- Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem